20:05 23/02/2011

Thống đốc: “Doanh nghiệp bắt đầu bán ngoại tệ ra thị trường”

Nguyễn Hoài

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói về hiệu quả bước đầu của việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD

Bối cảnh đợt điều chỉnh tỷ giá lần này diễn ra trong thời điểm rất nhạy cảm - Ảnh: SGTT.
Bối cảnh đợt điều chỉnh tỷ giá lần này diễn ra trong thời điểm rất nhạy cảm - Ảnh: SGTT.
Mấy ngày qua, diễn biến kinh tế vĩ mô, trong đó có thị trường tiền tệ diễn biến khá phức tạp, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách tỷ giá.

"Mặc dù còn phải tiếp tục theo dõi thêm, nhưng tôi cho rằng, sự quay đầu giảm giá của USD và vàng trong mấy ngày qua cho thấy, chính sách điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước đã đúng hướng, còn những diễn biến phức tạp của mấy ngày trước đó là phản ứng tự nhiên của thị trường", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói trong cuộc trao đổi chiều 23/2, xung quanh vấn đề này.

Dự trữ ngoại tệ không bị tổn thương

Thưa Thống đốc, sau lần điều chỉnh tỷ giá hôm 11/2, giá USD thị trường tự do vẫn tăng vượt giá trần của Ngân hàng Nhà nước công bố và chỉ giảm mạnh vào hai ngày qua, ông đánh giá gì về tình trạng này?

Bối cảnh đợt điều chỉnh tỷ giá lần này diễn ra trong thời điểm rất nhạy cảm. Thứ nhất, chúng ta biết trước một số vấn đề sẽ tác động bất lợi đến kết quả điều chỉnh tỷ giá.

Một là, điều hành giá cả, trong đó có giá xăng dầu theo thị trường đã được nói rất rõ trong Nghị định 84. Hai là, tăng giá bán điện bình quân năm 2011 lên 15,28% so với năm 2010. Ba là, yếu tố tâm lý kỳ vọng tăng giá hàng hóa của thị trường. Bốn là, khi điều chỉnh tỷ giá, bao giờ cũng xuất hiện tâm lý đầu cơ và thổi giá.

Thứ hai, có những vấn đề từ khách quan đưa đến rất khó dự đoán, chẳng hạn, giá dầu thế giới tăng mạnh lên 90 USD/thùng sau thời gian dài nằm dưới mốc này, giá vàng từ 1.350 - 1.360 USD/oz tăng nhanh và lập mốc 1.410 USD/oz vào ngày 22/2/2011.

Những bất lợi nói trên đã làm cho thị trường diễn biến thị trường khá phức tạp, giá USD thị trường tăng nhanh và có biểu hiện vượt giá trần do Ngân hàng Nhà nước quy định trong mấy ngày.

Mặc dù còn phải tiếp tục theo dõi thêm nhưng tôi cho rằng, sự quay đầu giảm giá của USD và vàng trong mấy ngày qua cho thấy, chính sách điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước đã đúng hướng, còn những diễn biến phức tạp của mấy ngày trước đó là phản ứng tự nhiên của thị trường.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp gọi điện cho tôi nói rằng, họ bắt đầu bán ngoại tệ ra thị trường.

Một vấn đề khác vô cùng quan trọng là khác với các lần điều chỉnh trước, Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ can thiệp, thì lần này, quỹ dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước không bị tổn thương, vì không phải bán ra.

Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm câu chuyện phát ngôn của những người có trách nhiệm để ổn định niềm tin cho thị trường.

Có dư luận rằng đợt “sốt  USD” vừa qua còn do các ngân hàng găm giữ dù trạng thái ngoại tệ của họ “dương” quá 30%, tại sao Ngân hàng Nhà nước không chỉ đạo họ bán ra?

Nói thế cũng chưa hoàn toàn chính xác vì ai găm, ai “dương” 30% mà vẫn găm thì phải nêu từng trường hợp cụ thể. Thực tế, họ có những nguồn mua vào nhưng đã cam kết sau 3 - 5 ngày tới phải phục vụ khách hàng thì họ phải để lại chứ.

Vì thế, khi chưa xem xét thận trọng thì đừng vội vàng đánh giá.  

Tại sao quy mô ngoại tệ của thị trường tự do theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là không lớn, nhưng vẫn “gây nhiễu” chính sách điều hành?

Muốn giải quyết vấn đề này phải đi từ hai vấn đề. Thứ nhất, hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải “thượng tôn pháp luật”, sẵn sàng rút giấy phép hoặc xử phạt nặng những cơ sở kinh doanh ngoại tệ hoạt động trái với quy định hiện hành.

Thứ hai, thông qua luật pháp, hệ thống quản lý thuế, yêu cầu các đối tượng kinh doanh ngoại tệ phải khai báo chi tiết doanh số kinh doanh và bắt buộc họ đóng thuế đầy đủ.

Ngoài ra, những cơ sở buôn bán, kinh doanh ngoại tệ  trái phép, chui lủi thì chính quyền phải xử lý mạnh tay.

