08:28 22/08/2011

Thế giới mong manh, vàng là số một?

Dương Lâm

Giá vàng tuần qua tiếp tục đi lên và được dự báo còn tăng tiếp trong tuần này, nhưng cũng có ý kiến vàng sẽ sụt giá mạnh

Giá vàng sẽ tăng mạnh hay giảm sâu trong tuần này, hiện vẫn rất khó lường.
Giá vàng sẽ tăng mạnh hay giảm sâu trong tuần này, hiện vẫn rất khó lường.
Matt Zeman, chiến lược gia thuộc hãng tài chính Kingsview nhận định rằng, tuần tới giá vàng có thể sẽ chạm đỉnh cao 2.000 USD/ounce và mốc này sẽ trở nên chắc chắn hơn trong những tuần kế tiếp. Trước đó, nhà phân tích Sterling Smith thuộc hãng Country Hedging Inc, cũng cho rằng, với tốc độ tăng như vài ngày qua, giá vàng có thể chạm mốc 2.000 USD/ounce vào cuối tháng này.

Tuần qua, ngoại trừ phiên đầu tuần trên thị trường châu Á, giá vàng đi xuống do nhà đầu tư bán tháo để mua vào chứng khoán ở mức thấp hấp dẫn, tất cả các phiên còn lại, vàng đều liên tục lập và phá những đỉnh cao giá mới, đánh dấu tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp. Đáng chú ý, phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng quốc tế chính thức xác lập đỉnh cao mới mọi thời đại ở 1.878,15 USD/ounce.

Nguyên nhân khiến thị trường vàng ngày càng hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, bất kể có những nhận định rằng thị trường này đang nổi bong bóng quá mức hầu sắp vỡ tung, là bởi những dự báo về nguy cơ suy thoái kép. Các báo cáo kinh tế u ám tuần qua trải rộng từ châu Âu, Mỹ sang tới châu Á (bao gồm cả nền kinh tế Trung Quốc) càng khiến nhà đầu tư đoan chắc rằng suy thoái kép đang ở rất gần.

Trước tiên là kinh tế Mỹ, cột trụ quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát tháng 7 của Mỹ cao gấp đôi dự báo. Chi phí sinh hoạt ở Mỹ trong tháng 7 vừa qua tăng mạnh nhất 4 tháng, chủ yếu do giá năng lượng và lương thực tăng cao. Số người đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/8 tăng thêm 9.000, lên 408.000 người, mức cao nhất trong 1 tháng.

Richard Weiss, chuyên gia tiền tệ cao cấp của hãng đầu tư American Century ở California cho biết, những số liệu mới nhất đã làm thay đổi quan niệm của giới đầu tư về triển vọng kinh tế Mỹ. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống dưới 2% lần đầu tiên trong vòng ít nhất 70 năm. Cụ thể, lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm 19 điểm cơ bản, còn 1,97%.

Tại châu Âu, cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Đức hồi đầu tuần đã không thể xoa dịu những lo sợ về khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục lan rộng. Những đề xuất của hai cường quốc này được các quốc gia thành viên trong Eurozone đón nhận khá lạnh nhạt. Trong khi, theo thông báo của Cơ quan Thống kê châu Âu, tăng trưởng GDP quý 2 của khu vực đồng Euro đã chậm lại ở mức 0,2%.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi sự sa sút của hai nền kinh tế hạt nhân, Đức và Pháp. Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức cho thấy sự tuột dốc của nền kinh tế lớn nhất Eurozone khi GDP quý 2 chỉ tăng 0,1%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua và bỏ xa tốc độ tăng 1,3% ngay trong quý trước. Trước đó, Pháp cũng công bố GDP của nước này trì trệ ở mức 0%.

Tình hình tại châu Á không khá khẩm hơn là bao. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Robert Prior-Wanderforde tại tập đoàn tài chính Credit Suisse, nguy cơ kinh tế châu Á rơi vào suy thoái là 30 - 40%. Các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi khủng hoảng nợ Mỹ và châu Âu.

Nhật Bản mặc dù cho thấy sự hồi phục thần kỳ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3, nhưng không thể phủ nhận thực tế phũ phàng là nước này đã đã bị suy thoái quý thứ 3 liên tiếp. Thêm vào đó, việc đồng Yên đang tăng giá mạnh thời gian qua dự kiến sẽ tác động sâu hơn vào xuất khẩu của Nhật Bản. Nhiều người tin rằng, Nhật Bản sẽ sớm can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa.

