10:51 24/04/2008

Thiếu nhân lực gây khó cho đầu tư

Anh Quân

Đài Loan đã mất vị trí dẫn đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2007

"Nhiều tập đoàn công nghệ của Đài Loan hiện nay đã vươn ra toàn cầu, cung cấp sản phẩm cho nhiều thị trường trên thế giới."
"Nhiều tập đoàn công nghệ của Đài Loan hiện nay đã vươn ra toàn cầu, cung cấp sản phẩm cho nhiều thị trường trên thế giới."
Nhân dịp đoàn doanh nghiệp Đài Loan gồm 55 thành viên sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Cheng Chen Tsair, Phó trưởng đại diện kiêm Trưởng phòng Kinh tế - Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội - về triển vọng hợp tác đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Cheng Chen Tsair nói:

- Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã đến Việt Nam để khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Riêng năm 2007 đã có 226 doanh nghiệp Đài Loan được cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam, con số cao nhất từ trước tới nay.

Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc hàng tháng vẫn tiếp đón khoảng 10 đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Trong số này, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Lĩnh vực công nghệ cao cũng đang được Chính phủ Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Đài Loan nhìn nhận gì về khả năng đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam?

Lĩnh vực công nghệ cao là thế mạnh của Đài Loan. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang sở hữu máy móc, thiết bị được sản xuất tại Đài Loan. Nhiều tập đoàn công nghệ của Đài Loan hiện nay đã vươn ra toàn cầu, cung cấp sản phẩm cho nhiều thị trường trên thế giới.

Hợp tác đầu tư công nghệ cao giữa Đài Loan và Việt Nam có triển vọng trên các lĩnh vực như công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, năng lượng mới… Trước mắt, trong các lĩnh vực công nghệ chế tạo máy tính, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số…, đang có nhiều doanh nghiệp Đài Loan mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Khi các tập đoàn công nghệ cao của Đài Loan đầu tư vào Việt Nam thì sẽ có một lượng lớn doanh nghiệp vệ tinh đi cùng. Đầu tư vào lĩnh vực này do đó sẽ càng sôi động hơn.

Hiện nay, 2 thương hiệu lớn của Đài Loan đã có mặt tại Việt Nam, đó là Foxcon (sản xuất sản phẩm điện tử cao cấp) và Compal (sản xuất máy tính xách tay). Sắp tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn của Đài Loan tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Mới đầu tháng 4 vừa qua, đoàn doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đài Loan đã đến Việt Nam để khảo sát môi trường đầu tư. Ngoài các công nghệ sản phẩm, công nghiệp phần mềm cũng là lĩnh vực có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư.

Đài Loan đã mất vị trí dẫn đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2007. Thưa ông, liệu có khó khăn nào trong việc khơi thông nguồn vốn đầu tư?


Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, đến năm 2006 Đài Loan vẫn dẫn đầu danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đến 2007, Đài Loan mất vị trí này, nhưng đó là chưa tính đến đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan qua nước thứ ba.

Trong thời gian gần đây, tỷ trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao tăng lên, nhưng các doanh nghiệp Đài Loan đang phải đối mặt với vấn đề nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cũng đã tiếp xúc với các doanh nghiệp, khuyến khích họ tài trợ thiết bị cho các trường của Việt Nam và “đặt hàng” đào tạo nguồn nhân lực.

Hiện nay, chúng tôi có 3 trung tâm tại Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên và một số trung tâm tại khu vực phía Nam để giúp Việt Nam đào tạo nhân lực trình độ cao. Mô hình này rất hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các trung tâm này ra một số tỉnh, thành phố.

Một nguồn nữa là từ các du học sinh Việt Nam tại Đài Loan. Hiện nay, chúng tôi đang duy trì khoảng 800 du học sinh Việt Nam tham gia đào tạo tại Đài Loan. Trong số này, nhiều học sinh đang theo học các ngành công nghệ cao.