09:56 03/11/2008

Thiệt hại nặng vì mưa lớn

Đăng Dũng

Trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 24 năm trở lại đây đã làm 49 người chết, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng

Đánh bắt cá trên phố Nguyên Hồng (Hà Nội) sau cơn mưa lớn - Ảnh: VNN.
Đánh bắt cá trên phố Nguyên Hồng (Hà Nội) sau cơn mưa lớn - Ảnh: VNN.
Thống kê sơ bộ, tính đến ngày 2/11, trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 24 năm trở lại đây đã làm 49 người chết, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng tại khu vực Bắc Bộ,  Bắc Trung Bộ.

Đáng lo ngại, nhiều tuyến đê tại Ninh Bình, Vĩnh Phúc đang bị hỏng nặng, một số nơi đã bị vỡ.

Tại cuộc họp bàn giải pháp đối phó với mưa lũ ngày 2/11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương thông báo cụ thể: Hà Nội đã có 18 người chết, Hà Tĩnh 17 người, Bắc Giang 3 người, Hòa Bình 2 người, Nghệ An 2 người, Thái Nguyên 2 người, Vĩnh Phúc 2 người, Phú Thọ 1 người, Ninh Bình 1 người và Quảng Bình 1 người.

Mưa lũ đã làm gần 55.000 ngôi nhà bị sập, trôi và hư hại, diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng: 182.938 ha; diện tích thuỷ sản bị ngập: 9.661 ha; hư hại gần 600 cầu cống, công trình thủy lợi nhỏ.

Tổng số đê, kè, kênh, mương bị sạt lở và hư hỏng khoảng 140.000 m3. Ngoài ra, mưa lũ còn làm gần 70.000 m đường giao thông nông thôn bị hư hỏng.

Tại Hà Nội, trạm bơm Yên Sở và một số đoạn đê nội đồng trên sông Nhuệ có nguy cơ bị tràn, một số nơi đã bị sụt sạt mái phía đồng.

Tại Ninh Bình, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm cho lưu lượng nước trên sông Hoàng Long lên nhanh, cộng với lũ đầu nguồn Hưng Thi tràn về làm cho tràn Gia Tường và Đức Long không thể trụ nổi, nhấn chìm 4 xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Thủy, nơi được coi là vùng "rốn lũ" của huyện Nho Quan.

Chính quyền địa phương đã huy động mọi lực lượng tập trung chống tràn nhưng không được, vì vậy tỉnh đã huy động các lực lượng di dời các hộ dân, cùng tài sản đến nơi an toàn.

Trận mưa lớn vừa qua trên địa bàn Phú Thọ cũng đã làm một người chết, khoảng 4.500 ha cây trồng, ao hồ nuôi thuỷ sản bị ngập, 9 nhà hư hỏng, hơn 3.000 m kênh mương bị vỡ... thiệt hại khoảng 18 tỷ đồng.

Tại Lạng Sơn đến trưa 2/11, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 1 người mất tích, gần 2.960 ngôi nhà bị ngập, 74 nhà bị sập và hư hỏng nặng; 748 ha lúa, hoa mầu bị ngập, trong đó 236 ha hoa mầu bị mất trắng. Ước tính ban đầu, thiệt hại gần 6 tỷ đồng.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến nghiêm trọng, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu Hà Nội, Hà Nam phải ngừng ngay việc bơm tiêu nước vào sông Nhuệ, sông Duy Tiên và vận hành các trạm bơm Vân Đình, Khai Thái, Yên Lệnh, để tiêu thoát lũ ra sông Hồng, sông Đáy và giảm áp lực lũ lên đê sông Nhuệ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đêm 2/11 và ngày 3/11, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ hạ lưu sông Bưởi xuống chậm, lũ sông Cả lên chậm, đến sáng 3/11, tại Nam Đàn có khả năng lên mức 7,6 m. Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên lại. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh cần đề phòng lũ lớn, lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng.

Tình hình mưa lũ trong những ngày tới sẽ còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vì vậy, người dân và chính quyền địa phương không được chủ quan, phải lên kế hoạch đối phó với mưa lũ ở cấp báo động.