11:15 21/07/2009

Thị trường người giúp việc gia đình nhiều bất cập

Nhu cầu tìm người giúp việc chuyên nghiệp ngày càng cao nhưng số lao động đáp ứng được nhu cầu này còn ít

Nhiều người vẫn chưa coi giúp việc là một nghề, và cho rằng làm giúp việc không cần học vẫn làm được.
Nhiều người vẫn chưa coi giúp việc là một nghề, và cho rằng làm giúp việc không cần học vẫn làm được.
Nhu cầu tìm người giúp việc chuyên nghiệp ngày càng cao nhưng số lao động đáp ứng được nhu cầu này còn ít.

Các trung tâm môi giới chưa đi đến cùng trách nhiệm của mình với hai bên: bên người lao động và người có nhu cầu thuê. Đó là một số nét nổi bật trong bức tranh thị trường lao động người giúp việc hiện nay.

Cơ quan quản lý lúng túng

Khi đưa một người lạ về nhà làm người giúp việc, "được việc và an toàn" là điều ai cũng muốn. Một lao động phổ thông khi quyết định trở thành "ôsin" cũng có nhu cầu được bảo vệ.

Tuy nhiên, trước nhu cầu chính đáng trên của cả 2 phía, các đơn vị liên quan vẫn lúng túng trong việc thực hiện trách nhiệm của mình.

Bà Nguyễn Phương Hoa, Phó giám đốc Trung tâm 20-10, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, những người giúp việc được trung tâm giới thiệu rất đảm bảo bởi số lao động này đã qua "sát hạch" của chi hội phụ nữ cấp địa phương trước khi gửi lên trung tâm. Nhưng khi được hỏi về việc quản lý lao động sau khi họ được nhận về các gia đình làm việc, bà Hoa thừa nhận là trung tâm không làm được nhiệm vụ đó.

Theo bà Hoa, trung tâm chỉ giới thiệu công việc cho họ, với những mức lương thỏa thuận giữa các bên chứ sau khi chị em đã có chỗ làm, trung tâm không theo sát quản lý nữa. Hết thời hạn hợp đồng, người lao động có thể quay về trung tâm để được giới thiệu nơi khác.

Tại Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và đào tạo việc làm cho trẻ tàn tật Việt Nam thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, quy trình tuyển, giới thiệu lao động của trung tâm là nhờ cộng tác viên ở địa phương- những cán bộ uy tín của xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… giới thiệu. "Nếu có điều gì xảy ra, trung tâm chúng tôi đều có cách liên lạc về với gia đình ở quê".

Vậy là ngay ở những trung tâm được xem là tin cậy hàng đầu như trên, việc quản lý lao động chỉ dựa vào mấu chốt là "chữ tín" của cộng tác viên địa phương. Nhưng có thể vì tin tưởng tuyệt đối các sát hạch viên là cán bộ địa phương nên hầu hết lao động khi đến với trung tâm rồi, không phải qua vòng phỏng vấn nào. Chỉ cần vài buổi (thường là 1 buổi) để phổ cập những hiểu biết sơ đẳng về nghề là họ bắt tay vào nhận việc ngay.

Có lẽ sự tin tưởng đến mức có thể coi là thái quá và nếu nặng nề hơn là biểu hiện của sự xem nhẹ quyền lợi khách hàng này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình phải thay "ôsin" xoành xoạch.

Theo ông Bạch Trung Dung, Phó phòng Chính sách lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ở Hà Nội hiện có 26 trung tâm giới thiệu việc làm do sở cấp giấy phép. Giới thiệu và cung ứng người giúp việc chỉ là một nhánh rất nhỏ trong những mảng hoạt động của các trung tâm.

Theo ông Dũng, Sở chỉ có thể theo dõi sát sao hoạt động của 2 trung tâm giới thiệu việc làm ở 281 Trung Kính và 144 Trần Phú. Còn các doanh nghiệp giới thiệu việc làm khác, sở quản lý dựa theo báo cáo hàng năm do doanh nghiệp gửi lên. Trên thực tế, làm dịch vụ môi giới người giúp việc, số trung tâm chui lủi nhiều vô kể.

Ông Dũng than thở: "Địa bàn Hà Nội rộng với 29 quận, huyện, công việc ở sở nhiều nên chúng tôi không kiểm soát nổi".

Trung tâm giới thiệu người giúp việc nở rộ với nhiều hình thức như phát tờ rơi về tận cửa từng nhà đến các trung tâm online quảng bá tưng bừng trên internet. Lao động ở các trung tâm này không thiếu, nhưng gốc gác và tư cách, phẩm chất của họ khó kiểm soát.

Ông Dũng cho biết hiện nay, thanh tra sở mỗi năm tiến hành 2 đợt kiểm tra để phát hiện các trung tâm "ma", những trung tâm bị tố cáo qua điện thoại.

Cung khó gặp cầu

Ít nhất 20 người giúp việc đã "đi qua" gia đình anh Dương Thành Trung, nhân viên một công ty xây dựng có tiếng của Nhật trong 2 năm qua. Người này đến người khác được gia đình anh đón về, nhưng rồi mỗi người một "sự cố", nên lại lần lượt ra đi.

Những trường hợp như nhà anh Trung không hiếm. Nhiều gia đình ban đầu về quê tìm người quen, họ hàng nhờ làm giúp. Nhưng tìm người quen không dễ, bởi dù thu nhập dư dả hơn làm nông, nhưng nhiều người không thích bị mang tiếng là đi làm "ôsin". Những lúc như vậy, chỉ còn nước tìm đến các kênh giới thiệu người giúp việc.

