Thử phân tích yếu tố tâm lý trong đầu tư chứng khoán Việt Nam
Cơn sốt nuôi chó cảnh dạo nào và cơn sốt đầu tư chứng khoán bây giờ tại Việt Nam có điểm gì chung?
Theo dõi diễn biến sốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam dạo này, tôi chợt nhớ đến phong trào kinh doanh chó cảnh rộ lên thành cơn sốt cao kéo dài hàng năm ở các thành phố lớn của Việt Nam trong những năm đầu thập kỷ trước, để lại một kinh nghiệm cay đắng cho không ít người kinh doanh kém may mắn hoặc chậm chân “tháo chạy”..
Một đặc điểm chung của hai cơn sốt này là đa phần các nhà đầu tư hầu như hoàn toàn mù tịt về thị trường mình đang và sẽ tham gia.
Trong thị trường chó cảnh, người nuôi hay buôn chó chỉ biết rằng người mua cuối cùng là ai đó ở tận bên Trung Quốc (nghe thiên hạ đồn thế!). Người ta chỉ chắc chắn một điều là nếu như mua một con chó cái giống tương đối đẹp để nó phối giống và đẻ con thì sẽ hốt được đến một vài cây vàng cho một con chó con đẹp (sau thì chẳng cần đến chó mẹ đẹp cũng có người đặt tiền mua ngay chó con!).
Rất nhiều gia đình, trong hoàn cảnh khó khăn (hơn thời bây giờ nhiều), đã phải bán tài sản tích cóp hoặc vay mượn để có được vài triệu đồng, một khoản đầu tư không hề nhỏ so với đa phần dân thường lúc đó, đầu tư nuôi chó. Con chó đã chen vào giờ ăn giấc ngủ, đảo lộn mọi thứ trật tự trong cuộc sống thường nhật của nhiều và rất nhiều người.
Và quả thật, phần lớn các gia đình cũng đổi đời nhờ chó khi nó đang ở thời hoàng kim tại Việt Nam, với giá cả mà một người bạn tôi, một nhà ngoại giao nước ngoài đã sống ở nhiều nơi trên thế giới (và cũng nuôi một con chó cảnh), phải thốt lên: “Không hiểu nổi!”.
Nay xem ra tình hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vậy. Nhiều nhà đầu tư nhỏ hầu như chẳng có khái niệm gì về thị trường, về cổ phiếu của công ty mà họ nhắm vào. Nhưng điều mà họ hầu như được thị trường đảm bảo là nếu nắm trong tay một vài cổ phiếu thời thượng (hoặc không cũng chẳng sao) thì cứ nghiễm nhiên thấy tài sản của mình phình to nhanh chóng hàng ngày, có khi đến 5%/ngày, chẳng kinh doanh gì cho bằng cả!
Người ta không ngần ngại tranh nhau mua ngày hôm nay, dù giá có cắt cổ đi chăng nữa, vì biết rằng ngày mai, ngày kia giá sẽ còn lên nữa, không mua nhanh chỉ có lỡ cơ hội. Và thế là nhà nhà, người người đua nhau huy động vốn đổ vào chứng khoán, đẩy giá chứng khoán ở Việt Nam lên nhanh với tốc độ... vô địch thế giới.
Thực ra không phải là thiên hạ không biết rằng giá cả của cái gì đó lên nhanh quá thì là điều bất thường, và trước sau gì cũng sẽ phải giảm mạnh. Giá chứng khoán hay chó cảnh cũng vậy, sau cơn sốt bong bóng là lúc “xì hơi”, bất kể bản thân chúng có hấp dẫn thế nào chăng nữa.
Nhưng lòng tham cố hữu của con người và cơn đầu cơ thiêu thân “liều mình như chẳng có”, bắt nguồn từ sự bất nhất giữa nhận thức và hành động, làm cho người ta tin, và luôn tìm cách/chứng cứ để tin rằng bong bóng giá cả sẽ còn tiếp tục phình to (và tồn tại) một thời gian nữa để họ yên tâm tiếp tục găm giữ, đầu cơ hàng hóa (là cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hoặc chó cảnh trong ví dụ trên) chờ đến lúc thị trường đạt đến đỉnh điểm cao nhất. Thoát ra khỏi thị trường ngay chỉ là những người non gan, dại dột.
Cần nói sâu thêm về sự bất nhất giữa nhận thức và hành động để giúp hiểu sâu thêm về cơn đầu cơ thiêu thân trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, tôi biết hút thuốc là có hại nhưng tôi vẫn tiếp tục hút thuốc. Để biện hộ và thêm dũng khí cho thói quen hút thuốc, tôi không thèm ghé mắt vào xem những nghiên cứu về tác hại của thuốc lá công bố trên các phương tiện đại chúng, hoặc tôi cố tình tin rằng những người vận động chống hút thuốc chỉ là bọn cuồng tín, rách việc!
