09:02 24/09/2008

Thiếu cơ chế đào tạo lao động xuất khẩu

Quỳnh Lam

Việc đào tạo nghề để đi xuất khẩu lao động từ trước đến nay đều do doanh nghiệp và người lao động tự xoay xở

Thiếu tay nghề sẽ khó tạo dựng thương hiệu lao động
Thiếu tay nghề sẽ khó tạo dựng thương hiệu lao động
Việc đào tạo nghề để đi xuất khẩu lao động từ trước đến nay đều do doanh nghiệp và người lao động tự xoay xở.

Doanh nghiệp bị động

Báo cáo mới nhất của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện Việt Nam đã đưa được gần 459.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó là lao động có nghề.

Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ hàng không (Airsenco),  tay nghề thấp hoặc không có nghề khiến lao động Việt Nam chỉ tập trung được ở một số thị trường như Đài Loan, Malaysia, Trung Đông… Đây là những thị trường có nhu cầu lao động lớn, không đòi hỏi quá khắt khe trong việc tuyển dụng.

Ngoài ra, đây cũng là lý do vì sao phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ tập trung  khai thác và thành công ở những thị trường được xem là “bình dân” mà không thể thâm nhập các thị trường thu nhập cao. Đơn giản là không có nguồn để đáp ứng nhu cầu của đối tác, ông Vui nói.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng cho biết, với trình độ lao động hiện nay, họ hoàn toàn bị động trong khâu tuyển nguồn.

Ông Nguyễn Thiện Mỹ, Tổng giám đốc Simco - Sông Đà đưa ra dẫn chứng, ngay tại các thị trường Trung Đông, Đài Loan… chỉ cần chủ sử dụng lao động yêu cầu một đơn hàng yêu cầu lao động có trình độ tay nghề trung cấp cộng thêm 3 năm kinh nghiệm là doanh nghiệp gần như “bó tay”.

Vì thế, với những thị trường được xem là thu nhập cao như Mỹ, Canada, Australia, và một số nước Đông Âu… đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ khá, số lao động doanh nghiệp đưa đi chỉ chỉ đếm được đầu ngón tay cũng là điều dễ hiểu.

Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia nhận định, nguồn lao động xuất khẩu Việt Nam đang yếu cả về số lựợng lẫn chất lượng.

Nguyên nhân chính được nhìn nhận ở đây chính là thiếu cơ chế đào tạo, thiếu “chất kết dính” giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Điển hình, trong khi các cơ sở đào tạo nghề không nắm được nhu cầu để đào tạo thì các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lại không tìm được những lao động đạt trình độ tay nghề theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Cơ chế nào cho phù hợp?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phê duyệt đề án thí điểm đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu giai đoạn 2008 - 2010.

Theo bản đề án, ngay trong năm 2008 này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng với Tổng cục Dạy nghề sẽ xây dựng mô hình, cơ chế gắn kết giữa dạy nghề với xuất khẩu lao động, tạo ra nguồn lao động có trình độ tay nghề cao theo nhu cầu của thị trường.

Cụ thể, để đảm bảo chất lượng đầu ra, tuỳ theo đối tượng người lao động, cơ sở đào tạo sẽ tiến hành đào tạo theo các hình thức sau: Đào tạo từ đầu; bồi dưỡng; nâng cao tay nghề; bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ…Đây là một chu trình khép kín từ đào tạo nghề đến khâu đầu ra là lao động được đi ra nước ngoài làm việc.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, nhiều doanh nghiệp thắc mắc, liệu đây có thực sự là giải pháp, cơ chế  phù hợp trong khi vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, đã được nói đến trước đó rất nhiều?.

Thậm chí, có không ít doanh nghiệp đã tự xây dựng cho mình các cơ sở đào tạo nghề nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng "ăn đong" nguồn lao động.

Giải thích vấn đề này, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, việc doanh nghiệp luôn bị động về nguồn, do các cơ sở đào tạo nghề đã yếu về cơ sở vật chất lại thiếu tính chuyên nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa có định hướng rõ ràng, chưa nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, không biết các nước có nhu cầu nhập khẩu lao động thiếu gì, cần gì và đâu là thế mạnh của lao động mình để mà phát huy.

Với "đề án đặt hàng, đấu thầu đào tạo lao động xuất khẩu", ông Hải cho biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động  lên kế hoạch, lộ trình rõ ràng. Trước mắt, sẽ chọn ra những trường nghề có khả năng, những doanh nghiệp xuất khẩu lao động uy tín và chỉ định thầu, định hướng cho thí điểm các ngành nghề phù hợp.

Cụ thể, trong năm 2008 này, nhận thấy nhu cầu rất lớn từ các nước tiếp nhận về lao động thợ hàn, nghề này cũng là một lợi thế, sở trường của lao động Việt Nam, vì thế, Cục sẽ định hướng cho doanh nghiệp đặt hàng đào tạo các tay thợ hàn xuất sắc.

“Kết quả cuối cùng là chất lượng sẽ được phản ánh qua sự đánh giá và tiếp nhận lao động của các nước có nhu cầu nhập khẩu lao động”, ông Hải khẳng định.