10:38 26/09/2008

Thế giới vật lộn với khủng hoảng tài chính

Quốc Trung

Cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại Mỹ đang gây thêm khó khăn, sức ép lên nhiều nền kinh tế

"Cơn sóng thần" ở Phố Wall đã khiến cả thế giới phải chao đảo theo - Ảnh: Reuters.
"Cơn sóng thần" ở Phố Wall đã khiến cả thế giới phải chao đảo theo - Ảnh: Reuters.
Cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại Mỹ đang gây thêm khó khăn, sức ép lên nhiều nền kinh tế. Trong khi đó, kế hoạch giải cứu tài chính trị giá 700 tỷ USD của Nhà Trắng vẫn đang gây nhiều tranh cãi và bị chính dân Mỹ nghi ngờ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa ước tính, thiệt hại của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lên đến 1,3 nghìn tỷ USD. Tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới như Nga, EU, Nhật Bản, Trung Quốc... đều đang trở thành nạn nhân của “cơn địa chấn tài chính” Mỹ.

Hoạ vô đơn chí

Tác động tiêu cực của những vụ đổ bể các định chế tài chính lớn ở Mỹ làm kinh tế thế giới thêm ảm đạm, khó khăn hơn, trong bối cảnh lạm phát tăng cao; suy thoái kinh tế đã lan đến châu Âu, Nhật Bản...

Với Nga, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ bất ngờ đẩy nước này vào thế phải vật lộn để tái khẳng định vị thế tài chính của mình. Các thị trường chứng khoán Nga đã chao đảo khi các ngân hàng đầu tư của Mỹ phá sản. Bộ Tài chính nước này vừa phải cam kết cho 3 ngân hàng lớn vay  hơn 44 tỷ USD trong vòng 90 ngày để chống khan hiếm tiền mặt. Nga còn đang phải đối mặt khó khăn khác là các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút 35 tỷ USD, sau cuộc chiến với Gruzia.

Thị trường tài chính và giới ngân hàng châu Âu cũng không thể bình an trước tác động khủng hoảng tài chính Mỹ. Giá cổ phiếu ở các nước EU đã đồng loạt giảm mạnh khi Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ tuyên bố phá sản. Trong khi kinh tế châu Âu đang rất ảm đạm, dự kiến chỉ tăng 1,4% trong năm 2008. Riêng ngành ngân hàng của Pháp đã lỗ 20 tỷ EUR trong 12 tháng qua.

Ở châu Á, các nền kinh tế đầu tàu là Nhật Bản, Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức của “cơn sóng thần Phố Wall”. Dù đang phải gánh một núi nợ nần (tương đương 150% GDP) do gói tài chính kích thích kinh tế trước đây để lại; đối phó suy thoái kinh tế, nhưng Chính phủ Nhật Bản vừa phải bơm gần 24 tỷ USD vào thị trường tài chính. Riêng vụ Ngân  hàng Lehman Brothers của Mỹ phá sản, ngành ngân hàng, bảo hiểm của Nhật có thể đã thua lỗ hơn 2,3 tỷ USD.

Với Trung Quốc, nền kinh tế thứ 3 thế giới, hiện là bạn hàng quan trọng của Mỹ, cuộc khủng hoảng tín dụng ở Hoa Kỳ làm giảm đáng kể xuất khẩu và gây tổn hại hàng chục triệu USD cho các ngân hàng nước này. Việc đồng USD mất giá cũng sẽ làm giảm dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, do nước này mua nhiều trái phiếu Mỹ.

Mỹ thúc giục các nước cứu trợ tài chính

Trước tình trạng cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson vừa cho biết, nước này sẽ "thúc ép" các nước lập kế hoạch để cứu trợ các định chế tài chính của họ khi cần thiết; tương tự kế hoạch cứu trợ trị giá 700 tỷ USD mà Nhà Trắng dành cho giới tài chính Phố Wall.

Trong 2 tuần qua giới chức tài chính Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở châu Âu và Nhật Bản để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu vốn có liên hệ mật thiết với nhau.

Ngày 24/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tung thêm 30 tỉ USD vào các thị trường tín dụng nước ngoài, thực hiện cái gọi là "thỏa thuận trao đổi" với thêm 4 ngân hàng trung ương, nhằm làm dịu bớt căng thẳng về nhu cầu đồng USD. Như vậy, tổng giá trị các thỏa thuận trao đổi giữa ngân hàng các nước với FED, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thêm nghiêm trọng cuối tuần trước, đã lên tới 277 tỉ USD.

Tuy nhiên, ngay tại nước Mỹ, kế hoạch cứu trợ tài chính lớn 700 tỷ USD vẫn chưa ngã ngũ. Bất chấp sự hối thúc của Tổng thống Bush, Bộ Tài chính và FED, các nghị sĩ Mỹ thuộc cả 2 đảng Dân chủ, Cộng hoà vẫn đang tranh cãi xung quanh kế hoạch này. Họ đòi bản kế hoạch phải có điều chỉnh trước khi Quốc hội thông qua.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Jim Bunning cho rằng kế hoạch của Nhà Trắng mới chỉ là một cuộc mua bán ồ ạt, chứ chưa phải là một giải pháp hoàn chỉnh, vì trong đó chưa bao gồm các biện pháp bảo vệ người đóng thuế và hỗ trợ chủ nhân các ngôi nhà đang có nguy cơ bị tịch thu gán nợ.

Đa số dân Mỹ cũng hoài nghi về kế hoạch 700 tỷ USD mà họ cho là "lấy từ tiền đóng thuế của dân" để cứu các tập đoàn tài chính. Kết quả thăm dò dư luận do hãng Zogby tiến hành công bố ngày 23/9 cho thấy, tỉ lệ người Mỹ ủng hộ đề xuất cứu trợ tài chính ngang bằng số phản đối là 46%. Tối 25/9, Tổng thống Bush đã lên truyền hình, kêu gọi dân chúng ủng hộ kế hoạch nêu trên.

Trong khi đó, giới đầu tư đang chờ xem kế hoạch kể trên khả thi và hiệu quả tới mức nào để đưa ra quyết  định đầu tư tiếp theo. Việc các nhà đầu tư chưa tin tưởng vào thị trường tài chính, đổ xô mua dầu thô và vàng nhằm bảo toàn vốn, đã góp phần đẩy giá vàng, giá dầu thô lên cao trong mấy phiên gần đây.