15:08 04/04/2011

Thêm một thất bại của mô hình kinh tế châu Âu?

Hồng Ngọc

Uy tín của Eurozone đã xuất hiện những vết nứt mới, sau khi mắt xích thứ ba trong khối này bị đe dọa mất khả năng thanh toán

Mô hình kinh tế châu Âu có thực sự là Khối thịnh vượng chung?
Mô hình kinh tế châu Âu có thực sự là Khối thịnh vượng chung?
Tháng trước, Thủ tướng Bồ Đào Nga Jose Socrates xin từ chức sau khi kế hoạch thắt lưng buộc bụng của ông bị các đảng đối lập bác bỏ. Từ khủng hoảng tài chính, Bồ Đào Nha rơi vào khủng hoảng chính trị.

Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva đã giải tán quốc hội nước này và ấn định tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 5/6 tới. Ông Silva cho rằng, việc tổ chức tổng tuyển cử sớm là cần thiết trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với những khó khăn cả về kinh tế và chính trị. Nhiều chuyên gia dự đoán, Lisbon đang tiến gần hơn tới gói cứu trợ tương tự như Dublin và Athens.

Tuy nhiên, tới giờ phút này, Bồ Đào Nha vẫn chưa ngửa tay xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) cứu trợ. Tại sao như vậy?

Thời gian qua, theo RFI, tình hình chiến sự nóng bỏng tại Lybia và nguy cơ phóng xạ ở Nhật Bản đã khiến dư luận và báo chí quốc tế ít chú ý tới cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, trên thực tế, uy tín của Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã xuất hiện những vết nứt mới, sau khi mắt xích thứ ba trong số các quốc gia thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu bị đe dọa mất khả năng thanh toán.

Lisbon đủ sức tự trang trải?

Hôm 23/3, Quốc hội Bồ Đào Nha đã bác bỏ kế hoạch cắt giảm chi tiêu. Đây là liều thuốc đắng thứ tư mà chính quyền Lisbon đưa ra trong chưa đầy một năm với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách đang từ 7,3% năm ngoái xuống còn 4,6% GDP trong năm nay và tới năm 2012 sẽ xuống dưới mức trần 3% theo quy định của EU tại hiệp ước Maastricht.

Vào lúc kinh tế đang gặp khó khăn, Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha dự báo GDP sút giảm 1,4% trong năm nay, thất nghiệp tăng cao, thì chính phủ phải buộc lòng đưa ra những biện pháp ít được lòng dân này, vì muốn bằng mọi giá không lâm vào cảnh như Hy Lạp và Ireland trước đây, tức là đã phải ngửa tay mượn tiền của EU và IMF.

Năm ngoái Athens đã vay của hai định chế này 110 tỷ Euro và Dublin là 85 tỷ.

Do muốn tránh phải mượn tiền của EU và IMF, Lisbon dự trù cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội, tăng thuế, giới hạn chi tiêu của các doanh nghiệp nhà nước, hủy bỏ hoặc đình chỉ các kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, các dự án đầu tư của nhà nước. Chính quyền của cựu Thủ tướng Jose Socrate từng hy vọng, các biện pháp thắt lưng buộc bụng liên tiếp như vậy sẽ giúp Bồ Đào Nha khỏi phải cầu viện quốc tế giúp đỡ. Nhưng kế hoạch hà khắc này đã bị Quốc hội bác bỏ.

Hai tổ chức định mức tín nhiêm Fitch và S&P’s đã hạ điểm tín nhiệm đối với mức nợ công của Bồ Đào Nha ít nhất là hai bậc, sau khi Thủ tướng Jose Socrates từ chức. Hôm 3/4, Fitch tiếp tục hạ xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha xuống BBB-, với lý do quốc gia đang chịu gánh nặng nợ nần này cần một gói cứu trợ từ quốc tế, bất chấp sự thành công trong đợt bán trái phiếu cùng ngày.

Giám đốc của Fitch, ông Douglas Renwick cho biết, việc hạ tới 3 bậc xếp hạng phản ánh lo ngại của Fitch về khả năng phải nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài trong tương lai gần của Bồ Đào Nha. Theo ông Renwick, sự hỗ trợ từ bên ngoài là cần thiết để củng cố tín nhiệm với những nỗ lực cải cách kinh tế và tài chính của Bồ Đào Nha cũng như vị trí tài chính an toàn.

Trước đó, tại hội nghị Brussels trong hai ngày 24 - 25/3, cộng đồng quốc tế đã đồng ý kế hoạch trợ giúp tài chính một thành viên trong khối Euro lâm nạn là Bồ Đào Nha. Quỹ ổn định của châu Âu dự trù cho Lisbon vay tới 75 tỷ Euro để thanh toán các khoản nợ đáo hạn.