Trong một thị trường chứng khoán đang lên cơn sốt như Việt Nam, nhiều nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với hai tình huống mâu thuẫn sau:
1. Tôi biết rằng giá cổ phiếu đã quá cao và vượt xa giá trị thực của nó, nhưng:
2. Tôi rất có thể sẽ đánh mất cơ hội kiếm lợi lớn nếu tôi không tiếp tục mua vào, hoặc cầm giữ cổ phiếu vì có quá nhiều nhà đầu tư khác đang tranh nhau mua trên thị trường, hứa hẹn giá cả còn tiếp tục tăng lên nữa.
Vì tôi chỉ là một con người tầm thường, bị chi phối bởi lòng tham cố hữu, tôi không muốn bỏ qua cơ hội kiếm lợi. Để tự thuyết phục và trấn an mình, tôi cố tình phớt lờ những thông tin nào cho thấy thị trường đang quá nóng, cổ phiếu đang bị định giá quá cao, và thay vào đó chỉ tìm kiếm những thông tin để củng cố khả năng xảy ra của tình huống thứ hai.
Vì đa phần mọi người cũng nghĩ như tôi nên kết cục thị trường tiếp tục bốc hỏa. Khi mọi người tự trấn an mình và trấn an nhau bằng liệu pháp tâm lý như vậy thì người ta trở nên gắn bó với cổ phiếu của mình về mặt tình cảm chứ không phải lý trí nữa.
Khi thị trường xì hơi, thái độ này làm cho nhà đầu cơ khó bán cổ phiếu đang găm giữ của mình kịp thời. Việc bán vào thời kỳ này đối với nhà đầu tư cũng có nghĩa là buộc anh ta phải ly khai cái tâm lý tham lam bám rễ sâu trong bản năng của mình, một việc không hề dễ dàng chút nào.
Anh ta sẽ phải đối mặt với hai tình huống mâu thuẫn mới, theo chiều ngược với hai tình huống nói trên, và xu hướng chung là anh ta sẽ hành động như tình huống thứ hai, và cố tình tìm kiếm những thông tin để trấn an mình rằng thị trường sẽ phục hồi và rằng giá cổ phiếu của mình sẽ đột nhiên tăng vọt trở lại.
Cho đến khi thị trường thực sự sụp đổ, lúc này nhà đầu tư mới hoảng sợ và tỉnh ra thì đã quá muộn. Việc “tháo chạy” muộn màng của anh ta và của những người khác chỉ góp phần làm cho thị trường tiếp tục rơi tự do.
Tất cả những lý luận trên vẫn có giá trị thực tế trong thời nay. Nhiều nhà đầu tư lạc quan tiên đoán vào năm 1999 rằng chỉ số Dow Jones sẽ đạt đỉnh điểm 36.000 vào năm 2002, gấp 3 lần giá trị hiện tại lúc đó, khi thấy thị trường có xu hướng tăng nhanh. Nhưng vào cuối năm 2000, chỉ số này đã sụt giảm tới mức gần 10.000, trong nỗi sửng sốt của những người lạc quan trước đó.
Trong thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu chững lại, trước khi trải qua những phiên điều chỉnh sâu vào cuối tháng 12, tôi tình cờ ghé đọc một diễn đàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam và thực sự ngạc nhiên vì sự hiện hữu rõ nét của thái độ nói trên.
Đọc các ý kiến trong diễn đàn đó, chỉ thấy toát lên tinh thần tự trấn an, lên giây cót cho nhau bằng những “phân tích” có rất nhiều gạch đầu dòng nhằm đưa ra bằng chứng để chứng tỏ rằng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng.
Vì đây là diễn đàn chứng khoán lớn nhất ở Việt Nam nên dễ dàng hình dung sức lây lan ảnh hưởng của nó đến tâm lý chung của cộng đồng đầu tư người Việt Nam (và có lẽ của không ít nhà đầu tư nước ngoài, mà tôi (đã) cho rằng thực ra cũng chẳng khác nhà đầu tư trong nước bao nhiêu về mặt bản năng và tâm lý), cũng như sự phục hồi nhanh chóng và bốc hỏa trở lại của thị trường trong tháng này.
Điều đáng nói là nhiều trong số những “phân tích” xem ra rất bài bản đó có thể dễ dàng bị bác bỏ. Chẳng hạn, có quan niệm cho rằng gia nhập WTO sẽ làm sẽ mang đến nhiều cơ hội cho thị trường phát triển (giá cả sẽ tăng), với sự xâm nhập ngày càng nhiều của vốn nước ngoài.
Nhưng nếu biết rằng gia nhập WTO cũng có thể dẫn đến sự phá sản của nhiều doanh nghiệp hoặc đặt các doanh nghiệp khác (trong đó có thể có nhiều doanh nghiệp đang và sẽ niêm yết), trước đây sống khỏe nhờ thị trường được bảo hộ, trước nhiều khó khăn mới v.v... thì có lẽ niềm lạc quan sẽ không còn ngùn ngụt như vậy nữa.
