07:47 05/11/2013

Thiếu tin hỗ trợ, Phố Wall vẫn xanh sàn

Thanh Hải

Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 đã tăng liên tiếp 4 tuần qua

Sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối tháng 10 đã giúp nâng
 mức tăng từ đầu năm tới nay của chỉ số S&P 500 lên 24% - Ảnh: AP.
Sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối tháng 10 đã giúp nâng mức tăng từ đầu năm tới nay của chỉ số S&P 500 lên 24% - Ảnh: AP.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (4/11) với kết quả tăng nhẹ cùng khối lượng giao dịch thấp, do thiếu vắng những thông tin kinh tế quan trọng có sức chi phối giao dịch trong ngày.

Tình trạng "lờ đờ" của thị trường một phần xuất phát từ việc chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 đã tăng liên tiếp 4 tuần qua. Giới đầu tư đang "vừa làm vừa trông" vì lo ngại sự đi xuống bất thình lình của thị trường sau đợt tăng dài ngày này. Thêm vào đó, thị trường cũng thiếu vắng những thông tin kinh tế quan trọng, đủ sức chi phối các giao dịch trong ngày.

Sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối tháng 10 đã giúp nâng mức tăng từ đầu năm tới nay của chỉ số S&P 500 lên 24%. Theo giới phân tích, với kết quả như vậy, đây có thể là dịp tốt để các nhà đầu tư tái cân bằng lại danh mục đầu tư của mình sao cho phù hợp với những nhận định gần đây về các xu hướng xê dịch cuối năm của thị trường chứng khoán.

Một số chuyên gia phân tích cho biết, họ vẫn có đánh giá tích cực dài hạn về thị trường chứng khoán Mỹ, song họ cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc tới việc chốt lời đối với một số loại cổ phiếu vào thời điểm này. Trong 4 tuần giao dịch vừa qua, chỉ số chứng khoán S&P 500 đã tăng được 4,3% và nhiều cổ phiếu thuộc chỉ số này đã có mức tăng đáng quan tâm.

Tâm điểm chính trong tuần này, theo các chuyên gia phân tích, là bản báo cáo về tình hình tuyển dụng lao động khu vực phi nông nghiệp. Dự kiến, báo cáo này sẽ được công bố vào cuối tuần. Sở dĩ bản báo cáo này được xem trọng là bởi có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ căn cứ vào đó để xác định hướng đi tiếp theo đối với việc hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Trước khi FED công bố kết quả cuộc họp chính sách gần nhất, nhà đầu tư tin tưởng rằng, với tình trạng thị trường lao động còn yếu kém, cơ quan này sẽ không tiến hành rút bỏ các biện pháp nới lỏng định lượng, vốn đã đưa các chỉ số chứng khoán tăng mạnh trong năm nay. Song, sau khi cuộc họp kết thúc, nhà đầu tư lại lo sợ rằng FED sẽ có hành động sớm hơn dự tính.

Do vậy, bản báo cáo việc làm khu vực phi nông nghiệp tuần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, như là một tiền đề để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xác định bước đi tiếp theo, có duy trì các biện pháp kích thích tăng trưởng hay từ từ thu hẹp quy mô dẫn tới rút bỏ hoàn toàn. Vấn đề trọng tâm mà FED nêu ra trước đó về các điều kiện tín dụng rất có thể sớm được khai thông.

Thêm vào đó, những số liệu sản xuất được công bố gần đây cũng cho thấy khu vực kinh tế này đang tăng trưởng mạnh hơn so với dự tính, cho thấy nền kinh tế nói chung của Mỹ có thể đã đủ cứng cáp để giải quyết những khó khăn khác trong bối cảnh hiện tại. Điều này được cho là sẽ gây áp lực không nhỏ đối với các cam kết hỗ trợ tăng trưởng của Cục Dự trữ Liên bang.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, ngày 4/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ được 23,57 điểm, tương ứng với mức tăng 0,15%, lên 15.639,12 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 6,29 điểm, tương ứng với mức tăng 0,36%, lên chốt ngày ở 1.767,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng được 14,55 điểm, tương ứng với mức tăng 0,37%, lên chốt tại 3.936,59 điểm.

Toàn bộ các nhóm cổ phiếu quan trọng thuộc S&P 500 đều đóng cửa tăng điểm, trong đó dẫn đầu là nhóm viễn thông và năng lượng. Chỉ số S&P lĩnh vực năng lượng tăng 1,3%, trong khi chỉ số S&P lĩnh vực viễn thông tăng 0,8%. Trên sàn giao dịch New York, cứ năm cổ phiếu tăng điểm thì có 2 mã giảm, còn trên sàn giao dịch Nasdaq, tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm là 3/2.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 5,1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,2 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Trong số các cổ phiếu giảm điểm, đáng chú ý nhất là cổ phiếu của BlackBerry giảm tới 16,4% xuống còn có 6,5 USD, thấp nhất kể từ 10/2003.

Liên quan tới thông tin doanh nghiệp, trong số khoảng 75% công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 3, 69% có lợi nhuận cao hơn dự báo của giới phân tích, vượt trội so với mức trung bình hàng quý là 63%. Tuy nhiên, chỉ có 53% số doanh nghiệp này có mức doanh thu vượt kỳ vọng, thấp hơn mức trung bình hàng quý 61% từ năm 2002 đến nay.

Thị trườngChỉ sốĐóng cửa+/- (điểm)+/- (%)
MỹDow Jones15.639,12+23,57+0,15
S&P 5001.767,93+6,29+0,36
Nasdaq3.936,59+14,55+0,37
AnhFTSE 1006.763,62+28,88+0,43
PhápCAC 404.288,59+15,40+0,36
ĐứcDAX9.037,23+29,40+0,33
Nhật BảnNikkei 22514.201,57-126,37-0,88
Hồng KôngHang Seng23.189,62-60,17-0,26
Trung QuốcShanghai Composite2.149,64+0,07+0,00
Đài LoanTaiwan Weighted8.354,14-34,04-0,41
Hàn QuốcKOSPI Composite2.025,17-14,25-0,70
SingaporeStraits Times3.203,94+2,74+0,09
Nguồn: CNBC, Market Watch.