10:07 01/02/2008

“Thịnh vượng kiểu Mỹ”

Kiều Oanh

10 năm qua là giai đoạn cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất từ trước đến nay tại Mỹ

Người Mỹ đã "vung tay quá trán" trong một thời gian dài.
Người Mỹ đã "vung tay quá trán" trong một thời gian dài.
Để đưa nước Mỹ thoát khỏi bờ vực suy thoái, trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp.

Trong vòng 9 ngày qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hai lần liên tiếp cắt giảm lãi suất USD. Quốc hội Mỹ đã chính thức phê chuẩn một kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, những vấn đề nằm sâu bên trong nền kinh tế Mỹ không thể một sớm một chiều được giải quyết nhờ “cây đũa thần” của FED. Nhiều người tin rằng, sự thật về thời kỳ thịnh vượng hậu “bong bóng” công nghệ và kết quả của hoạt động tín dụng bừa bãi ở Mỹ bây giờ mới bắt đầu “lộ chân tướng”. Có thể nói, sự hưng thịnh của nước Mỹ thời gian qua có được là nhờ sự phát triển thái quá của thị trường địa ốc, tiêu dùng, lợi nhuận doanh nghiệp, và năng suất lao động.

Trước khi lâm vào trạng thái đóng băng như hiện nay, giá cả trên thị trường nhà đất ở Mỹ đã bị “đội” lên tới mức cao phi lý vì hầu như ai cũng dễ dàng vay được những khoản tiền lớn không tương xứng với tài sản cầm cố của họ và đổ xô đi đầu cơ địa ốc. Kết cục là giá nhà đất sau đó đã “tụt dốc không phanh”, khi người bán quá nhiều còn người mua chẳng có bao nhiêu.

Nhưng sự “thâm hụt” của kinh tế Mỹ có khả năng sẽ vượt xa và lan rộng hơn cả thị trường địa ốc. Chi tiêu của các hộ gia đình, nợ tiêu dùng, lợi nhuận của khu vực tài chính, và thậm chí cả năng suất của các doanh nghiệp tất cả hiện đều ở cao hơn rất nhiều so với mức bền vững. Đây quả thực là thông tin xấu đối với các nhà đầu tư và nền kinh tế thế giới, vốn phụ thuộc mạnh mẽ vào tiêu dùng của nước Mỹ để tăng trưởng.

“Bóc ngắn cắn dài”

Có một quy tắc đơn giản dành cho mỗi cá nhân, đó là “đừng tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được”. Trong một thời kỳ dài, dân Mỹ đã tuân thủ quy tắc này. Trở lại thập niên 1960, tăng trưởng tiêu cá nhân cơ bản phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP. Có đôi lúc, tăng trưởng tiêu dùng vượt quá hoặc chậm hơn với tăng trưởng kinh tế nhưng thời gian như vậy không kéo quá dài.

Tuy nhiên, đến thập niên 1990, xu thế này đã thay đổi. Tính đến quý 3 năm ngoái, tăng trưởng tiêu dùng 10 năm là 3,6%, so với mức tăng GDP 2,9%. Đây là một sự cách biệt lớn. Nếu tăng trưởng tiêu dùng bằng với tốc độ tăng GDP trong thập kỷ vừa rồi, dân Mỹ hiện nay sẽ chi ít đi 600 tỷ USD mỗi năm so với con số thực tế. Lượng tiền chi tiêu “vung tay quá trán” từ năm 2001 đến nay đã đạt mức khoảng 3.000 tỷ USD.

Vậy dân Mỹ đã tiêu tiền vào đâu? Dĩ nhiên, hai lĩnh vực tốn kém nhất phải kể đến nhà đất và chăm sóc sức khỏe. Nhưng dân Mỹ còn chi mạnh vào nhiều mặt hàng khác như quần áo, nội thất, thiết bị, ôtô và hàng điện tử tiêu dùng - những mặt hàng mà giá đã giảm mạnh và lượng nhập khẩu tăng cao trong những năm qua.

Vấn đề lúc này là dân Mỹ sẽ cần phải “hoàn lại” bao nhiêu trong số tiền 3.000 tỷ USD đó để trở lại với trạng thái cân bằng. Liệu chi tiêu tiêu dùng thực tế của người Mỹ sẽ “chịu” tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng của kinh tế trong vòng nhiều năm tới? Nếu vậy, lĩnh vực bị tác động mạnh nhất sẽ là nhập khẩu, vì nhu cầu đối với thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chắc chắn vẫn sẽ ở mức cao. Còn nếu dân Mỹ vẫn không “cưỡng lại” được dòng hàng giá rẻ nhập khẩu tràn ngập, tiêu dùng có thể sẽ không giảm, mà thậm chí còn tiếp tục tăng mạnh hơn tốc độ tăng của nền kinh tế.

10 năm qua là giai đoạn cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất từ trước đến nay tại M. Trừ tốc độ lạm phát, nợ tiêu dùng, bao gồm cả cho vay cầm cố, tăng bình quân 7,5% mỗi năm từ năm 1997, cao hơn mức 4,2% trong 10 năm trước đó. Lần tăng trưởng tín dụng gần đây nhất là vào thập niên 1960, khi thế hệ dân Mỹ sau chiến tranh bắt đầu mua nhà và xe. Nếu người Mỹ đi vay với tốc độ như thời điểm trước năm 1997 để tiêu dùng, họ sẽ nợ ít đi 3.000 tỷ USD.

