Thị phần ngân hàng 2010: Cổ phần “chọi” quốc doanh
Bức tranh thị phần ngân hàng tại Việt Nam năm 2010 dự tính sẽ có nhiều thay đổi
Bức tranh thị phần ngân hàng tại Việt Nam năm 2010 dự tính sẽ có nhiều thay đổi. Thị trường đang chứng kiến nỗ lực lấn sân của khối ngân hàng thương mại cổ phần, tuy nhiên cái bóng của khối quốc doanh vẫn còn rất lớn và có những đặc thù khó bị chia sẻ.
Việt Nam hiện có 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 50 ngân hàng nước ngoài, 2 ngân hàng chính sách, 22 công ty tài chính, 5 ngân hàng liên doanh. Cơ cấu thị phần của các nhóm này đang chia hai nửa rõ rệt: quốc doanh và cổ phần.
Sẽ nhiều đổi thay
Khoảng ba năm trở lại đây, khối các ngân hàng quốc doanh có lý do để lo ngại khi thị phần bắt đầu bị chia sẻ. Chỉ riêng sự gia tăng về số lượng thành viên và bùng nổ về mạng lưới của khối cổ phần cũng đã tạo áp lực lớn.
Số liệu thống kê của Vụ Dự báo - thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, tỷ trọng của các khối ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, ngân hàng liên doanh, quỹ tín dụng nhân dân hiện vẫn rất nhỏ trong tổng cơ cấu huy động và tín dụng của toàn hệ thống (chỉ quanh 15% thị phần tín dụng và trên dưới 10% tổng huy động).
Còn lại, áp đảo vẫn là khối ngân hàng quốc doanh và sự gia tăng đáng chú ý từ khối thương mại cổ phần.
Cuối năm 2007 đến đầu năm 2010, thị phần huy động vốn và tín dụng giữa hai khối trên đã có sự dịch chuyển đáng chú ý. Tại thời điểm tháng 12/2007, khối quốc doanh (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MHB và Ngân hàng Chính sách xã hội) chiếm tỷ trọng tới 59,3% thị phần tín dụng của toàn hệ thống, khối cổ phần chỉ có 27,7%; tương ứng là 59,5% với 30,4% trong cơ cấu thị phần huy động.
Đến tháng 3/2010, các tương quan trên đã thay đổi: 54,6% với 31,2% trong tín dụng; đặc biệt trong huy động đã là 48,3% với 42,6%.
Khối quốc doanh có bề dày lịch sử, có quy mô lớn, có mạng lưới phủ khắp các địa bàn. Nhưng trong khoảng thời gian trên, cùng với sự lớn mạnh về quy mô mỗi ngân hàng, khối cổ phần đã có thêm 13 thành viên chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị và 3 thành viên mới được thành lập. Xu hướng của sự dịch chuyển trên dự báo sẽ tiếp tục thể hiện trong kết quả chung của năm 2010, khi độ trễ thâm nhập thị trường của các thành viên mới chuyển đổi, mới thành lập đang được rút ngắn, bên cạnh sự gia tăng ảnh hưởng của những thành viên đi trước.
Bên cạnh đó, năm 2010 dự tính cũng sẽ có một sự dịch chuyển mới được định hình, thuộc về các ngân hàng ngoại. Đây là năm những ngân hàng 100% vốn nước ngoài chính thức hoạt động một cách đầy đủ hơn và cạnh tranh toàn diện hơn…
Bóng quốc doanh vẫn lớn
Tuy nhiên, trong cơ cấu thị phần ở hai hoạt động chính là huy động và cho vay, khối ngân hàng quốc doanh vẫn đang chiếm áp đảo. Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đóng trụ sở chính tại Tp.HCM, việc lấn thị phần của khối này là không dễ và sẽ phải có một thời gian dài.
“Nhiều anh em vẫn hỏi tôi tại sao chưa tiến mạnh ra ngoài Bắc? Đó là yêu cầu ai cũng thấy. Yếu tố quyết định ở đây là nền tảng khách hàng. Cái bóng của các ngân hàng quốc doanh vẫn còn rất lớn, ở tất cả các địa bàn chứ không riêng phía Bắc. Nền tảng của họ được củng cố từ khối khách hàng là các doanh nghiệp nhà nước, không dễ gì bị chia sẻ”, vị tổng giám đốc này nói.
