09:45 22/08/2008

Thợ giỏi thiếu trầm trọng

Đinh Tịnh - Phong Lan

Tính bình quân, mỗi thợ thủ công Việt Nam chỉ làm ra khoảng 150 USD/năm cho xuất khẩu

Các làng nghề ở Việt Nam đang thiếu nặng thợ giỏi.
Các làng nghề ở Việt Nam đang thiếu nặng thợ giỏi.
Làng nghề là mô hình chủ yếu của công nghiệp nông thôn. Sự phát triển các ngành nghề sẽ tạo ra bước chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Để tạo được bước chuyển dịch này, công tác đào tạo thợ thủ công đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Việt Nam hiện có khoảng 1.450 làng nghề, phân bố rải rác ở 64 tỉnh, thành phố. Trong 10 năm qua, các làng nghề có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình khoảng 8%/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh trong khu vực, các mặt hàng thủ công của Việt Nam còn nhiều hạn chế, do chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc đào tạo thợ giỏi.

Đào tạo còn tùy tiện

Theo các chuyên gia, hiện công tác đào tạo thợ thủ công còn tùy tiện. Các trường dạy nghề thủ công phân tán theo nhiều cơ quan chủ quản, không có hệ thống, không hướng về hỗ trợ làng nghề. Tình trạng chung là thiếu trầm trọng thợ lành nghề, người thiết kế mẫu hàng, giáo viên dạy nghề có chuyên môn thực sự và các thợ phục chế...

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta hiện có 1,3 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và khoảng 3 triệu thợ bán chuyên nghiệp. Thế nhưng, bình quân mỗi thợ thủ công chỉ làm ra khoảng 150 USD/năm cho xuất khẩu.

Đó là con số quá thấp, không tương xứng với tiềm năng thực tế của các nghề thủ công, mà nguyên nhân là các mặt hàng thủ công quá rẻ, chưa đạt chất lượng cao. Vì thế, nếu công tác đào tạo làm tốt hơn, có tay nghề điêu luyện, có sức sáng tạo, chỉ cần số lượng sản phẩm như vậy, chắc chắn mức thu nhập sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

Hiện chúng ta có 3 hình thức đào tạo thợ thủ công: truyền nghề trong các làng nghề (97%), dạy nghề trong doanh nghiệp và đào tạo trong các trường dạy nghề (3%). Việc truyền nghề tại các làng nghề thủ công là chủ yếu, đối với hình thức đào tạo hiện nay.

Chính những nghệ nhân, thợ giỏi, đạt các giải thưởng thủ công đều được đào tạo tại những làng nghề. Xét về hiệu quả, hầu hết những thợ thủ công đào tạo bằng hình thức truyền nghề đều thực sự “làm nghề”, “sống” bằng nghề theo dạng “cha truyền, con nối”. Thế nhưng, đáng tiếc, hình thức này lại chưa được sự quan tâm của nhà nước.

Trường dạy nghề chưa thu hút người học

Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng trường dạy nghề, nhưng số học sinh đăng ký học lại rất ít, trong khi đó, tại nhiều làng nghề, vùng nghề, hàng năm có vài trăm thanh niên muốn học nghề, lại không có trường. Bởi lẽ, họ không đủ trình độ văn hóa dự thi tuyển sinh; họ phải tự nuôi thân, nuôi vợ con và không đủ điều kiện kinh tế để đi học trong các trường dạy nghề.

Hiện tại, ngoài Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, được coi là trung tâm đào tạo nghề truyền thống lớn nhất nước; Hà Nội đã có thêm trường Thủ công mỹ nghệ, nhưng mỗi khóa chỉ có 10 học sinh khoa gốm; Hà Nam có trường Công nhân kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi khóa đào tạo khoảng 500 thợ cho nhiều nghề.

Ngoài ra, khó tìm được những trường dạy nghề truyền thống, trong khi cả nước hiện cần khoảng 200 cơ sở đào tạo nghề thủ công. Điều này cho thấy việc bất hợp lý trong quy hoạch và phát triển các trường đào tạo thợ thủ công.

Theo họa sĩ Vũ Huy Thiều, chuyên gia thủ công mỹ nghệ, tình trạng không có trường đào tạo, thiếu thợ giỏi tại rất nhiều làng nghề trong cả nước như: Bát Tràng (Hà Nội), Đồng Kỵ, Đa Hội (Bắc Ninh), Vạn Phúc (Hà Tây). Đây chính là nguyên nhân khiến giá trị hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam rất thấp.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng vấn đề then chốt là phải quan tâm đào tạo thợ giỏi tại các làng nghề. Trong đó, cần kết hợp đào tạo truyền nghề với đào tạo kiến thức cơ bản, lấy đào tạo theo “truyền nghề” là chính, đồng thời thực hiện các hình thức đào tạo bổ sung.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống trường đào tạo thợ thủ công từ Trung ương đến địa phương, có chính sách phù hợp cho giáo viên của trường được mời tới giúp đào tạo nghề tại các làng nghề và các doanh nghiệp. Nên có chính sách khuyến khích đầu tư cho các khóa vừa học vừa làm, các chương trình đào tạo ngắn hạn.

Đối với những làng nghề, vùng nghề lớn, có số lao động đông, nhu cầu đào tạo hàng năm lớn, Nhà nước nên đầu tư xây dựng trường hay trung tâm dạy nghề riêng, để mặt hàng thủ công mỹ nghệ có đủ thế và lực vươn ra thị trường nước ngoài.