10:04 26/08/2011

Thu hút FDI 8 tháng: Giải ngân vượt lên, đăng ký “lẹt đẹt”

Anh Quân

Sau hai tháng vốn FDI thực hiện thụt lùi so với cùng kỳ, đến tháng 8/2011, chỉ tiêu này đột ngột trội hơn năm ngoái

Diễn biến thu hút vốn FDI 8 tháng năm 2011 và 2010 - Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.
Diễn biến thu hút vốn FDI 8 tháng năm 2011 và 2010 - Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.
Sau hai tháng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện thụt lùi so với cùng kỳ, đến tháng 8/2011, ước tính có thêm khoảng 1 tỷ USD đã được các dự án giải ngân, khiến chỉ tiêu này đột ngột trội hơn năm ngoái.

Dữ liệu từ báo cáo nhanh của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho hay, tính theo số liệu báo cáo các địa phương gửi về đến hết ngày 20/8, đã có 7,3 tỷ USD vốn FDI được giải ngân từ đầu năm, tăng 1% so với cùng kỳ.

Như vậy, mức giải ngân 1 tỷ USD trong tháng này là cao hơn so với bình quân khoảng 900 triệu USD/tháng tính đến nay.

Đây có lẽ là dòng vốn duy nhất giữ được “phong độ”. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm nay có thể chỉ bằng khoảng 34-35% GDP, thấp hơn rất nhiều con số trên 42% của năm ngoái.

Tình hình sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI đang rất thuận lợi, nếu nhìn trên các chỉ tiêu về xuất, nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, ước tính kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đến nay đạt khoảng 32,64 tỷ USD, nếu kể cả dầu thô, tăng tới 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ dầu thô thì còn đạt 27,73 tỷ USD và tăng 32%.

Con số tương ứng của nhập khẩu là 30,1 tỷ USD và tăng 31%. Như vậy, ước tính khu vực doanh nghiệp FDI đã xuất siêu khoảng 2,54 tỷ USD trong 8 tháng qua. Nếu không kể dầu thô thì nhập siêu gần 2,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, các con số về thu hút vốn đăng ký còn khá ảm đạm, đặc biệt là vốn đăng ký mới. Chưa có đánh giá về sự dịch chuyển dòng đầu tư Nhật Bản sau thảm họa kép động đất, sóng thần tại đất nước này, nhưng rõ ràng, khủng hoảng tài chính nhiều nơi trên thế giới đã có tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng qua mới có 582 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 7,9 tỷ USD, giảm 34% về số dự án và 30% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng thời gian này, đã có 168 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm trên 1,6 tỷ USD, giảm 47% về số dự án nhưng tăng khoảng 1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào lĩnh vực chế biến chế tạo. Tính đến nay, đã có khoảng 4,6 tỷ USD cả đăng ký mới và tăng vốn vào lĩnh vực này, chiếm tới trên 48% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Tiếp theo vẫn là 2 lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, gas, nước và xây dựng với vốn đăng ký tương ứng trên 2,5 tỷ USD và khoảng 671 triệu USD.

Đáng chú ý là lĩnh vực bất động sản đã 2 tháng nay không thấy có thay đổi trong thống kê về số vốn đăng ký mới và tăng thêm. Cùng với dòng chảy này, nhiều quan điểm cho rằng thị trường bất động sản đang thiếu sức hút với dòng tiền.

Về phía các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ đầu tư với Việt Nam, tính đến tháng này các vị trí dẫn đầu vẫn là Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc với vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là gần 2,9 tỷ USD, gần 2,5 tỷ USD và 851 triệu USD.

Các địa phương thu hút vốn lớn cũng không có sự thay đổi thứ hạng trong tháng này, Hải Dương vẫn dẫn đầu với gần 2,5 tỷ USD vốn đăng ký. Tiếp theo là Tp.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt kéo về 1,65 tỷ USD và gần 780 triệu USD.