09:24 26/06/2008

Thông tin chứng khoán theo... “biên độ lệch”!

Minh Đức

Phía sau “làn sóng” báo cáo ngoại ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam thời gian qua là sự lép vế của chiều phản biện

Theo ý kiến của một chuyên gia, sự yếu thế của thông tin phản biện trong nước còn liên quan đến ý thức và cả lợi ích riêng.
Theo ý kiến của một chuyên gia, sự yếu thế của thông tin phản biện trong nước còn liên quan đến ý thức và cả lợi ích riêng.
Phía sau “làn sóng” báo cáo ngoại ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam thời gian qua là sự lép vế của chiều phản biện.

Thông tin nhận định, phân tích tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang theo một “biên độ lệch”, với sự áp đảo của các báo cáo ngoại, trong khi phản ứng của những người trong cuộc, những tổ chức trong nước lại khá mờ nhạt.

Tháng 5 và đầu tháng 6/2008, một số lượng lớn với mật độ dày chưa từng có các báo cáo của các tổ chức nước ngoài về Việt Nam xuất hiện. Trong khoảng thời gian đó có trên dưới 50 bản báo cáo quy mô, phần lớn tập trung vào những bất ổn của nền kinh tế và sự suy giảm của thị trường chứng khoán.

Im lặng có nghĩa là đồng ý?


Những báo cáo này được gắn với những thương hiệu uy tín trên thế giới như HSBC, Merrill Lynch, JP Morgan, Morgan Stanley, Daiwa, Goldman Sachs, Standard Chareted..., đi cùng với những ảnh hưởng nhất định đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư.

Trong “làn sóng” đó xuất hiện khá nhiều những bình luận, dự báo bi quan và không chính xác về thực tế, thậm chí có cả những thông tin thái quá, cường điệu tập trung ở những khó khăn trên thị trường tài chính, hay những biến động của tỷ giá.

Mới đây nhất, báo cáo của nhóm nghiên cứu Tập đoàn HSBC cũng nhận định rằng thời gian qua đã có những nhận định quá mức về khả năng khủng hoảng tại Việt Nam, khi “bóng gió” nói về dáng dấp những nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính như từng xẩy ra tại Thái Lan năm 1997; hoặc câu chuyện tỷ giá với những hợp đồng kỳ hạn tại nước ngoài đã bị cường điệu quá mức, gây bất ổn nhất định đối với tâm lý người dân, như một phần thổi “cơn sốt” giá USD trên thị trường tự do thời gian qua...

Điểm đáng chú ý là trước dồn dập thông tin nhận định, dự báo bi quan và thiếu chính xác, và không loại trừ khả năng có cả những mục đích phía sau đó, sự phản ứng của chính các tổ chức trong nước, những chuyên gia trong nước và bản thân những nhà đầu tư trong cuộc lại khá mờ nhạt.

Trước làn sóng đó, không có một báo cáo, lập luận phản hồi nào thực sự có sức nặng và thể hiện được tầm ảnh hưởng. Vô tình, sự im lặng của những tổ chức, đầu mối đại diện tiếng nói của nhà đầu tư... có thể dẫn tới sự “đồng tình” với hướng thông tin một chiều đó. Tất nhiên, mỗi nhà đầu tư đều có khả năng chọn lọc và nhận định riêng của mình.

Phản ứng rõ nét nhất trước loạt báo cáo nói trên đến thời điểm này lại thuộc về đại diện của những tổ chức nước ngoài, những người ngoài cuộc, không tham gia trực tiếp đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Đó là tiếng nói của đại diện Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội, hay từ Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)...

Chưa có tầm và thiếu minh bạch?

Còn người trong cuộc, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thừa nhận rằng ngay chính Ủy ban cũng như các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán... đã có phản ứng chậm trước dòng thông tin này.

Ngoài Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có một số động thái phản biện thông qua nhận định của một số chuyên gia nước ngoài. Điểm có thể thấy trong sự e dè của hai đầu mối trên là yêu cầu khách quan. Bản thân hai đầu mối đó có đủ thông tin, dữ liệu và các chuyên gia để phản biện, nhưng ngoài phản ứng chậm còn liên quan đến tính khách quan trong các bình luận, nhận định và cả sự thận trọng trong dự báo.

Còn với các tổ chức đầu tư trong nước, có thể tìm đến Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) để có tiếng nói đại diện cho nhà đầu tư. Nhưng không hiểu sao, đầu mối vốn nhiều lần lên tiếng trước bất ổn hoặc những giải pháp của thị trường thời gian qua lại thiếu vắng trong câu chuyện này.

Về phía các công ty chứng khoán, theo một chuyên viên phân tích chính của Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), để có được tiếng nói phản biện thuyết phục và có thể đối trọng với các báo cáo của các tổ chức nước ngoài, có nhiều hạn chế khó vượt qua.

“Trước hết phải thấy rằng uy tín của các tổ chức nước ngoài là rất lớn và theo đó là sức ảnh hưởng tới nhà đầu tư và thị trường. Về khía cạnh này, các tổ chức trong nước khó đối trọng. Thứ hai, vấn đề không phải ở trình độ và năng lực phân tích, nhận định của các tổ chức, cá nhân trong nước, mà là sự minh bạch thông tin, dữ liệu. Ví dụ như gần đây nhất, số liệu dự trữ ngoại hối có ảnh hưởng lớn tới thị trường, là một cơ sở cần cho các phân tích nhưng lại không được công bố ở thời điểm “nóng” trước đó”, chuyên viên này nói.

Còn theo ý kiến của một chuyên gia, sự yếu thế của thông tin phản biện trong nước còn liên quan đến ý thức và cả lợi ích riêng.

Theo ông, “các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và trong giới đầu tư cá nhân không thiếu những chuyên gia giỏi để đưa ra những phản biện thuyết phục. Ở đây không phải là thương hiệu hay uy tín, mà sức nặng tùy thuộc vào chất lượng và giá trị của thông tin phản biện đó, bởi thị trường và nhà đầu tư luôn công bằng. Chỉ tiếc là họ không lên tiếng, có thể vì ý thức hay vì lợi ích riêng nào đó”.