09:03 13/05/2008

Thiếu như… phi công

Lý Hà

Với tốc độ phát triển như hiện nay, chắc chắn ngành hàng không Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt phi công

Không chỉ ở Việt Nam, các hãng hàng không ở nhiều nước trên thế giới cũng đang thiếu phi công trầm trọng.
Không chỉ ở Việt Nam, các hãng hàng không ở nhiều nước trên thế giới cũng đang thiếu phi công trầm trọng.
Việc xuất hiện hàng loạt hãng hàng không trên bầu trời Việt Nam như: Saigon Air, Vina AirAsia, VietJet... được xem như bước “đột phá” của ngành hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như hiện nay, chắc chắn ngành hàng không Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt phi công.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, sự thiếu hụt này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà ngay các hãng hàng không châu Á và trên toàn thế giới cũng đang phải cắt giảm các chuyến bay vì thiếu phi công và đưa ra mức lương đặc biệt nhằm lôi kéo phi công từ Brazil, Nga và Indonesia. Việt Nam cũng đang phải bỏ ra hàng chục triệu USD để thuê phi công nước ngoài.

Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) đã cảnh báo ngành hàng không thế giới về sự thiếu hụt phi công trầm trọng từ cuối năm 2007. IATA đưa ra dự báo, từ nay đến năm 2024, mỗi năm hàng không thế giới cần tới 17.000 phi công mới do tốc độ phát triển nhanh chóng và một số lượng không nhỏ phi công đến tuổi nghỉ hưu.

Mới đây, 3 hãng hàng không lớn ở Trung Đông là Emirates, Etihad và Qatar Airways đặt mua 237 máy bay, khiến các hãng này cần thuê tới 5.000 phi công. Hàng loạt phi công ở các nước châu Á đến đầu quân cho các hãng ở Trung Đông để nhận các mức lương và thưởng cao hơn.

Ngoài Indonesia, Brazil... thiếu phi công trầm trọng, Trung Quốc cũng cần thêm từ 9.000 phi công trở lên vào năm 2010. Theo dự báo, các hãng hàng không Mỹ cũng cần khoảng 120.000 phi công mới vào năm 2017. Trong khi đó, năng lực đào tạo phi công của Mỹ không theo kịp nhu cầu đang tăng cao.

Trước sự thiếu hụt phi công toàn cầu, được sự nhất trí của đa số các quốc gia thành viên, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã quyết định điều chỉnh giới hạn tuổi của phi công thương mại từ 60 lên 65 tuổi. ICAO cũng đồng thời đưa ra chuẩn đào tạo phi công mới chủ yếu dựa vào thiết bị bay mô phỏng, thay thế phần lớn cho bay thực tế trên máy bay, rút ngắn được thời gian đào tạo phi công.

Như vậy, một phi công hoàn thành việc đào tạo cơ bản chỉ mất 60-70 giờ bay thực tế. Mỹ và 27 thành viên EU đã điều chỉnh giới hạn tuổi của phi công thương mại từ 60 lên 65 tuổi, nhằm tăng số lượng học viên và nâng cao năng lực đào tạo, trong khi tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn. IATA đã đưa ra các sáng kiến đào tạo và cấp bằng. Hiện tại, IATA đã phối hợp với nhà chức trách Trung Quốc để xây dựng giáo trình đào tạo phi công.

Các hãng hàng không Việt Nam đã phải thuê một số lượng lớn phi công là người nước ngoài (Vietnam Airlines khoảng 30%, Pacific Airlines gần 100%). Trong số 420 phi công đang bay cho Vietnam Airlines thì 119 là người nước ngoài. Còn số phi công 45 người của Pacific Airlines chỉ có duy nhất 1 người Việt Nam.

Theo nhận định của ông Thanh, các hãng hàng không mới của Việt Nam được phép thành lập và sẽ tham gia khai thác thị trường từ cuối năm 2008, chắc chắn phải thuê toàn bộ phi công là người nước ngoài.

Từ năm 1996 tới 2006, Vietnam Airlines tuyển chọn được 215 học viên để đào tạo phi công, trong đó 184 học viên đã trở thành phi công. Như vậy trung bình mỗi năm Vietnam Airlines chỉ cung ứng được 18,4 phi công, so với nhu cầu là 50 phi công.

Ước tính, từ nay đến năm 2017, hàng năm Vietnam Airlines cần khoảng 80 phi công, trong khi số học viên được cử đi đào tạo phi công ở nước ngoài không đạt được mức trên. Ông Thành cho biết, Vietnam Airlines tiếp tục phải thuê phi công người nước ngoài và chi phí trung bình hàng năm để thuê phi công không dưới 20 triệu USD.

Nhằm giảm thiểu sự thiếu hụt này, Chính phủ đã chỉ đạo sớm xây dựng trung tâm đào tạo phi công Việt Nam, trên cơ sở huy động các cơ sở đào tạo hiện có trong nước, đồng thời hợp tác với nước ngoài để đào tạo phi công thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chủ trương khuyến khích xã hội hoá việc đào tạo phi công, mở ra cơ hội cho các cá nhân chủ động học nghề trong nước hoặc ngoài nước.

Hiện nay ngành hàng không cũng đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo nước ngoài trong việc tìm ra giải pháp nâng cao năng lực đào tạo phi công, giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công trong tương lai, góp phần tăng số lượng và chất lượng phi công Việt Nam.