14:33 30/01/2009

Thị trường chứng khoán 2008: Chuyện bây giờ mới kể

Năm 2008 quả là một năm quá ư đặc biệt với nhiều câu chuyện không tưởng

Nếu có 1 tỷ đồng, 5 tỷ đồng hay một triệu USD, bạn sẽ làm gì với số tiền đó?
Nếu có 1 tỷ đồng, 5 tỷ đồng hay một triệu USD, bạn sẽ làm gì với số tiền đó?
Hơn 8 năm tồn tại của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư không có lý do để nghi ngờ về cơ hội mà thị trường chứng khoán mang lại cho cá nhân họ sự giàu có, giúp doanh nghiệp tăng tốc và nền kinh tế Việt Nam bắt kịp với khu vực.

Tất nhiên, trên những khúc quanh của mình, thị trường chứng khoán cũng khiến nhiều nhà đầu tư "hy sinh", nhiều doanh nghiệp biến mất, nhiều quỹ đầu tư thua lỗ… vì không thể chờ đợi đến lúc quyết định, không thắng trong nước cờ cuối cùng.

1. Anh hùng

"Chơi quân tử, đầu tư dài hạn, chính kiến rõ ràng, kỷ luật tốt, lạc quan và tin tưởng vào doanh nghiệp…, chồng tôi có đủ mọi tính tốt của một nhà đầu tư mẫu mực nên hôm nay thua đậm".

Thê tử của một trong những "đại gia" trên sàn chứng khoán Bảo Việt nói về chồng mình sau một năm đầu tư sóng gió. Bây giờ anh chị đến sàn để theo dõi là chính, tiền đã mua hết rồi và phải kiên nhẫn thôi.

Câu chuyện trên nhắc tôi nhớ lại siêu phẩm điện ảnh "Anh hùng" (đạo diễn Trương Nghệ Mưu). Bối cảnh của phim là đất nước Trung Hoa thời Chiến Quốc, bị chia cắt thành 7 nước: Tần, Triệu, Hán, Ngụy, Yên, Tề và Sở. Tần Vương tham vọng thống nhất đất nước và đầu rơi máu đổ là chuyện tất nhiên trong các cuộc chinh phạt.

Thông điệp của bộ phim là triết lý về hai chữ "Anh hùng" của các nhân vật: thích khách và bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Bộ phim khép lại khi người thích khách cuối cùng là Vô Danh đã tâm phục khẩu phục, cam chịu cái chết khi đối mặt với Tần Vương để cùng luận bàn về anh hùng. Nhân vật trong phim không ai thiếu chất anh hùng và dễ dàng hy sinh thân mình vì lý tưởng. Tần Vương vượt qua lẽ thường, khiến thích khách cảm phục, vì ông không thể hy sinh dễ dàng nếu chưa thống nhất thiên hạ.

Hơn 8 năm tồn tại của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư không có lý do để nghi ngờ về cơ hội mà thị trường chứng khoán mang lại cho cá nhân họ sự giàu có, giúp doanh nghiệp tăng tốc và nền kinh tế Việt Nam bắt kịp với khu vực.

Tất nhiên, trên những khúc quanh của mình, thị trường chứng khoán cũng khiến nhiều nhà đầu tư "hy sinh", nhiều doanh nghiệp biến mất, nhiều quỹ đầu tư thua lỗ… vì không thể chờ đợi đến lúc quyết định, không thắng trong nước cờ cuối cùng.

Lời bàn: Đôi khi thành công chỉ đến với những ai kiên cường và kiên nhẫn. Đó là về lý thuyết mà nói.

2. Vẫn nghèo

Trên sàn chứng khoán, mấy ai xa lạ cái tên Đặng Thành Tâm, "siêu nhân" của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn và là nhân vật đứng đầu trong top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2007.

Cơn bão tài chính năm 2008 khiến nhiều đại gia lâm cảnh khốn khó, nhưng ông Đặng Thành Tâm vẫn có lời vàng khẳng định với báo chí: "Tôi vẫn giàu…, bởi số cổ phiếu nắm giữ không thay đổi". Với tôi, câu nói trên đã trở thành bất hủ.

Nhưng câu nói trên lại khiến nhiều nhà đầu tư mủi lòng, nhiều người đã lần lượt bán hết nhà cửa và những tài sản một thời có được nhờ chứng khoán, phút cuối cùng phải than một tiếng: thế hóa ra, tôi vẫn nghèo.

Năm 2008 quả là một năm quá ư đặc biệt với nhiều câu chuyện không tưởng. Chuyện hai nhân viên ngân hàng rủ nhau vào khách sạn tự vẫn vì thua lỗ trên sàn vàng. Lại có chuyện một doanh nghiệp kia in thừa một đống cổ phiếu để bán lấy tiền. Và cũng có công ty niêm yết lời giả lỗ thật trong suốt 3 năm trời…

Giấc mơ làm giàu thì ai cũng có. Nhưng nếu quá hối hả trong giấc mơ làm giàu và uống quá chén khi mộng chưa trọn vẹn thì thật là tai họa.