Cụ thể là, Bồ Đào Nha được vay khoản tiền nói trên, với lãi suất dao động vào khoảng từ 4 đến 5% thay vì ở mức từ 7 đến 8% như đang phải trả từ giữa tháng 11/2010 tới nay. Chuyên gia Céline Antonin thuộc Cơ quan giám sát tình hình kinh tế OFCE phân tích, vì sao Bồ Đào Nha sớm muộn gì cũng phải chấp nhận kế hoạch trợ giúp do Brussels và Quỹ IMF. 

Bồ Đào Nha đang đứng trước một thực tế không thế chối cãi. Đó là chính quyền Lisbon cần ít nhất 20 tỷ Euro trong năm 2011 để thanh toán các khoản nợ. Cấp bách nhất là khoản nợ 4,5 tỷ phải trả trước ngày 15/4 và gần 5 tỷ khác phải thanh toán trước ngày 15/6. Trong bối cảnh những tin xấu lại dồn dập ập tới và Bồ Đào Nha phải đi vay với lãi suất 8 % (vay trong vòng 10 năm)

Sở dĩ Lisbon cố tránh né cầu cứu Brussels và quỹ IMF, trước hết là để giữ thể diện quốc gia: Chấp nhận kế hoạch trợ giúp tài chính của quốc tế không khác nào thừa nhận là chính phủ của ông Socrates đã thất bại trong việc chấn chỉnh kinh tế, lấy lại cân bằng trong ngân sách nhà nước. Như vậy, Bồ Đào Nha càng mất uy tín trong mắt các nhà đầu tư. Giới này càng xem Bồ Đào Nha là nơi không bảo đảm để ủy thác tín dụng.

Tiếp theo là, cho dù được EU và IMF giúp đỡ để vay tín dụng với giá rẻ hơn, nhưng cộng đồng quốc tế đòi hỏi Lisbon phải tuân thủ một số điều kiện do Brussels và IMF đặt ra, cụ thể là cắt giảm chi tiêu. Đối với dư luận trong nước, chính quyền của ông Socrates không thể dễ dàng để cộng đồng quốc tế áp đặt chính sách kinh tế. Cho dù trên thực tế thì mọi người đều nhìn nhận rằng, đây là ngõ thoát hiểm gần như là duy nhất.

“Chiếc đũa thần” không thể thay đổi mọi thứ

Kế hoạch của Brussels và IMF phải chăng là chiếc đũa thần giúp Bồ Đào Nha giải quyết được tất cả? Theo giới quan sát thì câu trả lời là không. Vì theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với mức lãi từ 4 đến 5% mà Lisbon phải trả cho Quỹ hỗ trợ tài chính châu Âu và IMF, Bồ Đào Nha ít nhất phải bảo đảm được một tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5%/năm mới hy vọng thu hẹp thâm hụt ngân sách nhà nước, trở lại với mức thâm hụt tương đương 3% GDP.

Trong điều kiện hiện nay, tỷ lệ tăng trưởng dự trù ở số âm thì mục tiêu đề ra là không thể đạt được. Ngoài ra các chuyên gia còn lưu ý, cắt giảm chi tiêu chưa đủ để cho phép Bồ Đào Nha giảm bớt nợ. Chính quyền Lisbon trong tương lai còn phải "tái cấu trúc" các khoản nợ, để giảm nhẹ những chi phí ngân hàng, giảm bớt khoản tiền rót vào túi giới tài chính.

Cũng có người cho rằng, kế hoạch trợ giúp Bồ Đào Nha trên thực tế là một giải pháp hòng cứu vãn đồng Euro và để bảo vệ quyền lợi của các nhà tài chính, ngân hàng, của giới đầu cơ, vì một nước càng bị coi là có mức rủi ro cao thì các nhà đầu co càng dễ làm giàu. Các thành viên Eurozone lần lượt bị đe dọa mất khả năng thanh toán, đó là bằng chứng cho thấy chính sách một đồng tiền chung duy nhất không thích hợp để giải quyết khủng hoảng, không đáp ứng nhu cầu điều chỉnh chính sách kinh tế của từng quốc gia để vượt khỏi khủng hoảng.

Những nền kinh tế lâm nạn càng nhận thấy là, họ bị trói tay, không thể điều chỉnh lãi suất, khối lượng tiền tệ lưu hành và cũng không thể điều chỉnh ngân sách để tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân. Đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực do các đòi hỏi cắt giảm chi tiêu đem lại.

