14:19 11/10/2007

Thị trường chứng khoán đang cần nhạc trưởng

Hoàn thiện các quy định, thay đổi phương thức đấu giá cổ phiếu, người chủ trì hiện nay không ai khác là Nhà nước!

Nhạc trưởng của thị trường hiện nay, không ai khác, chính là Nhà nước!
Nhạc trưởng của thị trường hiện nay, không ai khác, chính là Nhà nước!
Tiền ngoại, cũng như tiền nội, đang chờ thời cơ đổ vào chứng khoán. Chỉ có điểm khác là lần này, trước khi đổ bộ, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đòi hỏi một cơ sở hạ tầng tài chính tốt hơn để hấp thụ nó.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn là một đứa trẻ chập chững bước đi. Song, tổng giá trị niêm yết và vốn hóa của thị trường đang tăng nhanh chóng. Và giống như những thị trường mới nổi khác, chỉ số VN-Index đang có những biến động mạnh - ông Ayumi Konishi, Trưởng đại diện thường trú của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội, phát biểu trong hội nghị các nhà đầu tư nước ngoài do VinaCapital tổ chức tuần trước ở Tp.HCM.

Tiền ngoại, cũng như tiền nội, đang chờ thời cơ đổ vào chứng khoán. Chỉ có điểm khác là lần này, trước khi đổ bộ, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đòi hỏi một cơ sở hạ tầng tài chính tốt hơn để hấp thụ nó.

Mặc dù không có thông tin chính thức nào từ phía Chính phủ Việt Nam về việc trì hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu tiên) các doanh nghiệp lớn, nhưng giới đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng IPO đang chậm lại do tiến độ cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh, các doanh nghiệp lớn không diễn ra như lộ trình công bố hồi đầu năm.

Thậm chí giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài nói thẳng chỉ có Vietcombank kịp IPO trong năm nay và đó là một sự chậm trễ không cần thiết. Trên diễn đàn hội nghị của VinaCapital, ông Ayumi Konishi nhấn mạnh trì hoãn các đợt IPO sẽ làm mất đi động lực đi tới của thị trường chứng khoán và động lực cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang cần một nhạc trưởng giữ nhịp điệu và luật chơi. Chính nhạc trưởng sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình minh bạch hóa, đặc biệt minh bạch hóa thông tin vốn đang rất thiếu”, ông Konishi nhấn mạnh.

Nhạc trưởng của thị trường hiện nay, không ai khác, chính là Nhà nước! Ở nhiều khía cạnh, Nhà nước đang thể hiện vai trò của mình. Tuy nhiên, sự thể hiện đó đã đủ liều, đủ lượng, thích hợp với các bước chuyển động của thị trường chưa thì còn là câu hỏi để ngỏ.

Ông Kelvin Lee, Tổng giám đốc VinaSecurities, nhìn dưới góc độ cổ phần hóa: “Hệ thống định giá và đấu giá hiện tại có thể làm biến dạng giá trị doanh nghiệp. Sự pha loãng vốn cổ phần quá mức đang diễn ra ở nhiều công ty. Phát hành cổ phiếu, huy động vốn phải làm sao có lợi cho cổ đông, cho sự phát triển doanh nghiệp, chứ không phải thu một cục tiền rồi muốn làm gì thì làm”.

Việc phát hành cổ phiếu cũng phải tuân thủ chuẩn mực quốc tế nếu các công ty Việt Nam muốn tham gia niêm yết trên thị trường nước ngoài. Hoàn thiện các quy định, thay đổi phương thức đấu giá cổ phiếu, người chủ trì hiện nay không ai khác là Nhà nước!

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng có khả năng đạt lợi nhuận trước thuế năm 2007 hơn 800 tỉ đồng (khoảng 50 triệu đô la Mỹ), chỉ ra rằng đang có một cuộc cạnh tranh khó kiểm soát có thể làm tổn thương thị trường.

Nguyên do, theo ông, là trào lưu các công ty chuyển mạnh sang đầu tư vào các lĩnh vực không phải thế mạnh của họ. Không ít doanh nghiệp, thay vì tập trung kinh doanh các lĩnh vực truyền thống, đã quay sang đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Các ngân hàng bây giờ không chỉ cạnh tranh với nhau, với ngân hàng nước ngoài, mà cả với những ngân hàng mới sắp thành lập, những công ty bỏ vốn lớn vào các ngân hàng... Điều chỉnh chất lượng, số lượng hoạt động ngân hàng bằng các quy định chặt chẽ, người cầm chịch là Nhà nước!

Ông Charly Madan, Tổng giám đốc Citibank Vietnam, đưa ra một nhận xét gây chú ý: “Chúng ta đang chứng kiến sự cứng cỏi, dẻo dai của nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế này chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng xấu (subprime) tại Mỹ”.

Song, ông cũng cảnh báo rằng sự tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Sự “đi nhanh” đó liệu có gắn với chất lượng hoàn hảo? Việc công bố các khoản nợ của ngân hàng Việt Nam thường trễ và độ chính xác cũng có xê dịch. Điều đáng nói chính là độ trễ của các quy định liên quan đến điều hành thị trường tài chính. Việt Nam đang chạy theo tình huống, tình huống xảy ra rồi mới có các quy định điều chỉnh.

Ở đây, một lần nữa, vai trò ban hành các quy định và điều hành thị trường kịp thời thuộc về Nhà nước. Cụ thể là các cơ quan trực tiếp quản lý thị trường tài chính.

Không nghi ngờ dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, đặc biệt thị trường tài chính đang và sẽ chứng kiến sự nổi lên nhanh, mạnh của dịch vụ ngân hàng đầu tư (investment banking). Sẽ không chỉ có các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ nhận vốn ủy thác từ nước ngoài, từ nội địa, mà cả các ngân hàng, bắt đầu từ nhà băng nước ngoài, rồi đây sẽ triển khai dịch vụ đầu tư cho khách hàng trong nước. Khung pháp lý cho dịch vụ ngân hàng đầu tư ở Việt Nam hầu như chưa có và thị trường lại đang đi trước khi mà trong vòng 12 tháng trở lại đây, “investment banking” đang trở thành thuật ngữ được giới đầu tư sử dụng thường xuyên.

Vốn đầu tư đang bám sát sự phát triển của nền kinh tế. Số liệu của ADB cho thấy tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư (cả nội lẫn ngoại) của Việt Nam đang được duy trì ở mức cao, 30-40%/năm, chỉ đứng sau Trung Quốc. Vấn đề còn lại là hạ tầng, bao gồm hạ tầng pháp lý và thị trường (hàng hóa cho thị trường niêm yết, tính thanh khoản của chứng khoán, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp) để hấp thụ nguồn vốn đó.

Lúc này, hơn bao giờ hết, vai trò nhạc trưởng của Nhà nước cần xuất hiện nổi trội.