Thị trường đầu tư mạo hiểm đối diện nguy cơ suy thoái lớn nhất từ trước đến nay
Đồng sáng lập kiêm đối tác chiến lược tại quỹ đầu tư giai đoạn đầu ACME Capital, ông Scott Stanford, dự đoán một nửa công ty VC hiện nay sẽ đóng cửa trong thập kỷ tới…
Không còn gì để bàn cãi, các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) đang trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, theo Business Insider.
Công ty tư vấn và kiểm toán EisnerAmper nêu rõ trong bài phân tích công bố mới đây cho thấy, sự chậm lại trong hoạt động giao dịch VC bắt đầu từ cuối năm 2022 và đang tiếp tục kéo dài sang quý đầu tiên năm nay.
Lạm phát, lãi suất không ổn định và khối lượng M&A (mua lại & sáp nhập) thấp dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho môi trường đầu tư.
Ông Scott Stanford, đồng sáng lập kiêm đối tác chiến lược tại quỹ đầu tư giai đoạn đầu ACME Capital, cho rằng nguồn vốn mạo hiểm đang biến động theo chu kỳ nhưng vẫn ẩn chứa một số tín hiệu đáng báo động nhất định.
Nhà đồng sáng lập ACME Capital cho biết : “Không có gì quá ngạc nhiên khi nhận định một nửa số công ty VC đang tích cực hoạt động trong thập kỷ qua sẽ bị loại khỏi cuộc chơi và cuối cùng sẽ sụp đổ hoàn toàn”.
Theo ông Stanford, làn sóng phá sản đầu tiên dự kiến diễn ra trong vòng 5 năm tới. Thêm 10 năm nữa, thiệt hại của ngành sẽ hiện hữu rõ rệt.
BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG NGHIỆT NGÃ
Phép toán đơn giản sau có thể khắc họa một phần bức tranh thị trường nghiệt ngã trong tương lai gần. Theo biểu đồ do ông Stanford biên soạn, đến năm 1990, có khoảng 300 quỹ VC nắm giữ và quản lý tài sản trị giá đạt 17 tỷ USD. Trong hai thập kỷ qua, con số không ngừng tăng cao. Hiện tại, trên thế giới có khoảng 3.000 quỹ đầu tư mạo hiểm, tương ứng quản lý 1,2 nghìn tỷ USD.
Theo nhận định từ nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm đã đi quá xa so với thực tế. Bối cảnh phát triển nhanh chóng và số tiền đầu tư không xuất phát từ giá trị tài chính mà doanh nghiệp tạo ra.
Ông Hany Nada, đồng sáng lập ACME, chia sẻ rằng “nguyên nhân khiến ngành công nghiệp VC phát triển thần tốc trong vài thập kỷ qua một phần là do các nhà đầu tư quá hưng phấn chứ không phải do tiềm năng công nghệ”.
Ông Nada nói thêm: “Cũng giống như nhà đầu tư tính sai thời điểm vào vốn, toàn bộ ngành công nghiệp đang đi trước thời đại từ một đến hai thập kỷ. Do đó, thị trường hiện nay trở nên quá đông đúc, thừa vốn và được định giá quá cao”.
NHÀ ĐẦU TƯ VC CÓ NHIỀU LỰA CHỌN KHÁC
Theo ông Stanford, có một số yếu tố giúp thị trường thanh lọc tổ chức VC yếu kém.
Nhà đồng sáng lập ACME Capital nhấn mạnh các thành viên góp vốn hay nhà đầu tư đang đứng trước nhiều lựa chọn khác với lãi suất cao hơn chẳng hạn một số khoản đầu tư có rủi ro thấp như trái phiếu kho bạc đang mang lại mức lợi nhuận khá.
Trong khi đó, công nghệ "không còn là lĩnh vực khó nắm bắt, đòi hỏi chi phí M&A cao hay tham vọng IPO".
Trước đây, từng có nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ tuyên bố mục tiêu chạm mức định giá hàng tỷ USD. Nhưng giờ, cục diện đã thay đổi nhiều.
Cuối cùng, ông Stanford đánh giá, trí tuệ nhân tạo không nhất thiết phải là đích đến tiếp theo của thị trường.
Thật sự khó nhận định liệu AI có trở thành yếu tố then chốt tạo ra thế hệ kỳ lân tiếp theo hay không, khi một số gã khổng lồ đầu ngành như OpenAI đang cung cấp công nghệ công khai và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để tạo ra sản phẩm tốt.
Tóm lại, trong thị trường vô cùng cạnh tranh, nhà đầu tư không có chuyên môn sâu, mạng lưới mạnh mẽ hoặc nguồn vốn đủ lớn để triển khai hoạt động sẽ khó huy động dòng tiền và xây dựng thương hiệu bền vững.
Nhà đồng sáng lập này ví von: “Quỹ đầu tư mạo hiểm không có vốn giống như vận động viên quần vợt không có vợt. Họ có thể trả lời phỏng vấn, gây chú ý nhưng không thể ra sân hay thi đấu".
CHẤP NHẬN RỦI RO MỘT LẦN NỮA
Ông Stanford tin rằng những thách thức ngày nay sẽ mở đường cho kỷ nguyên mới, hay nói đúng hơn là bắt đầu vòng lặp của kỷ nguyên cũ.
Nhiều startup ra mắt thị trường trong vài năm trở lại đây đều sử dụng chiến lược không mấy khác biệt. Nhờ nguồn vốn đầu tư hàng triệu USD, doanh nghiệp có thể tung ra ứng dụng “tốt hơn một chút” so với đối thủ.
Trước đây, startup nhỏ có thể thành công bằng cách tạo ra một số tính năng mạng xã hội, ứng dụng và phần mềm cải tiến. Tuy nhiên hiện tại, hầu hết công ty lớn đều có thể tự làm điều đó.
Bởi vậy, nhà đầu tư sống sót sau “cơn bão suy thoái” cần phải thật sự tập trung vào những doanh nghiệp sáng tạo đột phá. Tất nhiên, chiến lược đi kèm với mức độ rủi ro nhất định.
Khi doanh nghiệp thành công, nhà đầu tư có thể thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Khi thất bại, đôi bên cùng đứng trước bờ vực phá sản.
Trong thư gửi đối tác, ông Stanford kỳ vọng các nhà đầu tư VC có thể đóng góp một phần vào thời kỳ phục hưng công nghệ, "nơi máy móc, trí tuệ nhân tạo hoạt động vì con người thay vì để con người chạy theo phục vụ".