Từ năm ngoái, giới phân tích đã lo ngại Bồ Đào Nha sớm muộn gì cũng phải cần đến sự trợ giúp về tài chính của cộng đồng quốc tế và kịch bản đã xảy tới với Ireland hay Hy Lạp lại tái diễn. Tương tự như Hy Lạp, mức nợ của các hộ gia đình tại Bồ Đào Nha bị coi là cao vào bậc nhất trong Eurozone ngay cả trước khủng hoảng toàn cầu 2008. Hai nước vùng Địa Trung Hải này đều bị coi là có tiềm năng tiêu thụ thấp nhất.

Bên cạnh đó, Bồ Đào Nha còn vấp phải một khó khăn khác là, trong suốt thời gian từ năm 2000 đến 2008, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của quốc gia này luôn ở vào khoảng 1,3%, trong lúc GDP của Hy Lạp tăng 4% một năm và của Ireland là 5%.

Thêm vào đó, trong lúc Ireland đã thu hút được nhiều công nghệ cao nhờ các biện pháp ưu đãi thuế khóa, thì cơ cấu kinh tế của Bồ Đào Nha bị coi là lạc hậu, do nước này vẫn chỉ đầu tư vào các ngành nghề truyền thống như ngành công nghiệp dệt may, một lĩnh vực chịu nhiều sức ép từ các nhà sản xuất châu Á. Kim ngạch xuất khẩu của Bồ Đào Nha liên tục sút giảm.

Bất lợi thứ ba đối với Bồ Đào Nha là tình trạng thiếu hụt ngân sách và cán cân thanh toán bị thâm hụt triền miên, bởi Bồ Đào Nha bị coi là một trong những nền kinh tế kém cỏi nhất và có khả năng cạnh tranh yếu kém nhất trong Eurozone. Báo cáo gần đây của ngân hàng Nhật Bản Nomura cho thấy, trong thời gian từ năm 1999 đến 2007, chỉ số về khả năng cạnh tranh của Bồ Đào Nha thấp hơn so với của Đức tới 24%.

Về bội chi ngân sách, mặc dù thâm hụt ngân sách nhà nước tại Hy Lạp lên tới 130% GDP, trong lúc Bồ Đào Nha vẫn còn ở trong một giới hạn có thể chấp nhận được là 80% GDP, nhưng những yếu tố trên cho thấy, Bồ Đào Nha luôn phải đi vay mượn, chủ yếu từ Eurozone, để thanh toán các khoản chi tiêu. Do vậy, đòi hỏi Bồ Đào Nha thu gọn mức bội chi từ 10% GDP xuống còn vào khoảng 4% là điều bất khả thi.

Thậm chí một biện pháp triệt để như vậy sẽ phản tác dụng, do hàng loạt các biệt pháp cắt giảm chi tiêu nhắm thẳng vào túi tiền của người dân, kéo mức chi tiêu của các hộ gia đình đi xuống, tạo thêm căng thẳng trong xã hội và qua đó khủng hoảng kinh tế thêm trầm trọng.

Những nghi vấn về mô hình kinh tế châu Âu

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, cho dù chính sách chi tiêu của Lisbon bị chỉ trích là lỏng lẻo và Bồ Đào Nha cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đã bị tác động dây chuyền từ khủng hoảng tín dụng địa ốc Mỹ lây lan, thì cốt lõi của vấn đề vẫn là do giới tài chính thiếu tin tưởng vào Bồ Đào Nha. Điều này có thể giải thích, vì sao nước Đức đi vay với lãi suất ngắn hạn là 1,1% trong lúc Bồ Đào Nha lại phải vay với lãi suất là 4,3%.

Bên cạnh đó, một phần tai họa của Bồ Đào Nha ngày nay xuất phát từ những sơ hở trong chính sách tài chính của bản thân Eurozone, theo giáo sư Pierre Alary, thuộc trường đại học Lille. Ông cho rằng, những lo ngại cho rằng Trung Quốc kiểm soát tài chính Bồ Đào Nha là không có cơ sở, vì khi một quốc gia, một nhà nước mang nợ là đã lệ thuộc vào các chủ nợ.

Tháng 12/2010, Trung Quốc cho biết sẵn sàng mua lại tới 5 tỷ Euro khoản nợ của Bồ Đào Nha để giảm bớt áp lực của thị trường lên chính quyền Lisbon. Tin này khi đó đã phần nào trấn an dư luận, giúp đồng Euro tăng giá.

Thực ra, khủng hoảng Bồ Đào Nha cho thấy mô hình tiền tệ và tài chính đồng nhất không bảo đảm được cho khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu một sự tăng trưởng cân bằng. Trong một chừng mực nào đó, nó cũng thể hiện sự thất bại về phương diện chính trị của Eurozone hiểu theo nghĩa, mô hình này không tạo nên được một khối thịnh vượng chung thuần nhất.