23:32 17/09/2008

Thị trường địa ốc Đà Nẵng trước nỗi lo đáo hạn ngân hàng

Với các “đại gia” địa ốc Đà Nẵng, tháng 9/2008 sẽ đầy áp lực, bởi đã đến lúc tính toán đáo hạn các khoản vay nợ ngân hàng

Đất tại nhiều khu vực đang ở trong tình trạng đóng băng.
Đất tại nhiều khu vực đang ở trong tình trạng đóng băng.
Với các “đại gia” địa ốc Đà Nẵng, tháng 9/2008 sẽ đầy áp lực, bởi đã đến lúc tính toán đáo hạn các khoản vay nợ ngân hàng.

Trong khi đó, dấu hiệu thị trường đến tận lúc này cũng chưa có biến chuyển nào khả quan.

Đất tiếp tục đóng băng!

Nhìn nhận của hầu hết doanh nghiệp môi giới - kinh doanh địa ốc Đà Nẵng đến thời điểm này, là thị trường vẫn tiếp tục đóng băng. Giá đất khu vực trung tâm của Đà Nẵng có thể xem như không biến động, nhưng lại không có dịch chuyển mua bán nào.

Ông Hoàng Đình Dũng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị địa ốc Á Châu, cho biết đã 3 tháng, luân chuyển đất giữa các nhà đầu tư đều dừng lại. Không ít lô đất giá trị mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ… đều “nằm im” với chỉ số trượt giá ngày càng tăng.

Ở khu vực ngoại vi thành phố, ghi nhận chung cho thấy giá đất đã giảm từ 15 - 20% so với đầu năm, mà chủ yếu vẫn chưa bán được.

Ông K., một người có thâm niên môi giới đất của nhiều cơ sở kinh doanh địa ốc tại Đà Nẵng cho hay, tình hình đóng băng này thậm chí còn tệ hơn quá khứ 3 năm trước. Thời điểm đó, thị trường địa ốc Đà Nẵng chủ yếu diễn ra theo các dự án di dời giải tỏa, chỉnh trang phát triển, vốn đầu tư hầu hết không đặt ra mà chỉ là những dạng đất trên sổ, trên phiếu đăng ký.

Còn hiện nay, mọi lô đất, khoảnh đất đầu tư mua bán đều phải buộc bỏ vốn đầu tư, trong đó không ít nhà đầu tư lại vay từ ngân hàng. Do đó, bất cứ sự biến động nào của thị trường cũng đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính nhà đầu tư và khả năng rủi ro kéo theo không phải nhỏ.

Nỗi lo về lãi vay

Những ngày tháng 9 này, đến các quán café “hộp” Đà Nẵng, người ta sẽ dễ thấy nhiều phụ nữ trung tuổi ngồi cùng nhau với đầy vẻ lo lắng. Có người ngồi bấm điện thoại di động liên tục. Có người lại tỏ vẻ chán nản “tìm chỗ nằm dài”.

Đó đều là những “chủ đất” đang trong nỗi lo lắng về đáo hạn lãi vay ngân hàng.

Một “chủ đất” là doanh nghiệp tư nhân thương mại cho biết, bà “lỡ” đập vốn vay ngân hàng vào mấy lô đất đã mua năm trước, thời điểm rộ lên của thị trường địa ốc. Đến nay, hầu như chưa có lô nào bán được, mặc dù bà đã thông tin sẵn sàng giảm giá đến 10% cho người mua trực tiếp có tiền mặt trả ngay. Trong khi đó, lãi vay ngân hàng dù tính trên mức vay cũ vẫn khá cao so với khả năng thanh toán của bà.

Tuy nhiên, so với nhiều “chủ đất” khác, bà còn may mắn hơn bởi không bị tính lãi suất vay hiện tại. Không ít người đã lỡ đầu tư địa ốc trên các dự án đăng ký vay vốn kinh doanh làm ăn với ngân hàng, hiện tại khi bị áp mức lãi suất mới, gần như không biết nên xoay xở thế nào.

Theo ông K., “tảng băng” chìm của địa ốc Đà Nẵng xét từ những “chủ đất” bất đắc dĩ như vậy không hề nhỏ. Thực tế cho thấy, thời điểm sốt đất trước đây của Đà Nẵng, không ít doanh nghiệp, cá nhân địa phương đã vội vã đi vay vốn đầu tư, kiếm đất “mua đi bán lại”.

Tháng 9/2008 là thời điểm đáo hạn chung của họ, càng khiến tình hình vay nợ này thêm căng thẳng, mà bản thân nhiều ngân hàng cũng biết rõ sẽ rất khó khăn để thu hồi đúng hạn các khoản cho vay đó.

Dĩ nhiên đến nay, với các mức lãi suất cho vay mới, hầu như không còn nhà đầu tư nào mạnh dạn lập dự án vào địa ốc nữa. Thị trường địa ốc vì thế càng khó có chiều hướng chuyển động, càng gây áp lực với những chủ đầu tư đã vay nợ lâu nay. Nhiều người khẳng định với tháng 9 này, họ xem ra khó có khả năng thanh khoản đáo hạn được, dù có thể khoản vay chỉ dao động từ 1 – 2 tỷ đồng.

Một số cá nhân môi giới vì thế đang linh hoạt chuyển hướng đầu tư vào những lô đất nhỏ lẻ ở các khu dân cư vùng ven như Bắc Mỹ An, Hòa Minh…, để “mua nhanh bán nhanh”, tìm nguồn thanh toán bớt lãi vay.

Kỳ vọng của giới địa ốc, là đầu năm 2009 tình hình tài chính cho vay ở các ngân hàng sẽ cải thiện đáng kể, từ đó có thể giúp họ chấn chỉnh phần nào những áp lực hiện nay.

(Theo Báo Đà Nẵng)