Không dễ, được ông giải thích qua ví dụ: một ngân hàng quốc doanh cho vay một tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng trăm tỷ đồng theo tín chấp có thể là bình thường, nhưng với ngân hàng cổ phần liệu có dám chấp nhận rủi ro? “Phía sau các ngân hàng quốc doanh là chủ sở hữu Nhà nước, còn chúng tôi phải đối diện với áp lực là các cổ đông”, ông đưa ra câu trả lời gián tiếp trong sự cạnh tranh này.
Ngoài quy mô lớn, mạng lưới trải rộng, khối quốc doanh có bề dày lịch sử hoạt động và truyền thống quan hệ khách hàng. Lách vào những mối quan hệ đó không đơn giản. Đó cũng là trở ngại lớn nhất mà tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần vừa chuyển đổi lên đô thị chia sẻ. Sau khi hoàn thành tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, bước tiếp theo của thành viên này là đẩy mạnh sự thâm nhập các địa bàn lớn. Nhưng sẽ là những bước đi thận trọng mà họ cần sự tư vấn, hỗ trợ từ chính cổ đông chiến lược là một ngân hàng quốc doanh lớn.
Trong khi đó, theo ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), để giữ và gia tăng thị phần, mỗi thành viên phải có một chiến lược gắn với mỗi địa bàn cụ thể. Đơn cử ở trường hợp MB, thế mạnh đã khẳng định ở các tỉnh phía Bắc, nhưng kết quả tại thị trường phía Nam lại chưa như mong muốn. Tương tự, một chi nhánh năng động của một ngân hàng có địa bàn trọng điểm ở phía Nam có thể ăn đứt lợi nhuận của toàn bộ mạng lưới phía Bắc cộng lại…
“Theo tôi, sự dịch chuyển về thị phần trong thời gian tới sẽ gắn với chiến lược cho từng địa bàn và cạnh tranh cho lợi ích khách hàng. Ngay trong năm 2011, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động tại phía Nam, tăng cường đầu tư về mạng lưới, nhân sự và truyền thông. Chúng tôi muốn khẳng định thông điệp là sẵn sàng cạnh tranh toàn diện trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ, cả về hình ảnh và chất lượng, để đổi lấy sự hài lòng của khách hàng, tạo nền tảng cho thị phần”, Tổng giám đốc MB cho biết.
Đó là chiến lược cụ thể có lẽ không chỉ riêng MB xác định. Hoạt động ngân hàng theo đó sẽ ngày một cạnh tranh, và phía sau đó không chỉ là sự dịch chuyển trong bức tranh thị phần, mà còn là lợi ích của khách hàng như ông Công nói.
Việt Nam hiện có 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 50 ngân hàng nước ngoài, 2 ngân hàng chính sách, 22 công ty tài chính, 5 ngân hàng liên doanh. Cơ cấu thị phần của các nhóm này đang chia hai nửa rõ rệt: quốc doanh và cổ phần.
Sẽ nhiều đổi thay
Khoảng ba năm trở lại đây, khối các ngân hàng quốc doanh có lý do để lo ngại khi thị phần bắt đầu bị chia sẻ. Chỉ riêng sự gia tăng về số lượng thành viên và bùng nổ về mạng lưới của khối cổ phần cũng đã tạo áp lực lớn.
Số liệu thống kê của Vụ Dự báo - thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, tỷ trọng của các khối ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, ngân hàng liên doanh, quỹ tín dụng nhân dân hiện vẫn rất nhỏ trong tổng cơ cấu huy động và tín dụng của toàn hệ thống (chỉ quanh 15% thị phần tín dụng và trên dưới 10% tổng huy động).
Còn lại, áp đảo vẫn là khối ngân hàng quốc doanh và sự gia tăng đáng chú ý từ khối thương mại cổ phần.
Cuối năm 2007 đến đầu năm 2010, thị phần huy động vốn và tín dụng giữa hai khối trên đã có sự dịch chuyển đáng chú ý. Tại thời điểm tháng 12/2007, khối quốc doanh (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MHB và Ngân hàng Chính sách xã hội) chiếm tỷ trọng tới 59,3% thị phần tín dụng của toàn hệ thống, khối cổ phần chỉ có 27,7%; tương ứng là 59,5% với 30,4% trong cơ cấu thị phần huy động.
Đến tháng 3/2010, các tương quan trên đã thay đổi: 54,6% với 31,2% trong tín dụng; đặc biệt trong huy động đã là 48,3% với 42,6%.
