02:00 13/06/2011

“Thời điểm cần thúc đẩy cổ phần hóa”

Anh Minh

Trong giai đoạn tới, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối đối với một số ít doanh nghiệp

Trong giai đoạn tới, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối đối với một số ít doanh nghiệp.
Trong giai đoạn tới, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối đối với một số ít doanh nghiệp.
Trong bản báo cáo do Thứ trưởng Cao Viết Sinh trình bày tại hội nghị giữa kỳ Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tổ chức tại Hà Tĩnh tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cho rằng đây là thời điểm cần thúc đẩy cổ phần hóa để cải thiện hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước.

Chưa hài lòng

Báo cáo cho hay trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay, quá trình đổi mới, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đã làm giảm đáng kể số lượng doanh nghiệp nhà nước.

Từ hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vào đầu những năm 90, đã giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp vào năm 2001, và đến cuối năm 2010 chỉ còn 1.207 doanh nghiệp.

Trong các hình thức sắp xếp, chiếm tỷ trọng lớn vẫn là cổ phần hóa, chiếm hơn 55% trong tổng số doanh nghiệp thực hiện sắp xếp giai đoạn 2001-2010. Nhìn chung, quá trình cổ phần hóa đã tạo điều kiện giúp cho các doanh nghiệp đổi mới quản trị, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, nâng cao tính tự chủ và hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn sang mô hình công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005.

Bên cạnh các hình thức sắp xếp nêu trên, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ cũng thí điểm sắp xếp, tổ chức lại một số tổng công ty mạnh, trên cơ sở đó, hình thành 11 tập đoàn kinh tế nhà nước trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như điện, dầu khí, than-khoáng sản, bưu chính viễn thông, xây dựng và bất động sản…

Tuy có nhiều đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, nhưng ông Sinh cho rằng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa phát huy được lợi thế của doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ.

Một số tập đoàn, tổng công ty đã huy động quá nhiều vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh sang cả những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, ít liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của mình như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... đã dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Một số tập đoàn, tổng công ty do mở rộng quá nhanh mạng lưới các công ty con trong điều kiện chưa hình thành được các bộ quy chế quản lý, điều chỉnh mối quan hệ giữa công ty mẹ và các công ty con trong từng lĩnh vực dẫn đến lúng túng trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát công ty con trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu, nhất là trong giai đoạn từ 2007 đến nay, nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa thường có quy mô lớn hơn nên việc xử lý tài chính, đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.

Đồng thời, thị trường tài chính và chứng khoán trong nước và thế giới thời gian qua có nhiều biến động, gây khó khăn cho việc phát hành cổ phiếu ra ngoài doanh nghiệp, khiến nhiều cuộc đấu giá cổ phiếu không thành công.

Cổ phần hóa là chính

Căn cứ vào Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thì trong giai đoạn tới, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối đối với một số ít doanh nghiệp.

Hiện nay, theo ông Sinh, các bộ ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang tập trung xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý trong giai đoạn 2011-2015 theo tinh thần quyết định trên.

Về cơ bản, trong thời gian tới, sẽ vẫn tập trung vào hình thức cổ phần hóa, coi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là giải pháp then chốt trong quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối, cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn, sẽ tiến hành rà soát lại ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty để có những điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ chính được giao và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Một bản đề án tổng thể về tổ chức, sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước cũng sẽ được xây dựng, để hình thành những tổ hợp công ty nhà nước mạnh, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành trong khu vực.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Luật Doanh nghiệp 2005, theo đó tạo sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Hiện tại, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm khắc phục những khó khăn trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy nhanh quá trình này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước về mặt hành chính và quản lý doanh nghiệp của đại diện chủ sở hữu; nghiên cứu, đề xuất cơ chế hoạt động của kiểm soát viên tại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; sửa đổi Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11/3/2005 về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; xây dựng nghị định về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần; nghiên cứu, sửa đổi nghị định về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; nghiên cứu cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.