Cao Thị Liên, phụ trách văn phòng Công ty thương mại và dịch vụ An Gia, cho biết nhu cầu thuê thì nhiều, người cần việc cũng chẳng ít, nhưng để chủ nhà và người giúp việc hiểu nhau và làm việc lâu dài rất khó. Chủ nhà thì ai cũng có yêu cầu riêng, còn người giúp việc bây giờ cũng kén việc. Họ lựa chọn những gia đình có nhà rộng, có phòng riêng cho người giúp việc, lương khá.

Chị Nguyễn Quỳnh Hoa - nhân viên một trung tâm giới thiệu người giúp việc ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, để có thể chọn được một người giúp việc ưng ý, các gia đình thường phải qua 5-6 lần thuê.

Người giúp việc cũng có nỗi niềm riêng. Lên Hà Nội gần 3 năm, từng giúp việc cho hơn chục nhà, đến giờ, chị Hoàng Thị Duyên, ở Đại Từ, Thái Nguyên vẫn chưa có chỗ làm cố định. Chị Duyên tâm sự, muốn được làm cố định một nhà cho yên ổn, nhưng "số không may rơi toàn vào nhà kỹ tính hay xét nét. Chiều chuộng được người này thì lại mất lòng người kia. Hơi một tí là bị mắng xơi xơi, không chịu nổi". Cùng quê với chị Duyên, chị Phạm Thị Thu cũng vừa bỏ việc, vì lý do... ông chủ hơi "dê".

Ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ tàn tật, cho biết: Chỉ 60% lao động nông thôn lên Hà Nội làm nghề giúp việc là "trụ" lại được với nghề. "Những trường hợp bỏ việc về quê giữa chừng có nhiều nguyên nhân: Nhớ nhà, thất vọng vì bị gia đình chủ đối xử thiếu tôn trọng", ông Hải cho biết.

Lương cao, vẫn thiếu

Đón được nhu cầu thuê người giúp việc "có chất lượng" ngay ở trong nước, một số công ty tổ chức tuyển dụng và đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người giúp việc. Điều này đã giúp người giúp việc có cơ hội tìm việc làm thu nhập cao, nhưng những công ty như thế này rất ít và cũng chưa nhiều người giúp việc ý thức được việc trang bị kỹ năng chuyên môn cho mình.

Tại Việt Nam hiện đã có một số công ty chuyên đào tạo và cung cấp dịch vụ người giúp việc có chuyên môn, chủ yếu hướng đến những người có thu nhập cao, hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.

Giá thuê người giúp việc đã có "chứng chỉ" thường khá cao, ở mức từ 2 triệu đồng/tháng đến 5 triệu đồng/tháng tùy số giờ làm việc. Trong khi đó, lương cho người giúp việc chưa qua đào tạo chỉ từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng.

MIV (Maid in Vietnam) có trụ sở tại số 5 Tô Ngọc Vân, Hà Nội được biết đến là công ty hợp pháp duy nhất được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đào tạo cung cấp nhân viên giúp việc theo giờ cho gia đình nước ngoài tại Việt Nam. Trước khi được gửi đi làm, nhân viên ở đây được học qua các khóa học về sử dụng dụng cụ, hóa chất thích hợp để làm sạch nhà, nấu ăn, chăm sóc trẻ nhỏ.

Mô hình đào tạo của MIV có tham khảo nhiều mô hình của các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Chất lượng người giúp việc tốt được nhiều người biết đến, truyền tai nhau, khách hàng liên tục liên hệ để tìm nhân viên. Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, trung cấp du lịch cũng tìm đến xin làm học viên.

Chị Dương Thúy Nhường, 34 tuổi, nhà ở đường Giải Phóng, Hà Nội, là học viên cũ của Công ty MIV. Hiện nay, chị Nhường đã có việc làm ổn định với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng trong một gia đình người New Zealand ở khu Ciputra.

Gắn bó với công việc được 3 năm, chị Nhường tâm sự: "Chủ nhà coi người giúp việc như là quản gia trong gia đình và rất tôn trọng người giúp việc. Nhờ được qua đào tạo, mà giờ đây tôi đã có công việc ổn định với đồng lương xứng đáng".

Mỏi mắt tìm học viên

Công việc ổn định, thu nhập cao, nhưng những người giúp việc như chị Nhường không nhiều. Đại diện của Công ty MIV, bà Bùi Thanh Hải cho biết, công ty luôn gặp khó khăn trong tuyển chọn và thiếu học viên có ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc.

Bên cạnh đó, học viên phải có lý lịch tốt, tư cách tốt và được kiểm tra sức khỏe tại phòng khám quốc tế để đảm bảo không bị bệnh viêm nhiễm trước khi được gửi đi làm. Những điều kiện đó khiến số người giúp việc "chất lượng cao" luôn thiếu.

Từng mở lớp dạy nghề "Giúp việc An Tâm", Bùi Thế Thùy, Phó giám đốc Công ty Vietfone cho biết, rất khó tìm được học viên để đào tạo nghề giúp việc. Thực tế, học viên thường xuất thân từ những vùng nông thôn nghèo khó, ít người biết được thông tin về trung tâm đào tạo mà tìm đến. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn chưa coi giúp việc là một nghề, và cho rằng làm giúp việc không cần học vẫn làm được.

(Tin tức/Vietnam+)