Lời bàn: Qua phong ba bão táp, người siêu giàu nói: tôi vẫn giàu. Số đông lại nói: tôi vẫn nghèo. Người ta không thể làm giàu bằng một giấc mơ ngọt ngào rằng mình sẽ trúng số độc đắc khi tỉnh dậy.

3. Của nợ

Có nhiều lý do để 3 đại gia xe hơi của Mỹ là Ford, GM và Chrysler được người ta ngưỡng mộ như 3 người khổng lồ bất khả chiến bại, những người hùng từng bảo đảm tương lai cho 3 triệu lao động trên đất Mỹ và cung cấp 1/2 đầu xe tại nước này…

Vậy mà hôm nay, họ đang khẩn thiết kêu gọi giải cứu. Sao có thể đột tử nhanh đến thế? Có người nói tại họ quá khổng lồ, tại họ có quá nhiều tài sản, vay nợ quá lớn và ăn uống vô độ (chi phí quá lớn)…, nên một khi doanh số sút giảm là họ lập tức khủng hoảng và đứng trước bờ vực phá sản.

Hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam hiện nay cho thấy, những doanh nghiệp lớn, đầu tư mở rộng quá nhanh trong 2 năm qua, tham gia dự án bất động sản thuộc những vị trí đất vàng… là những doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay và dễ dàng thiếu hụt tiền mặt vào thời điểm thị trường không thuận lợi.

Nói về tài sản, ba đại gia ôtô trên không biết bán khi nào mới hết, nhưng họ vẫn có thể phá sản do khó khăn tài chính trong ngắn hạn. Vấn đề chung ở đây là nếu bạn sở hữu quá nhiều tài sản khi khả năng có hạn (bạn phải vay nợ và chi phí quá lớn), bạn sẽ gặp vấn đề.

Nếu có 1 tỷ đồng, 5 tỷ đồng hay một triệu USD, bạn sẽ làm gì với số tiền đó? Nhiều nhà đầu tư khi bắt đầu chiến thắng đã vội vã mua nhà lớn, sắm xe đẹp và vay nợ nhiều đến mức có thể để mua cổ phiếu. Có thể bạn có nhiều tài sản nhưng có lúc muốn bán cũng không dễ gì tìm người mua, còn chủ nợ thì luôn thiếu sự nhân từ.

Lời bàn: Nhà to, đất vàng, cổ phiếu đầy đàn…, giấc mơ mới ngọt ngào làm sao nếu bạn không muốn quá nhiều và muốn ngay lập tức?

4. Vỡ hụi

Chợ Vỹ Dạ, thành phố Huế… những ngày này tan tác. Hàng trăm tiểu thương mất hồn vì chủ hụi đột nhiên biến mất cùng số tiền hàng tỷ đồng. Chuyện động trời này nghe đau xót, nhưng lại quá bình thường với hàng chục vụ vỡ nợ, bể hụi, lừa đảo…, mà báo chí đưa tin, trong suốt vài tháng qua.

Nhưng vỡ nợ ở Việt Nam chỉ là chuyện con nít nếu so với vụ nhiều tổ chức đầu tư mất đến hơn 50 tỷ USD vào một siêu lừa, tác giả từng là Chủ tịch Sàn chứng khoán Nasdaq, Mỹ.

Tại sao người ta lại dễ bị lừa như thế? Dân gian chẳng bảo đó là do lòng tham cả thôi. Về bản chất, hụi là một dạng tín dụng ở chợ, giúp người ta có thể huy động vốn dễ dàng, nhanh chóng với lãi suất khá cao, nhưng hoàn toàn dựa trên chữ tín nên dễ bể hụi nếu lòng tin đặt sai chỗ.

Luận về chữ tín quả khó lắm. Chữ tín của con buôn ngoài chợ cũng có giới hạn, vài tháng 1 vụ đổ bể là thường. doanh nghiệp đánh bóng hình ảnh, tốt khoe xấu che…, cho đến những quả lừa siêu đẳng như vụ 50 tỷ USD thì tinh vi đến mức các ngân hàng bậc nhất thế giới cũng mất tiền mà không hề hay biết.

Thị trường chứng khoán xưa nay được ví như thị trường của tương lai và kỳ vọng, nơi giá trị được tạo ra bởi hy vọng, sự lạc quan và lòng tin. Đáng tiếc là trong năm 2008, giới đầu tư cả thế giới mất mát vì mua phải con ma "nợ dưới chuẩn".

Ở Việt Nam, chuyện Bông Bạch Tuyết lỗ thật lời giả trong suốt 3 năm, lại được 2 công ty kiểm toán có uy tín góp phần xác nhận..., khiến người ta bán tín bán nghi với những báo cáo tài chính, những thông tin được doanh nghiệp đủ loại công bố.

Lời bàn: “Cá tháng Tư” khiến nguời ta vui, có những lời nói dối vô hại hay những người bị cắn tai lừa cảm thấy vui. Nhưng nếu những quả lừa, hậu quả nhà tan cửa nát, được xử lý nhẹ hều như Bông Bạch Tuyết thì chợ chứng khoán thời vỡ hụi không vui chút nào.

