11:48 12/05/2007

Thị trường Campuchia: Gần nhưng vẫn... rất xa

Đến nay, Campuchia vẫn nằm trong danh sách thị trường “tiềm năng”, chứ chưa phải là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Vận chuyển hàng hóa sang Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Vận chuyển hàng hóa sang Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Đến nay, Campuchia vẫn nằm trong danh sách thị trường “tiềm năng”, chứ chưa phải là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Sau hàng Thái Lan

“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm ăn với bạn hàng ở Campuchia từ rất lâu nhưng không hiểu vì sao sát một bên thế mà hàng của chúng ta vẫn xếp sau Thái Lan, Trung Quốc và Hong Kong” - một quan chức của Bộ Thương mại nói.

Theo vị quan chức này, hoạt động thương mại của các doanh nghiệp vẫn còn mang nặng tính nhỏ lẻ, chưa hình thành được một mạng lưới phân phối tại Campuchia, phần lớn chỉ mới mở được một vài cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm. Còn các doanh nghiệp có qui mô lớn thì “cũng chưa có các hoạt động thương mại xứng tầm”.

Nếu so với các sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc hoặc Hong Kong, hàng của Việt Nam chưa tạo được chỗ đứng thương mại vững chắc, không tương xứng với “thế và lực” trong từng sản phẩm mà các doanh nghiệp trong nước chọn làm gương mặt “đại diện” ở thị trường Campuchia.

Trong danh mục xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia, chiếm giá trị lớn nhất là xăng dầu (được nhập khẩu vào Việt Nam sau đó tái xuất sang Campuchia).

Vì sao?

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Campuchia nghiêng mạnh về nhóm hàng nhiên liệu và hàng sản phẩm công nghiệp. Xăng dầu, sắt thép là hai mặt hàng chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay, trên 100 triệu USD/mặt hàng/năm.

Các mặt hàng như mì gói, nhựa, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa cũng có thị phần nhưng kim ngạch không cao bằng.

Bà Trần Phương Ivy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết SCC đã có mặt tại thị trường Campuchia gần... 20 năm, nhưng từ năm 2000-2006 mới có được mức tăng trưởng trung bình là 25%/năm. Trong năm 2006 tổng kim ngạch xuất khẩu của SCC sang Campuchia cũng chỉ trên 1 triệu USD, chủ yếu xuất nước hoa, xà bông, dầu gội và chất tẩy rửa.

“Thuế nhập khẩu cao, hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh dẫn đến việc hàng hóa và thương hiệu không được bảo vệ khi tình trạng hàng giả, hàng nhái khá phổ biến” - bà Ivy nhận xét.

So sánh với các sản phẩm cùng chủng loại cạnh tranh tại thị trường Campuchia, bà Ivy cho rằng hàng Thái Lan có chất lượng tốt nhưng giá cao, trong khi hàng Trung Quốc có bao bì đẹp, giá rẻ nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu. Còn hàng Việt Nam “cung cấp linh hoạt, giá rẻ nhưng chất lượng không ổn định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt Nam chưa có uy tín cao trên thị trường nước bạn”.

Theo ông Phạm Minh Thắng - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, mặc dù chất lượng hàng Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nhưng nhìn chung người tiêu dùng Campuchia vẫn chuộng hàng Pháp, Mỹ và gần nhất là Thái Lan. “Họ vẫn nhìn hàng Việt Nam là hàng giá rẻ. Lạ lùng nhất là hàng có in tiếng Việt hoặc ghi sản xuất tại Việt Nam sẽ không thể bán ở mức giá tốt được” - ông Thắng tiết lộ.

Riêng với Điện Quang, dù đã từng xuất khẩu bóng đèn sang Campuchia nhưng cũng chỉ xuất qua đường tiểu ngạch. “Chúng tôi chưa đánh mạnh vào thị trường Campuchia vì mặt bằng giá tại đó quá rẻ” - ông Thắng nói.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường do Điện Quang thực hiện tại Campuchia, một số loại bóng đèn có thương hiệu nổi tiếng như Panasonic bán tại Campuchia giá... rẻ hơn bán tại Việt Nam, hoặc rẻ hơn cả bóng đèn của Điện Quang bán tại Campuchia (!?). “Rất có thể là hàng nhập lậu, thậm chí là cả hàng giả”.

Một khó khăn khác đó là thu tiền bán hàng. Rất khó tìm được doanh nghiệp uy tín và có thể trả trước tiền nhập hàng. “Nếu Điện Quang tổ chức kênh bán hàng tại Campuchia cũng không mấy thuận lợi vì vấn đề thu hồi tiền bán hàng từ các khách hàng mua trực tiếp, và chi phí tổ chức hệ thống bán hàng sẽ cao, trong khi dung lượng thị trường không lớn” - ông Thắng nói.

“Thị trường gần”, bằng cách nào?

Trong đề án phát triển thị trường xuất khẩu giai đoạn 2007-2015, Bộ Thương mại cũng đã xác định Campuchia sẽ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới. Mục tiêu đến năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 1,7 tỉ USD, và sẽ đạt trên 5,2 tỉ USD vào 2015.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược khai thác thị trường tại Campuchia. “Hầu hết doanh nghiệp vẫn chuộng kênh tiểu ngạch khi đưa hàng sang Campuchia. Nó vừa linh hoạt, vừa tiết kiệm so với qui mô hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ” - ông Huỳnh Thanh Hải, Giám đốc kinh doanh Nhôm inox Kim Cương, nói.

“Tại Campuchia hàng Việt Nam khá nhiều nhưng hầu hết đều chỉ xuất qua đường tiểu ngạch, vì nếu đi bằng đường chính ngạch không đủ bù đắp chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có qui mô lớn” - ông Hải lý giải.

Theo các chuyên gia thương mại, để thâm nhập sâu vào thị trường Campuchia, các doanh nghiệp cũng nên tính đến chuyện phải thiết lập mạng lưới phân phối không chỉ hàng xuất khẩu của Việt Nam mà còn hàng của các nước khác. Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn mở cửa hàng tại Campuchia để trực tiếp phân phối hàng đến tận tay người tiêu dùng Campuchia. Nhưng con số này thật sự không nhiều.