Khối quốc doanh có bề dày lịch sử, có quy mô lớn, có mạng lưới phủ khắp các địa bàn. Nhưng trong khoảng thời gian trên, cùng với sự lớn mạnh về quy mô mỗi ngân hàng, khối cổ phần đã có thêm 13 thành viên chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị và 3 thành viên mới được thành lập. Xu hướng của sự dịch chuyển trên dự báo sẽ tiếp tục thể hiện trong kết quả chung của năm 2010, khi độ trễ thâm nhập thị trường của các thành viên mới chuyển đổi, mới thành lập đang được rút ngắn, bên cạnh sự gia tăng ảnh hưởng của những thành viên đi trước.
Bên cạnh đó, năm 2010 dự tính cũng sẽ có một sự dịch chuyển mới được định hình, thuộc về các ngân hàng ngoại. Đây là năm những ngân hàng 100% vốn nước ngoài chính thức hoạt động một cách đầy đủ hơn và cạnh tranh toàn diện hơn…
Bóng quốc doanh vẫn lớn
Tuy nhiên, trong cơ cấu thị phần ở hai hoạt động chính là huy động và cho vay, khối ngân hàng quốc doanh vẫn đang chiếm áp đảo. Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đóng trụ sở chính tại Tp.HCM, việc lấn thị phần của khối này là không dễ và sẽ phải có một thời gian dài.
“Nhiều anh em vẫn hỏi tôi tại sao chưa tiến mạnh ra ngoài Bắc? Đó là yêu cầu ai cũng thấy. Yếu tố quyết định ở đây là nền tảng khách hàng. Cái bóng của các ngân hàng quốc doanh vẫn còn rất lớn, ở tất cả các địa bàn chứ không riêng phía Bắc. Nền tảng của họ được củng cố từ khối khách hàng là các doanh nghiệp nhà nước, không dễ gì bị chia sẻ”, vị tổng giám đốc này nói.
Không dễ, được ông giải thích qua ví dụ: một ngân hàng quốc doanh cho vay một tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng trăm tỷ đồng theo tín chấp có thể là bình thường, nhưng với ngân hàng cổ phần liệu có dám chấp nhận rủi ro? “Phía sau các ngân hàng quốc doanh là chủ sở hữu Nhà nước, còn chúng tôi phải đối diện với áp lực là các cổ đông”, ông đưa ra câu trả lời gián tiếp trong sự cạnh tranh này.
Ngoài quy mô lớn, mạng lưới trải rộng, khối quốc doanh có bề dày lịch sử hoạt động và truyền thống quan hệ khách hàng. Lách vào những mối quan hệ đó không đơn giản. Đó cũng là trở ngại lớn nhất mà tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần vừa chuyển đổi lên đô thị chia sẻ. Sau khi hoàn thành tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, bước tiếp theo của thành viên này là đẩy mạnh sự thâm nhập các địa bàn lớn. Nhưng sẽ là những bước đi thận trọng mà họ cần sự tư vấn, hỗ trợ từ chính cổ đông chiến lược là một ngân hàng quốc doanh lớn.
Trong khi đó, theo ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), để giữ và gia tăng thị phần, mỗi thành viên phải có một chiến lược gắn với mỗi địa bàn cụ thể. Đơn cử ở trường hợp MB, thế mạnh đã khẳng định ở các tỉnh phía Bắc, nhưng kết quả tại thị trường phía Nam lại chưa như mong muốn. Tương tự, một chi nhánh năng động của một ngân hàng có địa bàn trọng điểm ở phía Nam có thể ăn đứt lợi nhuận của toàn bộ mạng lưới phía Bắc cộng lại…
“Theo tôi, sự dịch chuyển về thị phần trong thời gian tới sẽ gắn với chiến lược cho từng địa bàn và cạnh tranh cho lợi ích khách hàng. Ngay trong năm 2011, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động tại phía Nam, tăng cường đầu tư về mạng lưới, nhân sự và truyền thông. Chúng tôi muốn khẳng định thông điệp là sẵn sàng cạnh tranh toàn diện trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ, cả về hình ảnh và chất lượng, để đổi lấy sự hài lòng của khách hàng, tạo nền tảng cho thị phần”, Tổng giám đốc MB cho biết.
Đó là chiến lược cụ thể có lẽ không chỉ riêng MB xác định. Hoạt động ngân hàng theo đó sẽ ngày một cạnh tranh, và phía sau đó không chỉ là sự dịch chuyển trong bức tranh thị phần, mà còn là lợi ích của khách hàng như ông Công nói.