08:00 23/04/2007

Thủ công mỹ nghệ tìm đường vào Mỹ

Hồng Thoan

Doanh nghiệp rất khó khăn trong việc đáp ứng các đơn hàng có số lượng tương đối lớn và đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh

Một số sản phẩm gốm mỹ nghệ Phù Lãng của Công ty Leonis.
Một số sản phẩm gốm mỹ nghệ Phù Lãng của Công ty Leonis.
Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Thương mại) cho biết, các mặt hàng gốm ngoài vườn và gốm trang trí trong nhà như chậu trồng cây, tượng, hình các con vật, đài phun nước, vỏ đồng hồ... là các mặt hàng thị trường Mỹ có nhu cầu lớn và đang tăng.

Việt Nam đang có khả năng cạnh tranh tốt đối với những mặt hàng trên, song các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác hiện lại đang gặp rất nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường này.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về ngành hàng này ở Mỹ, chừng nào hàng Việt Nam không độc đáo (nhưng vẫn phải phù hợp với thị trường) hoặc rẻ hơn hàng Trung Quốc thì các doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ tiếp tục mua của Trung Quốc mà không để ý đến hàng của Việt Nam.

Cũng như đối với các sản phẩm khác, các đơn hàng nhập khẩu của Mỹ thường là lớn vì đây là thị trường lớn và chi phí kinh doanh rất đắt nên có làm ăn lớn thì mới tồn tại được, trong khi đó các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam thường là công ty TNHH nhỏ, hợp tác xã, và chủ yếu là hộ gia đình. Do vậy, rất khó khăn trong việc đáp ứng các đơn hàng có số lượng tương đối lớn và đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh.

Ngoài ra, sự hợp tác yếu kém vốn dĩ tồn tại giữa các doanh nghiệp cũng là một trở ngại đáng kể đối với việc liên kết sản xuất chia sẻ các đơn hàng xuất khẩu. Hơn nữa, quy mô sản xuất nhỏ và sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên chất lượng hàng hoá rất khó đồng đều.

Thiết kế và mẫu mã tạo ra giá trị lớn cho hàng hoá. Đã từng có một chiếc lọ lộc bình với kích thước vừa phải được đan bằng chất liệu lá do Việt Nam sản xuất theo mẫu của nước ngoài được trưng bày trong một gian hàng nước ngoài tại Hội chợ High Point (Mỹ) với giá 250 USD/chiếc.

Ước tính, tiền vật liệu và công đan chiếc lọ lộc bình này chắc không hơn một chiếc sọt đựng giấy là bao nhiêu, nhưng một chiếc sọt đựng giấy dùng trong văn phòng bằng cùng chất liệu chắc chỉ bán được 5 - 10 USD.

Một ví dụ khác, thay vì cho dùng sắt thép để làm chân bàn ăn mặt kính, nhà sản xuất đã dùng các cây trúc bó lại thành một bộ chân bàn. Tiền nguyên liệu và công làm bộ chân bàn đó ở Việt Nam chắc tối đa cũng chỉ đến 20 - 30 USD, nhưng bộ chân bàn bằng thân cây trúc với mặt kính rộng cho khoảng 8 người ăn đã được bày bán ở một cửa hàng Mỹ với giá trên 500 USD.

Lâu nay, nhiều luồng thông tin cho rằng các doanh nghiệp sản xuất đầu tư rất ít cho việc thiết kế mẫu mã, thế nhưng thực tế cho thấy rằng vấn đề ăn cắp bản quyền rất phổ biến nên các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam không có đủ nguồn lực và không quan tâm đến việc nghiên cứu thị trường và sáng tạo mẫu mã mới phù hợp với từng thị trường mà chủ yếu dựa vào mẫu mã của người mua hoặc mẫu mã truyền thống có sẵn.

Mặt khác, nhiều người sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hay nhấn mạnh đến tính dân tộc hoặc văn hoá của sản phẩm. Nhưng những đặc tính này có giá trị đối với dân tộc hoặc nền văn hoá này, song lại chẳng có ý nghĩa gì đối với một dân tộc hoặc một nền văn hoá khác.

Các nhà sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ nên nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và đặc tính văn hoá của các dân tộc sống ở Mỹ để lồng ghép vào sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này, chứ không thể áp đặt những giá trị văn hoá của mình trên sản phẩm bán cho người Mỹ.

Đâu là hướng thâm nhập thị trường hiệu quả?


Đối với các mặt hàng gốm như đã nói trên, mặc dù đang có khả năng cạnh tranh tốt, song vẫn cần chú ý cải tiến khâu đóng gói và vận tải để giảm chi phí vận tải từ Việt Nam sang Mỹ cũng như trong nội địa Mỹ. Mặt khác, cũng cần phải chú ý cải tiến thêm mẫu mã, nhất là màu sắc cho phù hợp với thị hiếu ở Mỹ.

