15:16 14/07/2015

Thị trường OTT Việt có là “tử địa” với OTT ngoại?

Thu Ngân

Việc các OTT ngoại thất thủ tại thị trường bản xứ không phải là điều đáng ngạc nhiên

Thị trường Việt và người dùng Việt đã
đón đến hàng chục ứng dụng OTT đến từ trong và ngoài nước, 
nhưng sau quá trình cạnh tranh và sàng lọc, cho đến thời điểm này chỉ còn 3 
cái tên đáng nói nhất là Zalo, Viber và Facebook Messenger.
Thị trường Việt và người dùng Việt đã đón đến hàng chục ứng dụng OTT đến từ trong và ngoài nước, nhưng sau quá trình cạnh tranh và sàng lọc, cho đến thời điểm này chỉ còn 3 cái tên đáng nói nhất là Zalo, Viber và Facebook Messenger.
Sau Line, Kakao Talk lặng lẽ rút lui, nay đến Viber vừa tuyên bố đóng cửa văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Gió đổi chiều

Viber chính thức mở văn phòng đại diện ở Việt Nam vào đầu năm 2014 trong bối cảnh OTT này đang có lợi thế rất lớn từ danh tiếng của một sản phẩm “bất chiến tự nhiên thành”.

Thời điểm đó, Kakao Talk và Line đã bắt đầu “đuối” sức và có dấu hiện tháo lui khỏi thị trường Việt. Zalo, ứng dụng OTT nội địa tạm thắng trong cuộc đua tam mã với Line và Kakao nhưng cũng mất khá nhiều nguồn lực.

Tuy vậy, sau khi vào Việt Nam, Viber lại bất ngờ đẩy mạnh các sự kiện màu tím, làm truyền thông khá rầm rộ ngược với tuyên bố đầy tự hào của CEO Viber trước đó “được 8 triệu người dùng tại Việt Nam và 8 triệu người dùng tại Philippines mà không tốn một đồng quảng cáo”. Cuộc đấu “song mã” giữa Viber và Zalo chính thức được “châm ngòi”.

Zalo sau một thời gian “tham chiến” đã rút ra được nhiều kinh nghiệm chứ không sa vào làm sự kiện rầm rộ đầy tốn kém như trước, song cách làm này giờ đây lại được Viber “kế thừa”. Đến thời điểm Viber công bố thông tin đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam: Zalo hơn 30 triệu - Viber hơn 23 triệu (con số này tất nhiên là chưa có đơn vị độc lập kiểm chứng).  

Chuyện không của riêng ai

Kết quả nghiên cứu trên 33 quốc gia của GlobalWebIndex mới đây đã cho thấy, ở châu Á đến thời điểm này, các ứng dụng OTT bản địa chiếm ưu thế trên “sân nhà” hơn các OTT quốc tế đến từ Âu, Mỹ.

Cụ thể, hai OTT có lượng người dùng hàng đầu trên thế giới hiện nay là WhatsApp và Facebook Messenger đang mất dần chỗ đứng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, Line được đánh giá là ứng dụng OTT có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm qua, thay thế WhatsApp và Messenger ở Nhật Bản. Ngoài ra, ứng dụng này cũng thống trị Đài Loan và Thái Lan. Kakao Talk đứng đầu ở quê nhà Hàn Quốc.

Ở Trung Quốc, vị thế “độc tôn” thuộc về Wechat. Khảo sát cũng cho thấy cứ 5 người Trung Quốc thì có 3 người sử dụng sản phẩm nội địa này. Ứng dụng Zalo thì phổ biến ở Việt Nam.

Riêng tại Indonesia, phần mềm nhắn tin của hãng BlackBerry, BMM đang chiếm ưu thế.

Dễ thấy, việc các OTT ngoại thất thủ tại thị trường bản xứ không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Nếu phải làm một phép đếm thì thị trường Việt và người dùng Việt cũng đã rộng mở đón đến hàng chục ứng dụng OTT đến từ trong và ngoài nước, nhưng quá trình cạnh tranh và sàn lọc cho đến thời điểm này chỉ còn 3 cái tên đáng nói nhất là Zalo, Viber và Facebook Messenger. Nếu xét về số lượng người dùng thì Zalo đang chiếm ưu thế.

Tháo chạy hay chiến lược được tính toán?

Về quyết định đóng cửa văn phòng đại diện, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, giám đốc văn phòng đại diện Viber Việt Nam cho rằng đây là sự “thay đổi chiến lược điều hành tại khu vực Đông Nam Á”.

Theo đó, trụ sở chung cho khu vực đặt tại Philippines sẽ chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động marketing tại các nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar...

Bà cũng xác nhận trong bài trả lời phỏng vấn của báo chí là Viber vẫn đang “trong giai đoạn đầu tư”. Tuy nhiên theo bà: “Viber Việt Nam đã hoàn tất sứ mệnh đặt nền móng vững chắc cho Viber trên thị trường OTT Việt Nam. Bản thân ứng dụng OTT là một nền tảng kết nối đa quốc gia chứ không chỉ mang ý nghĩa đối với từng quốc gia đơn lẻ”.

Chia sẻ này của vị đại diện Viber vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có những bình luận thiên về nguy cơ, thất bại…

Một chuyên gia dẫn chứng, bài học từ KakaoTalk và Line đã quá rõ. Sau khi hai ứng dụng này đột ngột rút lui khỏi thị trường Việt thì đến nay liệu còn bao nhiêu người dùng và liệu còn có cơ hội cạnh tranh với OTT bản địa?

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo giới, đại diện một mạng di động tại Việt Nam nhận xét: “Viber Việt Nam cũng chưa có mô hình kinh doanh khả quan, cộng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các OTT nội, nên việc Viber có thể tìm cơ hội “sống khỏe” tại Việt Nam cũng là khó khăn”.

Viber ngừng văn phòng đại diện tại Việt Nam ắt hẳn là có vấn đề của Viber, cũng như vấn đề của KakaoTalk, Line trước đây khi quyết định rút lui vậy.