10:10 16/06/2011

Thu hút đầu tư công nghệ cao: Từ những đề xuất bị từ chối

Anh Minh

Trong vòng hai tuần, Chính phủ có văn bản không chấp thuận các đề xuất về ưu đãi của hai nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao

Nếu được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao, Nokia sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong vòng 15 năm.
Nếu được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao, Nokia sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong vòng 15 năm.
Trong vòng hai tuần, Chính phủ có văn bản không chấp thuận các đề xuất về ưu đãi của hai nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tuần trước, Chính phủ đã có công văn chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Ninh xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Nokia để thành lập Công ty TNHH Nokia Việt Nam với mục tiêu chính là sản xuất, gia công và lắp ráp điện thoại di động tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh.

Tuy nhiên, thay vì cấp phép cho Nokia theo hình thức một dự án công nghệ cao như đề xuất của tập đoàn này, Chính phủ yêu cầu tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho theo các qui định ưu đãi hiện hành đối với doanh nghiệp chế xuất, khi nào doanh nghiệp đủ điều kiện công nghệ cao thì sẽ đăng ký để cấp ưu đãi theo doanh nghiệp công nghệ cao.

Tuần này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng có văn bản yêu cầu UBND Tp.HCM hướng dẫn tập đoàn First Solar thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai khi triển khai dự án đầu tư sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam theo đúng quy định hiện hành.

Văn bản này được ban hành để phúc đáp đề xuất trước đó của UBND Tp.HCM về việc miễn tiền thuê đất cho dự án này.

Thông điệp ở đây là khá rõ ràng: Chính phủ muốn nhất quán các chính sách ưu đãi đầu tư, thay vì chấp thuận các đề xuất riêng lẻ của các tỉnh thành nhằm thu hút các nhà đầu tư, để không tạo ra những tiền lệ!

Nhiều năm qua, các tỉnh thành đã tìm mọi cách “vận dụng” các chính sách hiện hành để đưa ra ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư. Đối với những dự án đặc biệt cần áp dụng những ưu đãi “vượt khung”, cách làm “an toàn” nhất của các tỉnh thành là trình lên Chính phủ xin chấp thuận như là những trường hợp ngoại lệ.

Trở lại với trường hợp của Nokia, nếu được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư này sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong vòng 15 năm, trong đó 4 năm đầu được miễn thuế (0%) và 9 năm tiếp theo được giảm 50% (còn 5%).

Ngoài ra, nhà đầu tư còn được miễn thuế nhập khẩu cho máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dụng (trên 24 chỗ) nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên vật liệu xây dựng tài sản cố định trong nước chưa sản xuất được…

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp chế xuất, thuế suất thu nhập doanh nghiệp sẽ là 20% trong vòng 15 năm, trong đó có 2 năm đầu được miễn thuế và 4 năm tiếp theo được giảm 50% (còn 10%).

Với các dự án quy mô nhỏ, lợi nhuận ít, các ưu đãi này đôi khi không có nhiều ý nghĩa đối với nhà đầu tư. Nhưng với một dự án có vốn đầu tư lên tới 200 triệu Euro như Nokia, sự khác biệt giữa “doanh nghiệp công nghệ cao” và “doanh nghiệp chế xuất” là rất đáng kể.

Theo nguồn tin của VnEconomy, trước đây một số nhà đầu tư tại Bắc Ninh, dù chỉ đầu tư vào các khu công nghiệp thông thường nhưng cũng đã được tỉnh này chấp thuận cho hưởng ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Cũng cần nhắc lại là hồi đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đã có công văn đồng ý hỗ trợ tiền thuê đất hàng năm cho phần diện tích 17,25 ha mà Nokia thuê lại của Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh cho toàn bộ thời gian hoạt động của nhà máy.

Đây chính là một ưu đãi rất đặc biệt mà nhiều nhà đầu tư khác đã và đang đề xuất, trong đó có First Solar. Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp như First Solar đưa ra đề xuất này; họ có lẽ cũng đã “nhìn trước ngó sau” để tìm các tiền lệ làm căn cứ cho đề xuất của mình.

Vấn đề là ở chỗ ưu đãi ở mức nào là vừa đủ để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời không phải phá rào ưu đãi?

Quyết định là không dễ dàng vì ngoài Việt Nam, các quốc gia khác cũng đang trải thảm đỏ để chào đón các dự án công nghệ cao.

Ông Fred Burke, luật sư thuộc công ty Baker&McKenzie khi bình luận về các dự án của Nokia và First Solar đã nói rằng Việt Nam “đang đứng ở ngã ba đường, khi mà những nhà sản xuất quốc tế đang cần tìm một ngôi nhà mới để thiết lập những nhà xưởng của tương lai và chúng ta có thể nắm lấy cơ hội này hoặc để tuột mất nó”.

Thông điệp mà vị chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam này muốn gửi gắm là muốn thu hút các dự án công nghệ cao thì không có cách nào khác là tiếp tục đưa ra các ưu đãi.

“Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp có sức hấp dẫn nhất sẽ được theo đuổi bởi các chính phủ nước chủ nhà ở bất cứ nơi nào trên thế giới”, ông nói, nhấn mạnh rằng những ưu đãi tài chính hiện nay cho các ngành công nghiệp “công nghệ cao” là quá hẹp để các dự án đầu tư nước ngoài sinh lợi nhiều nhất có thể đến Việt Nam.

“Các nhà đầu tư thường không thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi họ quyết định đầu tư tại nơi nào khác sau khi ngắm nghía Việt Nam”, ông ví von, đại ý có rất nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư, nhất là trong thời điểm thị trường vốn đang “nghiêng ngả” như hiện nay.