14:10 09/04/2007

Thoái thuế để hút khách

Linh Linh

Nhiều người đã ví việc khách du lịch quốc tế mua hàng hoá tại nước bản địa là một hình thức “xuất khẩu tại chỗ” hiệu quả

Ở nhiều quốc gia để thu hút khách du lịch, việc thoái thuế giá trị gia tăng đã được điều chỉnh từ lâu.
Ở nhiều quốc gia để thu hút khách du lịch, việc thoái thuế giá trị gia tăng đã được điều chỉnh từ lâu.
Một trong những điều khiến khách quốc tế đến Việt Nam ít nhiều bị "ức chế" là việc cứ mỗi khi họ mua và mang hàng về nước đều bị tính thuế giá trị gia tăng theo mức 10%, giống như người Việt xuất hàng sang nước khác.

Vvấn đề này, mới đây Tổng cục Du lịch đã tổ chức cuộc hội thảo “Chính sách khuyến khích xuất khẩu tại chỗ qua du lịch”, với hy vọng sẽ tìm được lời giải.

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Du lịch), thuế suất thuế giá trị gia tăng của Việt Nam hiện có 3 mức: 0%; 5%; 10%. Trong khi đó, Thái Lan có hàng hoá, dịch vụ đa dạng và giá rẻ nhất nhưng thuế suất giá trị gia tăng của họ chỉ là 7%. Ở Việt Nam, thuế giá trị gia tăng trong du lịch hầu hết là 10%, trừ dịch vụ vận tải là 5%.

Nhiều người đã ví việc khách du lịch quốc tế mua hàng hoá tại nước bản địa là một hình thức “xuất khẩu tại chỗ” hiệu quả. Điều tra của Tổng cục Du lịch cho thấy, số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế tại Việt Nam là 9,5 ngày/khách và mức chi tiêu 72,5 USD khách/ngày. Như vậy, theo ước tính, doanh thu từ khách du lịch quốc tế năm 2006 là 2,850 tỷ USD. Đây là khoản ngoại tệ không nhỏ - trong đó có sự đóng góp lớn của “xuất khẩu tại chỗ”.

Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn gần đây cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng trưởng với tốc độ cao nhất so với các ngành dịch vụ khác. Hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ du lịch vẫn đang giữ ở mức cao, sau ngành giao thông, tài chính, bảo hiểm và bưu chính viễn thông.

Tuy nhiên, sau một quá trình rà soát, Vụ Kế hoạch tài chính nhận thấy, trong nhiều văn bản luật hiện hành chưa có một điều nào liên quan đến xuất khẩu tại chỗ của du lịch. Lĩnh vực thuế giá trị gia tăng vẫn còn một số điểm hạn chế khiến sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với một số nước trong khu vực.

Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, giống như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thu đặc biệt cũng góp phần làm tăng giá cả hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế, làm giảm mức chi tiêu của khách du lịch quốc tế. Vì thế, cần ban hành thuế suất tiêu thụ đặc biệt ở mức hợp lý, tránh áp dụng thuế quá cao như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thịnh Lâm, Vụ phó Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Thương mại), “cần phải sửa đổi chế độ mức thuế giá trị gia tăng để khách du lịch được hưởng ưu đãi như một nhà xuất khẩu. Như vậy sẽ đảm bảo sự bình đẳng trong chính sách thuế và khuyến khích khách du lịch mua sắm hàng hoá tại Việt Nam nhiều hơn. Hơn nữa, khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì việc sửa đổi này càng trở lên bức thiết đ phù hợp với thông lệ quốc tế”.

“Điều này chúng ta có thể làm được. Đáng lẽ phải làm từ lâu rồi, nhưng dẫu sao muộn còn hơn không”, ông Lâm nói.