Đối với các mặt hàng làm từ mây, tre, lá, hàng thêu và quà tặng thì các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc trừ phi tạo ra được các mặt hàng có mẫu mã độc đáo và tinh xảo, và được tiêu thụ qua kênh phân phối riêng.

Một bài học kinh nghiệm là mấy năm gần đây, Thái Lan đã tránh cạnh tranh trực tiếp bằng giá với Trung Quốc trong ngành hàng này bằng cách chuyển sang sản xuất các mặt hàng tinh xảo hơn. Vì vậy đối với Việt Nam, khi đang khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc về hàng thêu máy thì có thể cạnh tranh ở mặt hàng thêu tay chất lượng cao.

Đối với các mặt hàng sơn mài, Trung Quốc không xuất khẩu nhiều các mặt hàng này, vì thế, đây là lĩnh vực Việt Nam có thể thâm nhập, nhưng phải có mẫu mã phù hợp với thị trường.

Nói tóm lại, do Trung Quốc đã và đang thống trị thị trường và do đặc điểm sản xuất của Việt Nam như phân tích ở trên, hướng thâm nhập chủ yếu vào thị trường Mỹ của hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam trong các năm tới là chuyển sang sản xuất các mặt hàng tinh xảo, có mẫu mã độc đáo phù hợp với thị trường, và với số lượng nhỏ để đi vào các thị trường ngách của Mỹ. Tuy các thiết kế truyền thống kiểu châu Á và Trung Quốc vẫn có thể bán được ở thị trường Mỹ, song nhìn chung vẫn không phải là xu hướng tiêu dùng mạnh hiện nay.

Do không có nguồn lực để tự nghiên cứu thị trường và tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị trường nên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm và thiết lập mối quan hệ kinh doanh chiến lược với các đối tác Mỹ có khả năng thiết kế và tiêu thụ sản phẩm và đang cần tìm đối tác sản xuất ở nước ngoài.

Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam đi khảo sát thị trường hoặc tham gia hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng ở Mỹ nên nhắm vào mục đích tìm kiếm các đối tác như vậy.

Mục đích tham gia hội chợ là để giới thiệu khả năng sản xuất hơn là giới thiệu mẫu mã để khách hàng chọn mua và ký hợp đồng. Đồng thời, việc chọn tham gia hội chợ nào và trưng bày những gì doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh cho phù hợp với mục đích tham gia.

Cần vai trò của Cục Xúc tiến thương mại

Nếu Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ tại Mỹ với kinh phí do Nhà nước hỗ trợ thì các doanh nghiệp nên tổ chức thành một gian hàng quốc gia chung, không nên tổ chức những gian hàng riêng của các doanh nghiệp vì hàng của các doanh nghiệp cũng rất giống nhau.

Diện tích trưng bày không cần nhiều, chỉ tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh tại thị trường. Hàng mẫu cũng không cần nhiều và chỉ để nhằm giới thiệu khả năng sản xuất là chính. Sau này, khi hình ảnh hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tạo lập được tại thị trường thì các doanh nghiệp có thể tự tham gia hội chợ với các gian hàng riêng.

Trên cơ sở những chủng loại sản phẩm lựa chọn trưng bày, Cục Xúc tiến thương mại nên phối hợp với các vụ chức năng của Bộ Thương mại để lựa chọn các doanh nghiệp tham gia. Mỗi chủng loại hàng nên chọn một số ít doanh nghiệp tham gia trưng bày và nên ưu tiên các cơ sở sản xuất vì khách hàng Mỹ rất muốn quan hệ trực tiếp với các cơ sở sản xuất.

Các doanh nghiệp lựa chọn hàng mẫu trưng bày trong ngành hàng đã được chỉ định, mỗi đơn vị tham gia trưng bày chỉ gửi từ 2 - 3 mẫu cho mỗi chủng loại hàng. Trên các mẫu này có logo, tên và địa chỉ giao dịch (có cả địa chỉ email) của doanh nghiệp in hoặc dán trên sản phẩm để khách hàng có thể liên hệ.

Có thể phải thiết kế (thậm chí thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế) và sản xuất mẫu mới hoàn toàn cho phù hợp với thị trường. Nếu có thể, Cục nên nghiên cứu khả năng và hình thức để Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc thiết kế và sản xuất mẫu mã mới này.

Trên cơ sở các mẫu trưng bày của các doanh nghiệp cung cấp, Cục Xúc tiến thương mại sẽ chủ trì thiết kế trưng bày toàn bộ gian hàng để tôn thêm vẻ đẹp của sản phẩm. Việc này có thể tiến hành trên cơ sở ảnh và kích thước hàng mẫu do các doanh nghiệp cung cấp mà không cần chờ có mẫu thực. Các mẫu hàng trưng bày của các doanh nghiệp sẽ được tập trung để Cục gửi đi cùng một chuyến hoặc có thể mang theo người của các doanh nghiệp.