5. Dang dở

Tôi kể người nghe, chuyện tình Công ty Chứng khoán A. Sinh ra trong thời chứng khoán bùng nổ với những kỳ vọng đẹp như mây hồng. Cổ đông sáng lập ban đầu không những là những nhà kinh doanh thành đạt trên thương trường, mà còn là những nhà đầu tư thiên biến vạn hóa trên thị trường chứng khoán.

Với hoàn cảnh thị trường chứng khoán đang mùa bội thu, doanh nghiệp có một khởi đầu hết sức thuận lợi cho đến cuộc chia ly thứ nhất.

Lần đầu, một trong những cổ đông sáng lập quá mức nhiệt tình trong kinh doanh, dùng khả năng thiên biến vạn hóa của mình để hô đất thành vàng, nhưng những cổ đông khác lo ngại cho tương lai. Cuộc chia tay lần thứ nhất diễn ra với việc các cổ đông ở lại phải mua lại cổ phần ở một giá không hời. Thay thế vào đó là một cổ đông được mời về với nhiều ưu đãi, người được giao vai trò cầm lái. Khi ấy giá cổ phần được chuyển nhượng khoảng trên 2X.

Lần chia ly thứ hai lại xuất phát cũng chính từ người cầm lái có nhiều cống hiến vượt quá tiêu chí của tổ chức và cổ đông đã ra đi muốn quay lại. Một lần nữa, các cổ đông phải hy sinh một phần cho sự ra đi được ổn thỏa, đồng thời tốn kém thêm một khoản kha khá để mời một nhân vật khác về lèo lái. Giá cổ phiếu trên thị trường lúc này trong khoảng 3X - 4X.

Lần chia tay gần đây là lúc cổ phiếu doanh nghiệp giảm xuống mức giá 0,25X mà rất hiếm người mua. Người cầm lái buộc phải ra đi do kết quả kinh doanh thua lỗ và nhiều quyết sách không hẳn đã như chiến lược đề ra ban đầu.

Điều đáng buồn là, người ta sẽ còn nhìn thấy những cuộc chia tay khóc không ra nước mắt như vậy ở nhiều công ty niêm yết, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…

Lời bình: Trong giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận trả giá cao cho việc tăng tốc và đón đầu, nhưng không lường hết rủi ro do việc đồng sàng dị mộng của những nhân sự mà họ trả giá cao mời về. "Nhiệt tình + ngu dốt = 3 x phá hại". Nhưng "nhiệt tình + khôn ngoan + mục tiêu cá nhân = 33 thảm họa".

6. Khát nước

Cao nguyên Genting chìm trong khói núi và mây mù, cảnh vật hùng vĩ nhưng lạnh lẽo và bí ẩn như nét mặt của người Ấn ở đất nước Malaysia. Có lẽ vì thế mà không khí ấm nóng đặc biệt của những sòng bạc ở đây khiến tôi có cảm giác khát nước một cách đặc biệt, lần đầu tiên thắng được 2.000 Ringit sau 2 giờ đỏ đen, tôi vẫn không muốn đứng dậy, dù tự nhủ mình không nghiện cờ bạc, miệng khô khốc và mắt căng ra…

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao người ta nói rằng con bạc khát nước. Thật khó để bạn ra khỏi sòng bạc nếu chưa vắt hết sức lực hoặc đồng xu cuối cùng. Chẳng khó khăn gì để học cách chơi bạc. Các con bài cũng dễ dàng nhận ra rằng, nhà cái rất công bằng và xác suất 50 - 50 (ở đây là sòng bạc chuyên nghiệp chứ không phải cờ bạc bịp).

Nhưng kết cục của con bạc giống nhau. Lý lẽ rất đơn giản, bạn là con bạc và nếu bạn thắng thì bạn sẽ rất hứng với số tiền thắng bạc để rồi tiêu xài hoang phí và quay lại xới bạc để thua nặng lần sau. Nếu bạn thua thì bạn sẽ rất cay cú, vét sạch túi và vay mượn để gỡ và lại thua hết. Bởi vì xác suất cho "cờ bạc đạo đức" là 50 - 50, nhà cái vẫn thắng vì họ không quan trọng thắng thua, con bạc sẽ thua bởi vì khát nước.

Bạn nghĩ gì về một nhà đầu tư tại Hà Nội, từng có 3 căn nhà và đã bán tất vì thua lỗ chứng khoán, hàng ngày vẫn vật vã bám sàn để mong cửa gỡ. Trong khi các quỹ đầu tư nước ngoài nhận ra rằng, họ đã thua lỗ quá nhiều trong năm 2008 và suốt ba tháng cuối năm phải chấp nhận bán cổ phiếu để cắt lỗ và lấy tiền mặt...

Lời bình: Kinh doanh phải chấp nhận nín thở qua cầu trong những lúc khó khăn. Nếu bạn cố đấm ăn xôi trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn thực chất đã tham gia thị trường chứng khoán như một con bạc và dễ dàng trắng tay như bất cứ con bạc khát nước nào.

Tâm Thiện (Đầu tư Chứng khoán)