Kinh tế Trung Quốc có vẻ khá hơn, khi tại một diễn đàn mới đây ở Singapore về các điều kiện kinh tế vĩ mô và chính sách vĩ mô của Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát của nước này nhiều khả năng đã lên tới đỉnh điểm trong tháng 7 vừa qua và có thể sẽ được đẩy xuống nhanh hơn dự kiến, do tác nhân chính là giá thịt lợn dự báo sẽ sụt giảm trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới.

Tuy nhiên, trong những dự báo mới nhất về kinh tế Trung Quốc, một nhóm các nhà kinh tế thuộc trường Đại học Hạ Môn ở Trung Quốc và Đại học Quốc gia Singapore cho rằng lạm phát của Trung Quốc sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong một thời gian nữa, do đó, Bắc Kinh vẫn cần bám sát chính sách thắt chặt tiền tệ.

Đó là chưa kể, trong tuần qua, hãng tin Bloomberg cho biết, đặc khu kinh tế - hành chính Hồng Kông của Trung Quốc cũng đang có chiều hướng rơi vào suy thoái, và theo Daiwa Capital Market, đây sẽ là tín hiệu u ám đối với nền kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Kevin Lai của Daiwa Capital Market cho rằng, Hồng Kông có thể suy thoái ít nhất một năm.

Những lý do trên đã khiến cơn sốt vàng tuần qua bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt là trong hai phiên 18 và 19/8, khi hàng loạt thông tin bất lợi dồn dập tới từ Mỹ, khiến nhà đầu tư đổ xô trú ẩn vào vàng để bảo toàn đồng vốn và tài sản của mình. Việc Tổng thống Venezuela hôm 17/8 tuyên bố thu hồi về 11 tỷ USD giá trị vàng gửi tại các ngân hàng nước ngoài, càng khiến bầu không khí thêm nóng hầm hập.

Vàng kết thúc tuần với mức tăng mạnh nhất trong 2 năm rưỡi qua (6%), còn tính từ đầu tháng tới nay, giá vàng đã tăng gần 12% - đang hướng tới tháng tăng mạnh nhất trong gần 12 năm trở lại đây. Tính từ đầu năm tới nay thì giá vàng đã tăng được 30%. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn trong tuần này cũng tăng tới 6,3%, còn tính từ đầu tháng tới nay thì tăng được 14%.

Theo các nhà phân tích, đà tăng của giá vàng vẫn chưa ngừng nếu như nền kinh tế toàn cầu vẫn suy giảm do thiếu những giải pháp tích cực. Trong tuần này, khả năng giá vàng vẫn tiếp tục được hỗ trợ đi lên. Hiện thị trường vàng đang chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nhiều khả năng ông Ben Bernanke sẽ thông qua chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) để hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh yếu tố QE3, tuần này, giới đầu cơ quốc tế cũng sẽ quan sát chặt những chỉ số kinh tế Mỹ được công bố gồm doanh số bán nhà mới, đơn hàng tiêu dùng bền, niềm tin tiêu dùng và tổng sản phẩm quốc nội. Nếu các số liệu này đi theo xu hướng gần đây thì sẽ làm tăng thêm nguy cơ tăng trưởng nguội lạnh, có thể đẩy nhu cầu vàng một lần nữa tăng vọt.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia phân tích và cả các nhà sản xuất vàng, đã lên tiếng cảnh báo về đà tăng nóng của kim loại quý. Họ e ngại giá sẽ sụt tương đối lớn trong ngắn hạn do nhà đầu tư bán tháo chốt lời, tuy triển vọng dài hạn vẫn ổn, đặc biệt khi giá dầu thô tăng và hàng hóa hồi phục, cộng với khả năng CME Group sẽ nâng tỷ lệ ký quỹ thêm một lần nữa.

Chuyên gia James Dailey thuộc hãng quản lý tài sản tài chính Team, cũng cho rằng lo lắng về cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới khiến vàng được hỗ trợ tăng mạnh, nhưng vàng có thể sẽ được điều chỉnh giảm. Còn trên tờ Commodityonline, Giám đốc Jeffrey Nichols của hãng tư vấn American Precious Metals nhận định, giá vàng có khả năng điều chỉnh giảm tới 300 USD/ounce, trước khi hồi phục trở lại.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của trường Đại học Kansas cảnh báo, giá vàng đang tăng với tốc độ quá nhanh và không bao lâu nữa, thế giới sẽ chứng kiến bong bóng của kim loại này vỡ tung. Suốt 10 năm qua, giá kim loại quý này mỗi năm đã tăng được 17%, trong lúc các hàng hóa khác chỉ đạt mức tăng giá 3% mỗi năm. Như vậy, đà tăng của giá vàng thiếu tính bền vững và sẽ sớm sụp đổ.