11:06 21/12/2007

Thị phần ngân hàng: Cổ phần vượt quốc doanh

Nguyễn Hà

Các ngân hàng thương mại quốc doanh dường như đang hụt hơi trước tốc độ tăng trưởng bền vững của khối ngân hàng thương mại cổ phần

Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB)
Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB)
Tại Tp.HCM, trung tâm tài chính - tiền tệ lớn nhất và sôi động nhất của cả nước, nếu như cách đây 4 năm, các ngân hàng thương mại cổ phần còn ở yếu thế, thị phần hoạt động chỉ bằng 1/2 so với các ngân hàng thương mại nhà nước, thì đến nay đã vượt lên trên.

Nếu như các ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng bền vững từ 60% - 120% mỗi năm thì các ngân hàng thương mại nhà nước dường như đang bị hụt hơi, tăng trưởng ì ạch với tốc độ bình quân chỉ khoảng dưới 20% mỗi năm.

Quy mô vốn chủ sở hữu ngày càng lớn

Trên địa bàn thành phố, tính đến nay có 18 ngân hàng thương mại cổ phần, tức là các ngân hàng có hội sở chính và đăng ký kinh doanh theo giấy phép được cấp. Bên cạnh đó còn hàng trăm chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần của các tỉnh, thành phố khác đang hoạt động, tham gia cạnh tranh ở đây.

Chỉ tính riêng 18 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính tại thành phố, ước tính đến hết tháng 12/2007, có tổng số vốn chủ sở hữu, bao gồm vốn điều lệ và các quỹ đạt 24.407 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cuối năm 2006; trong đó riêng vốn điều lệ đạt 18.766 tỷ đồng, tăng 94,6% so với năm trước và gấp hơn 2 lần các ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội.

Trong số đó, Sacombank hiện đang dẫn đầu các ngân hàng thương mại cổ phần trong cả nước với số vốn điều lệ là 4.445 tỷ đồng; tiếp đến là Eximbank đạt 2.800 tỷ đồng, ACB đạt 2.530 tỷ đồng,... Eximbank hiện đang có quỹ thặng dư vốn lớn nhất lên tới 9.000 tỷ đồng, cộng với các quỹ và vốn điều lệ thì tổng số vốn chủ sở hữu lên tới 12.700 tỷ đồng, dẫn đầu các ngân hàng thương mại trong cả nước, kể cả các ngân hàng thương mại nhà nước.

Ước tính đến hết tháng 12/2007, tổng số vốn huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần tại thành phố đạt 204.411 tỷ đồng, chiếm 46,9% tổng thị phần huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn; trong khi đó vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước cách đây 4 năm còn chiếm trên 50% thị phần thì nay chỉ còn chiếm 35,09%. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước đây thường chỉ chiếm 12-13% thì đến nay chiếm 15,85%. Các ngân hàng liên doanh chỉ chiếm 2,48%; còn lại là các công ty tài chính và quỹ tín dụng nhân dân.

Thị phần huy động vốn trong năm 2007 của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng lên có nguyên nhân hàng đầu là lãi suất và chính sách khuyến mãi hấp dẫn hơn, màng lưới được mở rộng, hoạt động quảng bá thương hiệu được triển khai hiệu quả. Đặc biệt là uy tín, lòng tin của người dân, của khách hàng đối với khối ngân hàng này tăng lên.

Ngân hàng thương mại nhà nước khó mở rộng thị phần

Cũng ước tính đến hết tháng 12/2007, dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần ở thành phố đạt 159.354 tỷ đồng, chiếm 45,93% tổng thị phần cho vay trên địa bàn.

Trong khi đó thị phần của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ chiếm 29,39%. Thị phần của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tăng mạnh, từ tỷ lệ 12% - 14% các năm trước đây, đến nay tăng lên 19,02%. Các ngân hàng liên doanh chiếm tỷ trọng 2,90%, tỷ trọng thị phần còn lại thuộc về các tổ chức tín dụng khác. Một số ngân hàng thương mại cổ phần mới chuyển từ nông thôn lên thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, như An Bình, có tốc độ tăng trưởng tín dụng tới 400 - 800% so với năm trước.

Thị phần tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng mạnh trong năm 2007 là do cùng với lợi thế đã phân tích ở phần huy động vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần, thì sự năng động tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, linh hoạt trong cho vay, đa dạng hoạt động tín dụng tiêu dùng, đổi mới quản trị điều hành tín dụng,... cũng là những nguyên nhân quan trọng.

Trong khi đó các ngân hàng thương mại Nhà nước thì kém linh hoạt, bị khống chế tăng trưởng dư nợ, một số chi nhánh có nợ xấu cao tập trung cho nâng cao chất lượng tín dụng, cơ chế tiền lương và thu nhập không có tính chất khuyến khích cho vay... đang làm cho khối ngân hàng này dường như "bị hụt hơi" trong cạnh tranh trên thị trường tín dụng.

Bên cạnh đó thì môi trường đầu tư ở Tp.HCM và khu vực lân cận ngày càng hấp dẫn, các nhà đầu tư đến đây ngày càng đông, ... đã thúc đẩy các chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở rộng cho vay.

Cũng tính đến hết tháng 12/2007, các ngân hàng trên địa bàn có tổng số 917 chi nhánh, phòng giao dịch và điểm giao dịch, thì riêng các ngân hàng thương mại cổ phần có 515 chi nhánh và phòng giao dịch, chiếm tới 56,2%. Các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ có 331 chi nhánh và phòng giao dịch. Trong năm 2007, một số ngân hàng thương mại nhà nước không mở thêm được chi nhánh nào, còn phòng giao dịch thì cũng rất hiếm được thành lập.

Không chỉ chiếm thị phần lớn về cạnh tranh trong lĩnh vực huy động vốn, cho vay, mở rộng màng lưới, khối ngân hàng thương mại cổ phần còn chiếm thị phần lớn về hiệu quả kinh doanh, tức là tổng lợi nhuận trước thuế trong toàn khối ngân hàng. Kết quả đó do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là do mở rộng và đa dạng hoá các dịch vụ ngân hàng bán lẻ tiện ích, như dịch vụ thẻ, kiều hối, thanh toán, chuyển tiền, kinh doanh vàng,.... Thứ hai là do đa dạng hoá danh mục tài sản có, đa dạng hoá danh mục đầu tư, tăng tỷ trọng đầu tư vào giấy tờ có giá, đầu tư chứng khoán, đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp khác, đầu tư trên thị trường tiền gửi quốc tế, đầu tư trên thị trường liên ngân hàng,...

Thứ ba là nhờ thành lập các công ty trực thuộc. Những công ty này hạch toán độc lập, kinh doanh có hiệu quả. Thứ tư là do đầu tư vào thị trường bất động sản, đặc biệt là văn phòng cho thuê.

Thứ năm là nhờ hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, tăng tốc độ xử lý công việc, tự động hoá nhiều khâu nghiệp vụ, nên tiết kiệm được chi phí lao động và tiết kiệm được nhiều chi phí khác. Nguyên nhân cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động, làm cho doanh số thu nhập của ngân hàng tăng nhanh hơn chi phí về nguồn nhân lực.

Đây cũng chính là các lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần so với các ngân hàng thương mại nhà nước.Với xu hướng nói trên, trong năm 2008 và một số năm tới, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tiếp tục có sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trong cạnh tranh, còn các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục bận bịu quá nhiều với việc cổ phần hoá cũng như những lực cản khác, nên sẽ bị "hụt hơi" trong cuộc đua trên thị trường tài chính - tiền tệ ở Tp.HCM.