Khoản nợ "quá liều" này là một trở ngại đáng sợ đối với các ngân hàng Mỹ còn muốn cho người tiêu dùng vay thêm. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, tăng trưởng tín dụng tại Mỹ sẽ không còn mãnh liệt và là một trong những đầu tàu của nền kinh tế này như trong thời gian qua.

Lợi nhuận của khu vực tài chính

Những năm gần đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp ở Mỹ tăng bùng nổ. Thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy, trong thập kỷ vừa qua, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ hàng năm bình quân chiếm 8% GDP, tăng so với mức 6,5% vào đầu thập niên 1990. Mức lợi nhuận cao này đã thúc đẩy giá cổ phiếu tăng “vù vù”.

Nhưng ở đây có một sự thật đang buồn là, sự tăng trưởng lợi nhuận chỉ đến từ một lĩnh vực chủ yếu là dịch vụ tài chính. Các tập đoàn tài chính đã hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ của họat động tiêu dùng, sự phổ biến của các công cụ tài chính mới và mức lãi suất tương đối thấp.

Ngược lại, lợi nhuận của lĩnh vực phi tài chính trong thập kỷ vừa qua chỉ vào khoảng 5,3% GDP, gần xấp xỉ so với mức từ thập niên 1980. Sau nhiều năm ròng các doanh nghiệp Mỹ thực hiện tái cơ cấu, hầu như vẫn chẳng có dấu hiệu nào cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng tốc.

Vấn đề lúc này là bao nhiêu phần tăng thêm của lợi nhuận trong lĩnh vực tài chính là bền vững và bao nhiêu sẽ “bốc hơi” một khi “bữa tiệc” tín dụng chấm dứt.

Năng suất “ảo”?

Năng suất là dấu hiệu rõ ràng nhất về sức khỏe kinh tế Mỹ. Năng suất tăng càng nhanh, nền kinh tế tăng càng nhanh mà không có lạm phát, và mức sống của người dân càng cao.

Trong 10 năm qua, năng suất tại các doanh nghiệp Mỹ tăng 2,6%/năm, so với mức 1,6%/năm trong thập kỷ trước đó. Điều này có nghĩa là, nếu tốc độ tăng năng suất giữ nguyên, sản lượng hàng năm của nền kinh tế Mỹ sẽ ít đi khoảng 1.000 tỷ USD. Nhưng mặc dù “làm ra” như vậy, nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn mắc nợ “quá liều” 3.000 tỷ USD như đã nói ở trên. Điều này cũng giống như một người được tăng lương một đồng, nhưng lại tiêu thêm 2 thậm chí là 3 đồng để mua một chiếc xe hơi mới.

Nhưng một phần trong phần năng suất tăng thêm nói trên có thể chỉ là “viễn tưởng”. Nếu trên thực tế, kinh tế Mỹ đã bị “thổi phồng” bằng cho vay quá mức, nhìn bề ngoài có vẻ như sản lượng tăng và kết quả là năng suất tăng. Một khi hoạt động tín dụng giảm sút xuống mức bình quân lịch sử, tăng trưởng năng suất thực có thể sẽ rơi xuống mức thấp hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ.

Hậu quả của vấn đề sẽ không rõ ngay trong một sớm một chiều. Nhưng nếu tăng trưởng năng suất chậm lại, “tốc độ tối đa” của nền kinh tế - tức tốc độ tăng trưởng tối đa mà không làm tăng lạm phát – sẽ thấp xuống. Và một nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn, có năng suất thấp hơn sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Tác động đến kinh tế toàn cầu

Giới đầu tư chứng khoán tại Mỹ và các nước khác có lẽ đã tính đến khả năng suy thoái nhẹ của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, lý do tại sao khiến thị trường chứng khoán Mỹ còn chưa giảm sâu hơn, ngoài việc FED cắt giảm lãi suất, là niềm tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, hỗ trợ cho những công ty đa quốc gia như GE.

Nhưng không ai biết liệu tiêu dùng của dân Mỹ tăng chậm lại có phải sẽ là một rào cản đối với nền kinh tế thế giới. Chưa rõ là liệu người Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu vào những mặt hàng nhập khẩu như TV LCD hay cà phê Starbucks. Một vấn đề nữa là phạm vi ảnh hưởng của tiêu dùng suy giảm nước Mỹ đối với hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp ở các nước khác. Rất nhiều nhà máy đang mọc lên ở Trung Quốc và nhiều nơi khác để phục vụ cho nhu cầu của người Mỹ. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhu cầu của dân Mỹ giảm xuống?

Tóm lại, kinh tế Mỹ có thể đem đến những ngạc nhiên thú vị và cả những điều bất ngờ đáng buồn. Nhiều người đã dự báo trước được sự nổ tung của “bong bóng” công nghệ ở Mỹ vào thập niên 1990, nhưng chẳng mấy ai dự báo được sự bùng nổ của thị trường địa ốc diễn ra ngay sau đó.

Có thể một lực lượng mới sắp nổi lên để thúc đẩy kinh tế Mỹ tiến về phía trước và duy trì tốc độ tăng trưởng tiêu dùng. Nhưng đến lúc này, chưa ai rõ đó sẽ là lực lượng nào.

(Theo BusinessWeek)