11:58 31/01/2014

Thống đốc: “Ngân hàng đến đâu, phải tạo đổi thay đến đó”

Minh Đức

Cho rằng có bất công với địa phương, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kêu gọi các ngân hàng phải tạo được đổi thay nơi mình đến

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Các chi nhánh ngân hàng hoạt động ở địa phương, kinh doanh ở địa 
phương, thu lợi nhuận ở địa phương, nhưng rồi lại nộp về hội sở chính. 
Các ông Hà Nội và Tp.HCM vẫn thu ngân sách đều đều, trong khi các địa 
phương lại không có thu từ các chi nhánh ngân hàng. Cái đó là bất công, 
tôi thừa nhận đó là bất công” - Ảnh: Quang Phúc.<br>
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Các chi nhánh ngân hàng hoạt động ở địa phương, kinh doanh ở địa phương, thu lợi nhuận ở địa phương, nhưng rồi lại nộp về hội sở chính. Các ông Hà Nội và Tp.HCM vẫn thu ngân sách đều đều, trong khi các địa phương lại không có thu từ các chi nhánh ngân hàng. Cái đó là bất công, tôi thừa nhận đó là bất công” - Ảnh: Quang Phúc.<br>
Những ngày cận Tết Giáp Ngọ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dẫn đầu đoàn công tác ngành đến Tây Bắc. Nội dung chính của chuyến đi là an sinh xã hội.

Hơn 1.500 km trong 4 ngày, chủ yếu đường đèo men theo triền núi và bờ vực. Tinh sớm đã lên đường, đến là làm việc, tối muộn mới nghỉ ngơi.

Trẻ khỏe như cậu quay phim của VTV, nhưng vượt qua chặng đường lổn nhổn Lai Châu đến Điện Biên cũng phải thốt lên: “Cứ kiểu này mình khó trụ được, còn Thống đốc thì vẫn tươi tỉnh như không”.

Thống đốc là khách của chặng đường. Còn hàng ngày, người dân ở đây vẫn phải sống chung với sự lổn nhổn đó trong nhiều khó khăn khác nữa.

“Như không”, có lẽ Thống đốc cũng quen đường dài và gập ghềnh rồi. Trước chuyến đi vài ngày, ông đã làm mấy vòng trong khuôn khổ cuộc họp Ban chỉ đạo Tây Bắc. Mà năm qua, vị lãnh đạo ngành ngân hàng này cũng đã đi khá nhiều.

“Thời gian qua, mặt trận ngân hàng nóng bỏng, công việc lu bù không ngẩng mặt lên được, giờ mới có thời gian để đến thăm”, Thống đốc Bình mở lời khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La, cũng như giải thích cho loạt công tác an sinh xã hội triển khai nửa cuối 2013 đến nay.

Năm qua, đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước đã đi hầu khắp tất cả các tỉnh thành trên cả nước; riêng Thống đốc cũng đã trực tiếp làm việc với hơn 40 địa phương. Dễ thấy, hoạt động này được triển khai dồn dập ngay sau khi một số ý kiến trên diễn đàn Quốc hội năm trước yêu cầu Thống đốc cần “vi hành” nhiều hơn.

Đến đâu, công tác an sinh xã hội làm đến đó. Có những mục đích khác nhau, và hẳn cũng đã và sẽ có những đánh giá khác nhau. Song quan điểm mà ông Bình đưa ra là đáng chú ý.

Cũng tại Sơn La, ông nêu lên một “bất công” và kêu gọi: “Hệ thống ngân hàng nếu chỉ làm tốt chuyên môn thì chưa đủ. Chúng tôi khuyến khích và kêu gọi các ngân hàng thương mại cần làm tốt công tác xã hội. Các chi nhánh ngân hàng hoạt động ở địa phương, kinh doanh ở địa phương, thu lợi nhuận ở địa phương, nhưng rồi lại nộp về hội sở chính. Các ông Hà Nội và Tp.HCM vẫn thu ngân sách đều đều, trong khi các địa phương lại không có thu từ các chi nhánh ngân hàng. Cái đó là bất công, tôi thừa nhận đó là bất công”.

“Cho nên chúng tôi khuyến khích các ngân hàng, thôi thì bằng cách tập trung ở các hoạt động an sinh xã hội, các địa phương còn có lợi, đóng góp cho các địa bàn, chứ không cứ nộp hết về trung ương, về các thành phố lớn…”, ông Bình nói thêm.

Tại Điện Biên, ông nêu yêu cầu: “Tôi cho rằng ngân hàng đi đến đâu thì ít nhất những cơ sở như trường học, ký túc xá, trạm y tế, nhà văn hóa… ngân hàng cũng nên có sự trợ giúp, cho vay tương đối ưu đãi đối với địa phương để xây dựng, tài trợ, đóng góp… để làm sao ngân hàng đi đến đâu thì bộ mặt nông thôn ở đó nó thay đổi chứ. Anh ở chi nhánh huyện ấy mãi, huyện ấy trước thế nào giờ vẫn cứ thế thì sự xuất hiện của chúng ta ở đó ý nghĩa nó sẽ giảm đi”.

Mỗi chuyến công tác của Ngân hàng Nhà nước như vậy đều có các ngân hàng thương mại đi cùng. Ngoài kế hoạch cố định, đến đâu, địa phương có nhu cầu vốn cấp thiết cho công trình an sinh xã hội, trong giới hạn quy mô nhất định, Thống đốc Bình chỉ định luôn thành viên trong hệ thống đứng ra xử lý.

Tính chung năm 2013, năm có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, toàn ngành ngân hàng đã cam kết tài trợ an sinh xã hội cho 63 tỉnh, thành phố với tổng số tiền lên tới gần 1.300 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nhà cho người nghèo, người có công với cách mạng, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai... Con số này chưa kể các hoạt động riêng lẻ của mỗi ngân hàng thương mại.

Dù không nằm trong hệ thống thống kê, nhưng có lẽ con số trên đáng để so sánh cho những năm tới, để ít nhất có thể “đo đếm” khả năng tạo thay đổi của hệ thống ngân hàng tại các địa phương, như yêu cầu mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra.