14:54 29/07/2008

Thấy gì từ thị trường lao động quý 2?

Lý Hà

Tình hình nhân lực trong quý 2 năm nay cho thấy cung tăng nhẹ trong khi cầu “giậm chân tại chỗ”

Hành chính/thư ký là một trong những nghề "nóng" hiện nay.
Hành chính/thư ký là một trong những nghề "nóng" hiện nay.
Tình hình nhân lực trong quý 2 năm nay cho thấy cung tăng nhẹ trong khi cầu “giậm chân tại chỗ”.

Bán hàng, kỹ thuật ứng dụng, kế toán/tài chính và hành chính/thư ký tiếp tục là những nghề “nóng nhất” trên thị trường lao động. Chứng khoán sụt giảm cả về cung và cầu nhân lực sau đợt “bùng phát” quý trước.

Theo Vietnamworks, chỉ số cung và cầu được tính dựa trên số lượng việc làm và số hồ sơ tìm việc đăng trên trang web việc làm và tuyển dụng của công ty này, thể hiện xu hướng của thị trường lao động trong từng ngành nghề cụ thể, từng cấp bậc tại Việt Nam.

Khoảng cách cung - cầu liên tục thu hẹp

Theo bản báo cáo của Vietnamworks, với mức tăng trưởng 0,3%, cầu lao động trực tuyến trong quý này “giậm chân tại chỗ”, chỉ số cầu lao động của 24 trong tổng số 49 ngành nghề phân loại trên trang web của Vietnamworks giảm, chỉ có 25 ngành nghề có chỉ số cầu lao động tăng.

Đây là lần đầu tiên kể từ quý 4/2006, chỉ số cầu lao động trực tuyến tăng “khiêm tốn” trong mùa “nhảy” việc và điều này phần nào phản ánh tình hình kinh tế trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, chỉ số cung lao động trực tuyến chỉ tăng 6%, mức tăng thấp nhất trong hai quý gần đây nhất. Cung lao động trong 13 ngành nghề giảm; còn ở nhóm các ngành nghề có chỉ số cung lao động tăng, như ngành luật tăng cao nhất, đạt 24%.

Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2008 đến nay, khoảng cách cung - cầu lao động liên tục thu hẹp, giúp phần nào “hạ nhiệt” thị trường lao động Việt Nam. Trong số những ngành nghề có chỉ số cầu tăng, bán lẻ/bán sỉ tăng cao nhất, đạt 76% so với quý trước; theo sau là các ngành nghề kho vận, da giày, dầu khí/khoáng sản, viễn thông, kỹ thuật ứng dụng, sản xuất.

Từ quý 1/2007 đến hết quý 2/2008, bán hàng, kỹ thuật ứng dụng, kế toán/tài chính và hành chính/thư ký liên tục “ghi tên” trong nhóm sáu nghề có cung-cầu nhân lực cao nhất.

Nhu cầu lao động về công nghệ thông tin-phần mềm giảm 2%, nhưng vẫn thuộc sáu nghề có cầu nhân lực cao nhất quý này và sáu quý vừa qua, cho thấy nhân lực trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục thiếu.

Đối với ngành kế toán/tài chính và ngân hàng/đầu tư tăng lần lượt 22% và 20% về cung lao động so với quý trước, chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai trong nhóm sáu lĩnh vực có cung nhân lực cao nhất quý 2/2008. Tuy nhiên, chỉ số cầu lao động của hai ngành này giảm 3% và 13% so với quý đầu năm 2008.

Chỉ số cung lao động của lĩnh vực sản xuất quý 2/2008 tăng 5% và chỉ số cầu tăng 19%, đưa sản xuất trở thành một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng cầu cao nhất và thay thế nghề tiếp thị trong nhóm sáu lĩnh vực có cầu nhân lực cao nhất. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho lĩnh vực sản xuất đã gia tăng liên tục kể từ đầu năm 2007.

Có sự thay đổi về phân bổ việc làm

Quý 2, các chỉ số cung và cầu nhân lực của ngành chứng khoán sụt giảm mạnh nhất với mức giảm 65% về nhu cầu và 9% về cung so với quý trước.

Thị trường chứng khoán ảm đạm tại Việt Nam trong quý vừa qua đã làm nản lòng cả nhà tuyển dụng và các nhân viên ngành này. Nhưng sự thay đổi này là cần thiết để bình ổn cung - cầu nhân lực ngành chứng khoán vốn bị đẩy lên quá nóng trong thời gian qua.

Chỉ số cầu của ngành quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại, vốn là ngành thời thượng, nay giảm 11%, trong khi lượng ứng viên tìm việc trong lĩnh vực này tăng 7% so với quý 1/2008.

Bản báo cáo cũng cho biết những thay đổi về phân bố việc làm trong quý 2/2008, theo đó Tp.HCM và Hà Nội vẫn dẫn đầu. Tuy nhiên, chỉ số phân bố việc làm tại Tp.HCM giảm 0,2%, trong khi đó Hà Nội tăng đến 10% so với quý trước. Quý này, chỉ số phân bố công việc tại Đà Nẵng giảm 7%, ra khỏi nhóm 5 tỉnh, thành hấp dẫn nhất về mặt cơ hội việc làm và bị thay thế bởi Hải Phòng.

Trong quý 2/2008, nhu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm không thuộc cấp quản lý chiếm 66,7%, giảm 0,8% so với quý trước, nhưng vẫn chiếm ưu thế. Cơ hội nghề nghiệp đối với người tìm việc ở cấp độ trưởng nhóm/giám sát chiếm 9,3%, tăng 0,6% so với quý 1/2008.

Điều này nói lên rằng thị trường lao động Việt Nam vẫn trong “cơn khát” lao động trung và cao cấp. Nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới ra trường/thực tập chiếm 3,4%, tăng nhẹ 0,8% so với quý trước; theo sau là cấp quản lý với 17,4%; giám đốc 3,1%; trưởng đại diện (CEO)/chủ tịch/phó chủ tịch với 0,1%.