12:50 25/06/2009

Thiếu trầm trọng nhân lực ngành dược

Thúy Nhung

Nhân lực ngành dược tại Việt Nam hiện rất thiếu và phân bố không đồng đều

Dược sỹ được đào tạo hiện nay chủ yếu làm việc trong lĩnh vực cung ứng và hướng dẫn sử dụng thuốc, sản xuất thuốc, kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm.
Dược sỹ được đào tạo hiện nay chủ yếu làm việc trong lĩnh vực cung ứng và hướng dẫn sử dụng thuốc, sản xuất thuốc, kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm.
Nhân lực ngành dược tại Việt Nam hiện rất thiếu và phân bố không đồng đều.

Theo số liệu của Cục Quản lý Dược tại hội nghị trực tuyến ngành dược toàn quốc, diễn ra mới đây tại Hà Nội, tỷ lệ dược sỹ ở nước ta mới chỉ đạt 1,19 dược sỹ/10.000 dân.

Không chỉ thiếu, các dược sỹ lại tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM và một số tỉnh có thị trường dược phát triển. Hiện Đông Nam bộ đang là vùng có tỷ lệ dược sỹ cao nhất cả nước chiếm trên 32%, đứng thứ hai là vùng đồng bằng sông Hồng với gần 32%. Chỉ riêng hai vùng này đã chiếm tới 2/3 số lượng dược sỹ  trong cả nước. Trong khi đó, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên tỷ lệ này chỉ chiếm từ 1,4% đến 2,6%.

Cơ cấu và mạng lưới cán bộ dược hiện nay cũng mất cân đối nghiêm trọng. Tại tuyến huyện dược sỹ rất ít, thậm chí nhiều huyện không có dược sỹ đại học…

Về chất lượng đội ngũ cán bộ này cũng không đồng đều, kiến thức ít được bổ sung, cập nhật mới. Trưởng khoa Dược tại các bệnh viện lớn thường chỉ là dược sỹ chuyên khoa. Ở các doanh nghiệp và cán bộ quản lý hiện nay cũng rất ít người được đào tạo đại học hoặc có học vị sau đại học để phát triển và áp dụng các kiến thức quản lý mới, các kỹ thuật và các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, tuy tuổi bình quân của dược sỹ đã được trẻ hoá trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao, nhiều địa phương hiện còn thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ dược sỹ kế cận.

Cũng theo số liệu của Cục Quản lý Dược, dược sỹ được đào tạo hiện nay công tác trong lĩnh vực cung ứng và hướng dẫn sử dụng thuốc, sản xuất thuốc, kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm chiếm trên 78%, còn làm việc trong lĩnh vực quản lý Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 21%.

Nước ta có lịch sử gần 100 năm đào tạo cán bộ ngành dược nhưng đến nay mới có có 7 cơ sở đào tạo dược sỹ đại học. Ngoài Đại học Dược Hà Nội và khoa Dược của Đại học Y-Dược Tp.HCM thì gần đây mới có thêm các cơ sở đào tạo dược của các trường Đại học Y-Dược Huế, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y-Dược Cần Thơ, Học viện Quân Y, Đại học Y Thái Bình.

Theo ước tính của Đại học Dược Hà Nội, nếu vào năm 2020, dân số nước ta là khoảng 100 triệu người, tỷ lệ dược sỹ dự kiến là 3 dược sỹ/10.000 dân (bằng một nửa Philippines năm 2002) thì số lượng sinh viên cần tuyển trong giai đoạn 2009 - 2020 sẽ khoảng 22.000 người. Riêng giai đoạn 2009 -  2015 số lượng cần tuyển phải lên tới 14.000 sinh viên.