17:05 13/07/2009

“Thị trường chứng khoán sẽ khó tăng trưởng đột biến!”

Minh Đức

Đã đến thời điểm các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán "rục rịch" công bố kết quả kinh doanh quý 2

Quá trình điều chỉnh của thị trường chứng khoán thế giới từ cuối tháng 6 đến nay đã có tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: Quang Liên.
Quá trình điều chỉnh của thị trường chứng khoán thế giới từ cuối tháng 6 đến nay đã có tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: Quang Liên.
Đã đến thời điểm các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán "rục rịch" công bố kết quả kinh doanh quý 2.

Nhận định về kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp niêm yết trong cuộc trò chuyện với VnEconomy, ông Hoàng Xuân Quyến, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nói:

- Hiện mới có một số ít các doanh nghiệp niêm yết hé lộ thông tin về kết quả kinh doanh quý 2. Tuy nhiên, có thể dự báo kết quả kinh doanh quý này sẽ tốt hơn nhiều so với quý 1, bởi lẽ nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu hồi phục và nền kinh tế trong nước tăng trưởng (3,9%).

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã có những tác động rất lớn đến nền kinh tế trong nước nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Khu vực kinh tế xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng lớn nhất, do đó các doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm hàng thủy sản, vận tải biển, xuất khẩu gỗ, điện tử, giải trí, du lịch, khách sạn... sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quý này và thời gian tới.

Các doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng hơn của cầu bên ngoài và có đầu ra là thị trường nội địa sẽ có mức độ tăng trưởng tốt hơn. Các nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, phân khúc thị trường nhà ở của lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, dịch vụ vận tải được dự báo có báo cáo kết quả kinh doanh sẽ khá tốt. Thậm chí, có thể có những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đột biến, do những ngành này còn được lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ thông qua việc giảm lãi suất vay vốn hoặc nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ.

Các ngành như dược phẩm, hàng công nghiệp tiêu dùng cũng sẽ giữ được mức tăng trưởng ổn định. Một số mặt hàng sử dụng nguyên liệu nhập khấu như nhựa, hóa chất cũng sẽ có lợi nhuận tốt nhờ chi phí nhập khầu hành hóa giá rẻ thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 tốt, nhưng giá cổ phiếu của họ vẫn chưa cải thiện... Điều này khiến ông đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường từ cuối tháng 6 đến nay?

Tôi cho rằng việc giá của nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong quý 2 vừa qua phần nào đã phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp.

Song, nhìn ở mặt khác, quá trình điều chỉnh của thị trường chứng khoán thế giới từ cuối tháng 6 đến nay cũng đã có tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở trong nước, các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng, vì cảm nhận chung của họ là nửa cuối năm 2009 nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như mối lo về lạm phát, hoặc tín dụng thắt chặt, tỷ giá điều chỉnh… Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,9% trong 6 tháng đầu năm 2009 vẫn chủ yếu dựa vào kích cầu đầu tư, chứ chưa phải kích cầu tiêu dùng (tiêu dùng cá nhân giảm 10% - PV), trong khi địa chỉ và hiệu quả của gói kích cầu vẫn chưa thể đánh giá chính xác được.

Vì vậy, tâm lý thận trọng đang chi phối thị trường chứng khoán, và do vậy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết dù có tốt thì cũng chỉ hỗ trợ phần nào mà thôi.

Trong lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết quý 2, có một yếu tố chi phối lớn là kết quả đầu tư tài chính và hoàn nhập dự phòng. Ông đánh giá thế nào về yếu tố này? Điều đó có phản ánh đúng sự ổn định và hồi phục trở lại của tình hình sức khỏe các doanh nghiệp?

Chắc chắn là sẽ có những số doanh nghiệp công bố lợi nhuận 6 tháng mà trong đó lợi nhuận từ đầu tư tài chính và hoàn nhập dự phòng là đáng kể.

Tuy nhiên, nhà đầu tư khi xem xét đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nên nhìn vào lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Trong quý 2, điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn do chi phí đầu vào rẻ, chính phủ hỗ trợ lãi suất. Nếu kết quả kinh doanh chính của doanh nghiệp niêm yết không tốt hơn nhiều so với quý 1 thì rất cần phải xem xét lại.

Nếu doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng ngay trong quý 2 này nhưng nếu thị trường chứng khoán không thuận lợi vào cuối năm thì có thể doanh nghiệp lại phải tiếp tục trích lập dự phòng, tức là lợi nhuận do hoàn nhập dự phòng trong quý 2 này còn bấp bênh! Hoặc lợi nhuận từ các hoạt động tài chính cao trong quý 2 sẽ khó có thể lặp lại vì khoản thu nhập này tiềm ẩn nhiều rủi ro và cơ hội đầu tư không còn dễ dàng như quý 2 vừa qua.

Cổ  phiếu ngân hàng thời gian qua luôn là "hàng nóng" trên thị trường chứng khoán. Thông tin công bố kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng đều khá tốt. Ông nghĩ triển vọng của ngành này sẽ thế nào trong thời gian tới?

Ngân hàng là một ngành rất "đặc biệt", nên nếu chỉ nhìn số liệu bên ngoài thì rất khó đánh giá chính xác được chất lượng của từng ngân hàng. Báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng đầu năm là khả quan, bởi lẽ ngoài mảng tín dụng vốn đã chiếm phần đáng kể trong thu nhập của ngân hàng, một số ngân hàng còn có thu nhập thêm từ mảng kinh doanh vàng, ngoại tệ và chứng khoán.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm chưa thể nói là lạc quan được, nhất là các mảng thu nhập từ kinh doanh vàng, chứng khoán, trái phiếu, hoàn nhập dự phòng... sẽ không còn đáng kể, tăng trưởng tín dụng sẽ có thể thắt chặt hơn và nợ xấu có thể tăng cao hơn.

Từ các yếu tố trên, ông dự báo thế nào về triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm nay?

Việc thị trường hồi phục và  tăng trưởng nhanh hay chậm phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới và trong nước. Sự tăng trưởng của các nền kinh tế bên ngoài thì ngoài tầm kiểm soát của chúng ta nhưng các doanh nghiệp chắc sẽ phải điều chỉnh linh hoạt để hạn chế mức độ ảnh hưởng. Tăng trưởng trong nước sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn về hiệu quả của gói kích cầu và sự vận động của toàn bộ nền kinh tế.

Nhưng rất tiếc là chúng ta chưa có các công cụ đo lường hữu hiệu để có được các chỉ báo về sự vận động của nền kinh tế. Chính vì thế, kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế thường được các nhà đầu tư hiểu chưa rõ ràng, nửa tin, nửa ngờ. Điều này khiến tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán thường rất thận trọng và ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, thời gian tới thị trường chứng khoán có thể sẽ khó có tăng trưởng đột biến, dù cá nhân tôi tin rằng thị trường vẫn đang vận động theo xu hướng tốt.