10:49 12/06/2008

Thế tín dụng thời… phải thế!

Minh Đức

Đã nửa năm nay, một tài năng tín dụng vừa được lôi kéo về ngân hàng vẫn chưa có đất để dụng võ

Tình thế nguồn thu từ tín dụng của nhiều ngân hàng đang có kết quả thấp, hòa, thậm chí phải “lỗ tình thế” - Ảnh: Việt Tuấn.
Tình thế nguồn thu từ tín dụng của nhiều ngân hàng đang có kết quả thấp, hòa, thậm chí phải “lỗ tình thế” - Ảnh: Việt Tuấn.
Đã nửa năm nay, một tài năng tín dụng vừa được lôi kéo về ngân hàng vẫn chưa có đất để dụng võ…

Một mức lương hấp dẫn, chế độ đãi ngộ xứng đáng, một vị trí cần có và tất nhiên là cả những thử thách mới lôi kéo anh về đây.

Dù chưa có nhiều thâm niên, hoạt động ở một ngân hàng mới nổi, nhưng anh được nhiều đồng nghiệp và giới lãnh đạo ngành biết đến bởi một số sản phẩm cho vay tín chấp tiên phong cách đây hai năm, cũng như các hợp đồng tài trợ lớn và hiệu quả…

Đó là một tài năng, theo nhận định của chính lãnh đạo ngân hàng cũ. Nhưng nay, một cảm giác hụt hẫng và chồn chân khi ở vị trí mới: trưởng phòng tín dụng.

Không bị thất sủng, nhưng thời thế thay đổi. Tự nhiên đâm nhàn rỗi. Theo cái nhún vai của anh là vì “tín dụng không còn là “đất vàng” như cách đây chưa đầy một năm nữa”.

Năm 2007, tăng trưởng tín dụng hệ thống lên đến 53,9%, một tỷ lệ để nhân viên tín dụng, chuyên viên thiết kế sản phẩm cho vay, tài trợ… thỏa sức dụng võ. Còn nay, hạn mức 30% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là một trở ngại; tính thanh khoản, vốn khả dụng căng là một hạn chế.

Thành ra, trong gần nửa năm chuyển về ngân hàng mới, tác giả của những sản phẩm cho vay gây bất ngờ cách đây hai năm vẫn chưa có cơ hội để thực sự thể hiện mình, và cống hiến. Thỉnh thoảng, anh lại hỏi chuyện phóng viên, chờ xem có gì chuyển biến.

Chuyển biến mới nhất là tín dụng thắt chặt hơn, mấy tháng nay không có sản phẩm cho vay nào mới. Ngân hàng đang dồn lực để thiết kế những sản phẩm huy động vượt trội, những chương trình khuyến mại hấp dẫn nhất. Nhân viên tín dụng tiếp tục nhàn rỗi…

Thế tín dụng thời… phải thế! Lãi suất huy động liên tục tăng để đảm bảo yêu cầu thanh khoản. Cho vay ra đã có rào định mức, có “ba rem” lãi suất, chuyện còn lại là thẩm định và quản lý các khoản vay, thúc nợ.

Phần lớn nhà băng có 80% nguồn thu từ tín dụng. Nay, thời thế đẩy nguồn thu này vào ngõ hẹp, nhưng chưa thể cải thiện. Lãi suất cho vay ra không còn độ giãn quá 21%/năm; nguồn phí liên quan bị cắt bỏ.

Tình thế nguồn thu từ tín dụng của nhiều ngân hàng đang có kết quả thấp, hòa, thậm chí phải “lỗ tình thế”.

Một khoản vốn VND huy động về hiện mất lãi suất tập trung từ 16% - 17%/năm, 11% của khoản đó phải “chết cứng” theo dự trữ bắt buộc mà vẫn phải trả lãi huy động, các phần liên quan đẩy tổng chi phí của khoản vốn này lên khoảng 19%/năm, nhưng cho vay ra chỉ tối đa 21%/năm.

Thử làm một phép tính tương đối: Năm nay, tổng vốn huy động VND bình quân mỗi ngân hàng cổ phần bậc trung dự kiến đạt khoảng 36.000 tỷ đồng. Tính ra bình quân mỗi tháng huy động được 3.000 tỷ đồng. Trừ đi 11% dự trữ bắt buộc, còn 2.670 tỷ đồng có thể cho vay.

Với 2.670 tỷ đồng cho vay/tháng, thu chênh lệch theo khung chi phí và lãi suất cho vay tối đa nói trên là khoảng 0,17%/tháng; tức ngân hàng chỉ lãi hơn 4,5 tỷ đồng.

Con số đó chỉ bằng khoảng một nửa mức lãi có thể thu được cách đây một tháng. Một sự sụt giảm mạnh, trông thấy. Nhưng thế thời phải thế. Nhiều ngân hàng đang phải dồn sức cho cạnh tranh lãi suất huy động và cho yêu cầu cao hơn là ổn định thanh khoản.

Đó là mức lãi với giả thiết ngân hàng cho vay hết toàn bộ nguồn vốn huy động được sau khi cắt dự trữ bắt buộc. Còn thực tế, tổng dư nợ thường có mức thấp hơn đáng kể so với tổng huy động và còn theo khống chế tăng trưởng 30%.

Tất nhiên, ngoài tín dụng, các ngân hàng còn có những nguồn thu khác từ dịch vụ thanh toán, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư, tư vấn, dịch vụ khách hàng cá nhân, lợi nhuận từ các công ty con… Và một số ngân hàng hiện vẫn duy trì lãi suất huy động dưới 16%/năm nên vẫn có khả năng thu lãi cao.

Nhưng từ ngày 11/6, lãi suất huy động VND đã có đỉnh 19,2%/năm, nhiều ngân hàng đang tiếp cận mốc 18%/năm. Khoảng cách có thể sinh lãi từ chênh lệch lãi suất cho vay đầu ra càng bị rút ngắn. Hy vọng đó chỉ là khó khăn trong ngắn hạn.