09:45 08/03/2007

Thế giới: Sợ chứng khoán như sợ cúm gà

Trong tuần trước, thế giới diễn ra cảnh giới đầu tư ào chạy để tránh rủi ro, giống như tránh bệnh dịch vậy

Một nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Một nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Có tờ báo bên Anh quốc ví những biến động trên các thị trường chứng khoán khắp thế giới trong tuần trước giống như phản ứng của nhân loại trước bệnh cúm gà.

Khi nghe tin có gà, vịt chết vì cúm, nhiều người kiêng luôn, không dám ăn thịt gà nữa. Nhưng loài người không phải lúc nào cũng phản ứng một cách hợp lý. Người ta ngửi thấy mùi “rủi ro” trong đám chim chóc, gà qué, và quyết định tránh xa, dù xác suất bị lây bệnh rất nhỏ, gần bằng số không.

Trong tuần trước, thế giới diễn ra cảnh giới đầu tư ào chạy để tránh rủi ro, giống như tránh bệnh dịch vậy. Cổ phần tại những nước đang lên, như ở Trung Quốc, Brazil, Nga, xuống nhiều hơn vì thông tin ở các nước đó lờ mờ hơn các nước đã tiến bộ.

Tại những nước đã phát triển cao thì cổ phần tương đối xuống ít, vì ở đó các tin tức kinh doanh đều nhanh chóng, luật lệ buộc phải công khai và minh bạch, cho nên bớt rủi ro hơn.

Nhiều người đã bán cổ phần để mua trái phiếu dù triển vọng lời lãi thấp hơn, vì trái phiếu tức là giấy nợ, theo luật bắt buộc phải trả tiền lãi và vốn. Ngay trong thị trường trái phiếu cũng có nhiều khu vực với mức độ rủi ro khác nhau, các nhà đầu tư đã chạy khỏi những khu vực kém an toàn.

Nhiều công ty tài chính Mỹ trong tuần trước đã bỏ không tài trợ những vụ vay tiền mua nhà của những con nợ nhiều rủi ro, mặc dù những người đó khi vay là chịu trả lãi cao.

Tuần này, xu hướng đó vẫn tiếp diễn. Đồng Yên của Nhật Bản, đồng Franc Thuỵ Sĩ tăng giá so với đô la Mỹ, dù lãi suất ở các nước này thấp hơn ở Mỹ. Vì người ta đã thấy khi nhận được lãi suất cao hơn thì tất nhiên cũng phải chịu nhiều may rủi hơn.

Nhiều nhà đầu tư Nhật đã dùng đồng Yên mua tiền của các nước Mỹ, Anh, Úc, New Zealand trong tuần lễ cuối cùng của tháng hai, tổng cộng tới 17 tỉ USD, nhưng đồng Yên vẫn tiếp tục lên giá.

Những công ty yếu, khi phát hành trái phiếu chịu trả lãi rất cao, bây giờ những trái phiếu của họ, gọi là junk bonds, cũng xuống giá vì người ta đem bán bớt. Trái khoán các xí nghiệp đã xuống giá vì người ta bán bớt để mua công trái của các chính phủ cho an toàn.

Tính cho cả tuần trước, thị trường Thượng Hải đã mất 5,6%, sau khi đã mở màn với cảnh sụt giá gần 9% trong ngày đầu. Thị trường Tokyo lúc mới đầu khá vững, nhưng sau cùng cũng mất 5,3%; trong khi đồng Yên lên giá 3,5%. Chỉ số của thị trường châu Âu mất 5,2%; còn chỉ số Dow Jones của thị trường New York mất 4,2%.

Mở đầu tuần tiếp theo, ngày thứ hai 5/3, thị trường ở các nước châu Á lại xuống nữa, đặc biệt là chỉ số Hang Sheng ở Hong Kong cũng xuống, nhưng thị trường New York lại có vẻ ổn định.

Không ai dám quả quyết tin tức nào đóng vai chính đẩy các thị trường xuống dốc trong tuần trước. Chỉ biết một điều là trong thế giới mở cửa bây giờ, thị trường tài chính khắp nơi liên hệ, không quốc gia nào có thể sống như một ốc đảo biệt lập.

Có rất nhiều tin tức đến trong mấy ngày đầu tuần trước, thúc đẩy nhau, ảnh hưởng tới người đầu tư. Có người thấy tin đồn Chính phủ Trung Quốc sắp đánh thuế trên những món lời khi buôn bán cổ phần là nguyên nhân chính khiến nhiều người Trung Hoa bán cổ phần loại A ở Thượng Hải.

Nhưng có thể người ta lo sợ cho nên bán, khi nghe ông Alan Greenspan, nguyên chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang tức Ngân hàng Trung ương Mỹ nói đến những chữ “suy thoái.” Nếu kinh tế Mỹ suy thoái thì hàng xuất khẩu của các nước Á châu sẽ giảm bớt, các thị trường Malaysia và Singapore cũng xuống cả. Ở bên Mỹ thì người ta nghe tin số nhà bán và những thứ “hàng dùng lâu” như xe cộ, tủ lạnh, máy giặt đã xuống mạnh, nên nhiều người lo kinh tế xuống luôn.

Nhưng khi nghe ông chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ điều trần trước Quốc hội là nền kinh tế vẫn ổn định, sẽ tăng trưởng ở tốc độ trên 2% một năm, thì nhiều người cảm thấy an tâm hơn. Nhiều dấu hiệu cho thấy dân Mỹ vẫn tiêu thụ nhiều, ngay cả dân Trung Quốc nổi tiếng thích tiết kiệm mà cũng bắt đầu tiêu tiền nhiều hơn!

Hiện tượng thị trường thế giới xao động, lên xuống bất ngờ chắc còn tiếp diễn. Một điều biết chắc là hiện nay kinh tế các nước không có dấu hiệu nào cho thấy đang trên đà suy yếu, từ Trung Quốc qua Ấn Độ, châu Âu và Mỹ.

Mà việc ước tính giá cổ phần hay trái phiếu cuối cùng vẫn phải dựa trên căn bản là lợi nhuận của các công ty, mà lợi nhuận thì tuỳ thuộc vào các hoạt động kinh tế cả nước.

Cho nên nếu thị trường có tiếp tục xuống, chắc rồi sẽ bình ổn trở lại.