09:00 06/05/2008

Thí điểm đưa lao động sang Phần Lan

Dũng Hiếu

Xuất khẩu lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường cao cấp khi 24 lao động có nghề sẽ sang Phần Lan làm việc trong tháng 9 này

Chất lượng lao động luôn là vấn đề lớn nhất của lao động Việt Nam xuất khẩu.
Chất lượng lao động luôn là vấn đề lớn nhất của lao động Việt Nam xuất khẩu.
Xuất khẩu lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường cao cấp khi 24 lao động có nghề sẽ sang Phần Lan làm việc trong tháng 9 này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia xuất khẩu lao động, cần phải tăng chất lượng và tay nghề của người lao động trước khi có kế hoạch triển khai xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi kỹ thuật cao.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 24 lao động sẽ thí điểm sang vùng Nam Osstrobothnia, phía Tây Phần Lan. Dự án này sẽ được giao cho thành phố Hà Nội thực hiện. Cụ thể, trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội sẽ là nơi trực tiếp tạo nguồn và đào tạo nghề.

Theo Bộ trưởng Bộ Việc làm và Kinh tế Phần Lan Tarjia Cronberg, Phần Lan là một nước có dân số già, bởi vậy, hàng năm cần từ 10.000 đến 20.000 lao động để dự phòng thiếu hụt lao động trong tương lai. Các lĩnh vực mà Phần Lan cần tuyển dụng là dịch vụ du lịch, nhà hàng, chăm sóc sức khoẻ, cắt gọt kim loại, ép gỗ....

Để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài sang làm việc, Chính phủ Phần Lan đã có nhiều chính sách như: xây dựng hệ thống cấp phép đơn giản, nhanh gọn; đa dạng hoá môi trường làm việc; đảm bảo an toàn cho người lao động nước ngoài, giúp họ thích nghi nhanh với đất nước, con người Phần Lan. Đây là những điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ đã đề xuất với Bộ Việc làm và Kinh tế Phần Lan, ngoài việc hợp tác tuyển dụng lao động thông qua đại sứ quán, hai bên có thể hợp tác ký kết hợp đồng lao động theo thời vụ, theo hợp đồng ngắn hạn.

Trong thời gian tới, đoàn cán bộ về quản lý lao động của Việt Nam sẽ sang Phần Lan để tìm hiểu thị trường, điều kiện sinh hoạt của người lao động; đồng thời hai bên sẽ thảo luận về các biện pháp cải thiện quy trình tuyển dụng lao động Việt Nam của giới sử dụng lao động Phần Lan.

Việc đưa thí điểm lao động sang Phần Lan là tín hiệu vui cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động xuất khẩu hiện đang là vấn đề, bởi cho đến thời điểm này có đến 80-90% lao động đưa đi xuất khẩu là lao động phổ thông. Ngay đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng phải thừa nhận, chất lượng nguồn lao động xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường là trở ngại lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao.

Tình hình năm 2007 vừa qua cho thấy nhu cầu thị trường lao động nước ngoài đã có bước chuyển rõ rệt sang nhận lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, Síp, Cộng hòa Czech năm qua lao động Việt Nam rất khó tiếp cận. Những thị trường này đòi hỏi lao động Việt Nam phải có trình độ tay nghề nhất định. Để trúng tuyển các kỳ phỏng vấn sang Canada, Australia, Mỹ, người lao động phải nói được tiếng Anh lưu loát...

Điều này rất khó đối với số lao động phổ thông của Việt Nam. Hiện thị trường Mỹ chỉ có khoảng 10 lao động Vịêt Nam đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lao động này sang Mỹ do họ ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ chứ không phải thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam.

Còn thị trường Australia hiện cũng đang có 5-6 doanh nghiệp đang thí điểm khai thác, nhưng để đặt mục tiêu có thể đưa bao nhiêu lao động sang thị trường này trong năm tới thì không một doanh nghiệp nào dám khẳng định. Còn Cananda cũng là trong một những thị trường được nhắc đến nhiều, song cho đến nay số lao động Việt Nam sang được nước này cũng rất khiêm tốn.

Nhận định việc đưa lao động đến thị trường Phần Lan, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động cho biết, đây cũng là một trong những thị trường thu nhập cao, phía đối tác đòi hỏi lao động có nghề, biết ngoại ngữ, tuân thủ kỷ luật, và một điều không thể không nói đến đó là thủ tục xin visa, giấy phép lao động vào các nước này khá phức tạp và rất chặt chẽ...

Trong khi đó, lao động xuất khẩu Việt Nam vốn xuất thân từ nông thôn, đa số không nghề, không ngoại ngữ, không tác phong công nghiệp nên rất bất lợi khi muốn ra nước ngoài làm việc.

Còn các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay chủ yếu mới đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng. Các doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề thì đào tạo nghề ngắn hạn là chính. Một số ít doanh nghiệp có trường dạy nghề nhưng cũng không thể đào tạo được nhiều nghề để đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian tới, các doanh nghiệp lớn của Phần Lan sẽ trực tiếp sang Việt Nam tìm hiểu và tuyển dụng lao động.

Chính vì thế ngay từ bây giờ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải tự khẳng định mình bằng thương hiệu. Các doanh nghiệp phải đầu tư bài bản và mạnh mẽ vào dạy nghề. Làm tốt được điều này, chắc chắn chúng ta sẽ đưa xuất khẩu lao động lên một thang bậc mới - xuất khẩu lao động kỹ thuật sang các thị trường có nhu cầu tuyển dụng.