Ngày 24/2, tôi có cuộc họp với lãnh đạo các địa phương và sẽ nhấn mạnh vấn đề này. Tôi sẽ đề nghị lãnh đạo tỉnh chủ trì các cuộc họp giao ban và yêu cầu các giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước điều hành hoạt động ngân hàng ở đó đúng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống tín dụng phải đưa vốn đúng địa chỉ thì tất cả các ngân hàng phải tuân thủ.

Cùng đó, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương phải ra tay quyết liệt quản lý buôn bán ngoại tệ theo đúng Pháp lệnh Ngoại hối, nơi nào được phép đổi tiền, nơi nào không… Tôi nghĩ, nếu lãnh đạo các địa phương cùng chung sức với chúng tôi, sẽ góp phần ổn định thị trường tiền tệ.  

Giảm tổng cầu: Một công đôi việc

Thống đốc có đề cập đến vấn  đề “giảm tổng cầu” để ổn định thị  trường tiền tệ, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Giảm tổng cầu là biện pháp rất quan trọng và có  tác dụng tốt để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện nay.

Thứ nhất, khi giảm tổng cầu, buộc phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Theo đó, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 20% trong năm nay so với kế hoạch khoảng 23%. Cùng đó, Bộ Tài chính công bố chỉ tiêu bội chi ngân sách không quá 5% GDP, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên khoảng 10%, sắp xếp lại danh mục đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.

Những yếu tố này sẽ khiến cho các nhà nhập khẩu sẽ cân nhắc quyết định của mình để tránh tổn thất, nhờ đó, nhập khẩu giảm và nhập siêu giảm theol; đồng thời, áp lực lạm phát cũng giảm theo.

Nếu giảm 3% mức tăng trưởng tín dụng thì lượng tiền đưa ra nền kinh tế  giảm được bao nhiêu, thưa Thống đốc?

Xét riêng trong hệ thống ngân hàng, nếu tăng trưởng tín dụng thêm 3%, đồng nghĩa tăng thêm 70 nghìn tỷ đồng, nếu tăng thêm 4% sẽ tăng 92 nghìn tỷ đồng; ngược lại, nếu giảm chừng đó tỷ lệ, sẽ giảm đi một lượng tiền tương đương. Ngoài ra, nếu chính sách tài khóa cùng “đồng lòng” với tiền tệ thì mức giảm tổng cộng có thể tới khoảng 120 nghìn tỷ đồng.  

Khi đó, “miếng bánh” tín dụng sẽ bị nhỏ lại, và lĩnh vực nào cần được ưu tiên, lĩnh vực nào phải hạn chế?

Tất nhiên là phải đưa tín dụng đi đúng mục tiêu, tập trung cho sản xuất, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, chế biến…

Đối với tín dụng của khu vực bất động sản phải rà soát, xem xét kỹ. Về bản chất, bản động sản cũng là một thị trường quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhà cửa, công trình xây dựng, đất ở phục vụ đúng nhu cầu ở của người dân thì quá tốt vì người muốn có nhà ở được giải quyết nhu cầu, đồng vốn tín dụng được quay vòng và sinh lời.

Ngược lại, nếu phần lớn thị trường bất động sản nằm trong giới đầu cơ sẽ vô cùng tác hại. Một lượng lớn tín dụng bị “tĩnh” chứ không “động”. Cứ nhìn vào những biệt thự triệu USD bỏ hoang là thấy ngay.

Chưa kể, khi thị trường bất động sản phát triển quá nóng và không đi vào nhu cầu thực còn gián tiếp tác động xấu đến tỷ giá, bởi xây nhiều nhà thì phải nhập khẩu nhiều sắt thép, vật liệu xây dựng, đồ nội thất, thậm chí, đến viên gạch lát nhà cũng phải nhập.

Hay, trong nước đã sản xuất được ôtô nhưng vẫn muốn ôtô nhập khẩu vì thói xài sang. Nhập siêu một phần là từ đó cả.

Tất nhiên, bây giờ đã hội nhập, không phải cứ muốn  “ngăn sông cấm chợ” là được, họ kiện ngay. Vì thế, tôi rất tán thành phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” mà những thứ này thì phải đi từ lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc từ mỗi người dân.

Còn  đối với hoạt động của các ngân hàng, họ cũng phải hiểu giải ngân vào đâu thì ích nước, lợi nhà và lợi cho mình, tránh được rủi ro, chứ đừng nên đợi đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải ra tay soát xét từng khoản vay.

Khi giảm mức tăng trưởng tín dụng, sẽ rất khó giảm lãi suất như mong muốn của Chính phủ, ông nghĩ sao?

Muốn thấu đáo vấn đề này thì phải hiểu rằng, hiện tổng dư nợ toàn bộ hệ thống ngân hàng đã lớn hơn GDP tới 1,2 lần, trong khi ở các nước, tỷ lệ này chỉ 0,6 lần GDP. So với sức hấp thụ của nền kinh tế thì đó là con số quá lớn.

Đành rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển thì tín dụng phải cao nhưng không thể cao đến mức như trên.