23:31 25/04/2007

The Nation: Việt Nam, con rồng nhỏ đang lớn

Kiều Oanh

Theo báo The Nation, Việt Nam có thể sẽ sớm đuổi kịp Thái Lan về mọi mặt, nhất là trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài

Trong năm 2006, Việt Nam đã đón nhận lượng vốn FDI lớn nhất từ trước nay:  10,2 tỷ USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong năm 2006, Việt Nam đã đón nhận lượng vốn FDI lớn nhất từ trước nay: 10,2 tỷ USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Trên báo The Nation của Thái Lan số ra ngày 25/4 vừa qua có đăng bài của tác giả Kavi Chongkittavon đánh giá cao sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

Arthur Ting, Chủ tịch Tập đoàn Central Trading and Development của Đài Loan từng phát biểu: “Việt Nam là một quốc gia tốt để đầu tư và người dân ở đây thật tuyệt vời.”

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhận định này được coi là sự tán thưởng lớn đối với quá trình hiện đại hoá của nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 1989 đến nay, Central Trading and Development đã đầu tư trên 700 triệu USD vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Hiện tập đoàn này là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đây.

Vikrom Kromadit, Giám đốc điều hành Tập đoàn Amata, nhanh chóng ủng hộ nhận định tin tưởng của ông Ting về Việt Nam và bày tỏ mong muốn rằng, Thái Lan sẽ ban hành những chính sách tương tự như của Việt Nam. Ông nói: “Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì người dân và Chính phủ nước này quyết tâm làm như vậy. Họ hoan nghênh các công ty 100% vốn nước ngoài.” Hiện nay, Amata là nhà đầu tư Thái Lan lớn nhất tại Việt Nam.

Cũng theo Kromadit, Việt Nam có thể chẳng mấy chốc sẽ đuổi kịp Thái Lan về mọi mặt. Ông nói: “Việt Nam đã tạo những điều kiện và khuyến khích cho các nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn Thái Lan.” Một ví dụ sinh động mà ông đưa ra là sự tăng trưởng nhanh chóng của vốn FDI của Đài Loan vào Việt Nam, lượng vốn này đã vượt mức 10 tỷ USD chỉ trong vòng 10 năm. Để thu hút lượng vốn tương tự từ các nhà đầu tư Đài Loan, Thái Lan đã phải mất hơn 4 thập kỷ.

Một chuyên gia ngân hàng cấp cao của Thai Lan nói sự mở ca của thị trường tài chính Việt Nam đã tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài từ khi chính sách đổi mới được bắt đầu thực hiện 20 năm trước đây. Việt Nam hiện có 38 ngân hàng tư nhân và 33 ngân hàng nước ngoài, những con số ấn tượng nếu so sánh với Thái Lan. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia và giới báo chí đều liên tục nói những điều tương tự về Việt Nam.

Đầu tuần này, hơn 500 đại diện, bao gồm 70 nhà đầu tư đến từ Thái Lan đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại đây. Các nhà đầu tư và xuất khẩu nước ngoài phát biểu tại diễn đàn này đều lạc quan về tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam. Năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao thứ 2 ở châu Á, đạt 8,2%. Đồng thời, Việt Nam cũng thu hút 10,2 tỷ USD vốn FDI trong năm 2006. Dự báo, nhiều vốn FDI hơn nữa sẽ còn tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm nay và những năm sắp tới để tận dụng những lợi thế của việc Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1 năm nay.

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để làm tất cả những gì có thể để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư Việt kiều. Để khuyến khích Việt kiều về nước, Việt Nam có kế hoạch thực hiện chương trình nhập cảnh không cần visa cho những người có ý định ở lại Việt Nam trong thời gian dài hơn 6 tháng trong mỗi lần về thăm.

Việt Nam muốn thu hút sự hiểu biết, kinh nghiệm và nguồn tài chính của 5 triệu Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù số lượng Việt kiều về nước đã tăng lên, Chính phủ Việt Nam vẫn hy vọng con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai. Nếu Việt kiều muốn ở lại trong nước lâu hơn và tham gia vào việc xây dựng đất nước, Việt Nam sẽ có lợi từ sự đầu tư và kỹ thuật quản lý của họ.

Để tăng khả năng cạnh tranh và đối mặt với những thử thách trong tương lai, các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rất rõ rằng phải có những thay đổi lớn trong chính sách giáo dục của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và dạy tiếng Anh. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam sẽ có khoảng 20.000 nghiên cứu sinh tiến sỹ vào năm tới, một nửa trong số đó sẽ ra nước ngoài để tiếp tục học nâng cao.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, trong vòng 3 năm tới, sẽ có ít nhất 1 triệu giáo viên Việt Nam được đào tạo phương pháp giảng dạy mới. Với hơn 53% (một vài thống kê cho là 65%) dân số 85 triệu người của Việt Nam ở độ tuổi dưới 35, đây là một chính sách nhạy bén. Bộ trưởng nói: “Thế hệ trẻ sẽ nói tiếng Anh và sẽ rất giỏi về công nghệ thông tin.”

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nào? Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hoá vào năm 2020 với một xã hội bình đẳng hơn. Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đã thành công trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói từ mức 58% trong năm 1993 xuống còn gần 28% trong năm 1996 và khoảng 18% trong năm ngoái.