08:51 31/10/2008

Thu - chi ngân sách: Mừng ít, lo nhiều

Minh Thúy

“Báo cáo của Chính phủ về ngân sách, đọc qua thì mừng, đọc kỹ thấy lo”

Nhiều ý kiến thảo luận đều tỏ ra lo ngại trước sự thiếu tính ổn định và bền vững của nguồn thu ngân sách.
Nhiều ý kiến thảo luận đều tỏ ra lo ngại trước sự thiếu tính ổn định và bền vững của nguồn thu ngân sách.
“Báo cáo của Chính phủ về ngân sách, đọc qua thì mừng, đọc kỹ thấy lo”.

Lo lắng  này của đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang), cũng là của nhiều vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình thu - chi ngân sách trong ngày 30/10,  đã được phân tích khá kỹ qua nhiều con số và dẫn chứng cụ thể.

Thu: Thiếu ổn định

Theo dự ước, năm 2008 tổng số thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán 76.000 tỷ đồng, tăng 26,3% so với thực hiện năm 2007. Theo đánh giá của  nhiều đại biểu, trong bối cảnh khủng hoảng của nền kinh tế trên thế giới, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn thì kết quả này là rất có ý nghĩa, góp phần quan trọng đảm bảo sự ổn định của đất nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận đều tỏ ra lo ngại trước sự thiếu tính ổn định và bền vững của nguồn thu ngân sách.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) số vượt thu chủ yếu nhờ tăng giá từ dầu thô và từ nhà đất. Nếu tính cả yếu tố trượt giá do lạm phát thì xem như không tăng thu trong năm 2008.

Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) phân tích: nếu trừ nguồn thu từ thu tiền sử dụng đất khoảng 22 nghìn tỷ theo ước thực hiện năm 2008 thì nguồn thu nội địa từ bản thân nền kinh tế chỉ chiếm 46% là qúa thấp.

Trong khi đó, những nguồn thu bấp bênh lại quá cao, chiếm tới 54% như mua bán dầu thô, bán than, thu tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu, thu vay, thu viện trợ...

Những năm qua các địa phương đã chuyển mục đích sử dụng nhiều diện tích đất đai, nhất là quá nhiều đất lúa để tăng thu ngân sách, gây phức tạp, quá lộn xộn và lãng phí cả trước mắt và lâu dài, ông Dung nhấn mạnh.

Có ý kiến cho rằng thu ngân sách năm 2008 từ  khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ đều thấp hơn cùng kỳ. Công nghiệp và xây dựng chỉ đạt 7% (cùng kỳ là 9,83%),  khu vực dịch vụ chỉ đạt 7,6% so với cùng kỳ là đạt 8,4% . Trong khi đây là khu vực có nhiều tiềm năng .

Còn theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), một số khoản thu lâu nay còn thiếu kiểm soát, như toàn bộ số tiền bán cổ phần của Nhà nước sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý trong quá trình cổ phần hóa. Các khoản cổ tức Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp ước tính tại thời điểm này hàng năm khoảng từ 5000 đến 6000 tỷ đồng.

Đồng thời, khoản lợi nhuận từ liên doanh dầu khí cũng cần phải được đưa vào thu cân đối ngân sách hàng năm, không nên để ghi thu, ghi chi như hiện nay, bà Loan kiến nghị.

Từ một góc nhìn khác, đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) than thở: “Người trốn thuế, nợ thuế cứ nhan nhản ra như thế này, không xấu hổ và cũng không sợ pháp luật thì làm sao mà thu được thuế”.

Chi: Còn lãng phí

Thực hiện dự toán chi ngân sách chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao, tiết kiệm chưa triệt để. Đánh giá này của Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Đại biểu Hoàng Thị Hạnh (Bắc Giang) băn khoăn: năm 2008 đã cắt giảm 20% chi tiêu công nhưng trên thực tế lại tăng 10%, chi quản lý hành chính tăng 13,3% dự toán và tăng 26,6% so với năm 2007. Tình trạng hội nghị còn nhiều, việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả còn thấp.

Còn theo đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắc Nông), 6 tháng đầu năm 2008, hệ thống kho bạc đã phát hiện gần 12.500 khoản chi của 4.600 lượt đơn vị chưa đúng thủ tục, chế độ quy định; gần 2.000 công trình, dự án chưa thực sự cần thiết chưa đủ thủ tục đã lọt qua nhiều vòng thẩm định để được bố trí trong kế hoạch ngân sách.

Đại biểu Trần Bá Thiều nêu: ở nhiều địa phương có nhiều vị một năm đi công tác nước ngoài rất nhiều lần. Trong khi Chính phủ cho phép gọi là cấp thiết lắm, đặc biệt lắm thì nên đi hai lần thôi.

"Tôi cũng thấy các Ủy ban của Quốc hội đi công tác nước ngoài tương đối rộng rãi thì cũng phải xem xét lại. Nếu mà gom lại những việc đó thì tiết kiệm cho ngân sách rất lớn, đồng thời tăng chi", ông Thiều thẳng thắn.

Theo chương trình làm việc, ngày 10/11, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2009. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đặt vấn đề, phương án cũ không dùng được nữa, trong khi chưa có phương án mới, vậy “có nên dành thời gian để thảo luận không, hay cứ biểu quyết thông qua?”.