Rồi là sắp tới sẽ có thêm nhiều “đại gia” được niêm yết trên thị trường, thu hút mạnh mẽ thêm nhiều người, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài nặng túi, đến với chứng khoán, và do đó giá cả chung sẽ tăng vọt vì cầu tăng vọt. Nhưng suy nghĩ logic một chút thì thấy lý luận này thật chông chênh vì cung cũng tăng vọt, rất có khả năng xoa dịu, nếu không muốn nói là hóa giải cơn khát trên thị trường.
Lập luận khác thì cho rằng đa phần cổ phiếu của Việt Nam bị định giá thấp nên nhà đầu tư nước ngoài tích cực săn lùng, làm giá tăng lên, nhưng vẫn chưa thực sự phản ánh giá trị thật của cổ phiếu. Và rồi, tuy chỉ số P/E tuy có cao và rất cao đối với nhiều cổ phiếu nhưng chỉ số này thường phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng của cổ phiếu hơn là kết quả làm ăn đã qua, nên không cần phải lo ngại lắm khi nó đã lên quá cao so với mức chung.
Cả 2 luận điểm này cũng đều chông chênh vì nhà đầu tư nước ngoài thực ra không phải là ông thánh sống mà biết được tường tận thị trường Việt Nam như lòng bàn tay. Không ít trong số họ cũng chỉ là những người bình thường về trình độ và nhận thức, bị chi phối bởi tâm lý đám đông, dễ sa đà vào những đánh giá cảm tính, và chịu ảnh hưởng của sự thiếu hụt thông tin về Việt Nam (nhiều người trong số họ quyết định đầu tư dựa vào những báo cáo của những chuyên gia nước ngoài sau một vòng “cưỡi ngựa xem hoa” khảo sát thị trường Việt Nam trong mấy ngày, một điều mà tôi đã từng không ít lần chứng kiến).
Cứ nhìn diễn biến trồi sụt của bản thân thị trường chứng khoán ở nước ngoài cũng phần nào thấy được nhà đầu tư nước ngoài là ai.
Và cũng như đã nói ở một bài khác, các quỹ/nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dựa vào máy móc để lựa chọn cổ phiếu tốt, và do đó đẩy giá và P/E của chúng lên quá cao một cách bất thường, chứ chẳng liên quan gì mấy đến triển vọng phát triển tươi sáng của doanh nghiệp cả! P/E còn lên cao thêm bởi tâm lý “nghe hơi nồi chõ”, và tâm lý của đám đông đầu tư theo chân nhà đầu tư ngoại. Không phải ngẫu nhiên mà P/E vẫn là một chỉ số quan trọng để người ta phân tích và so sánh các thị trường và các cổ phiếu với nhau, bất chấp những lý luận kiểu trên.
Thay cho lời kết, tuy không thể khẳng định rằng sự bất nhất về nhận thức và hành động có thể giải thích hoàn toàn hành vi của các nhà đầu tư (cả lớn và nhỏ, trong nước và nước ngoài) trong cơn đầu tư thiêu thân, nhưng có thể nói nó là một yếu tố quan trọng của cơ chế bùng nổ và sụp đổ của thị trường chứng khoán và các thị trường hàng hóa nói chung khác.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo, tự mình phân tích và phản biện để tránh rơi vào các tình huống tâm lý nói trên và có hành động kịp thời đi trước thị trường dù chỉ là gang tấc, trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Một đặc điểm chung của hai cơn sốt này là đa phần các nhà đầu tư hầu như hoàn toàn mù tịt về thị trường mình đang và sẽ tham gia.
Trong thị trường chó cảnh, người nuôi hay buôn chó chỉ biết rằng người mua cuối cùng là ai đó ở tận bên Trung Quốc (nghe thiên hạ đồn thế!). Người ta chỉ chắc chắn một điều là nếu như mua một con chó cái giống tương đối đẹp để nó phối giống và đẻ con thì sẽ hốt được đến một vài cây vàng cho một con chó con đẹp (sau thì chẳng cần đến chó mẹ đẹp cũng có người đặt tiền mua ngay chó con!).
Rất nhiều gia đình, trong hoàn cảnh khó khăn (hơn thời bây giờ nhiều), đã phải bán tài sản tích cóp hoặc vay mượn để có được vài triệu đồng, một khoản đầu tư không hề nhỏ so với đa phần dân thường lúc đó, đầu tư nuôi chó. Con chó đã chen vào giờ ăn giấc ngủ, đảo lộn mọi thứ trật tự trong cuộc sống thường nhật của nhiều và rất nhiều người.
Và quả thật, phần lớn các gia đình cũng đổi đời nhờ chó khi nó đang ở thời hoàng kim tại Việt Nam, với giá cả mà một người bạn tôi, một nhà ngoại giao nước ngoài đã sống ở nhiều nơi trên thế giới (và cũng nuôi một con chó cảnh), phải thốt lên: “Không hiểu nổi!”.
Nay xem ra tình hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vậy. Nhiều nhà đầu tư nhỏ hầu như chẳng có khái niệm gì về thị trường, về cổ phiếu của công ty mà họ nhắm vào. Nhưng điều mà họ hầu như được thị trường đảm bảo là nếu nắm trong tay một vài cổ phiếu thời thượng (hoặc không cũng chẳng sao) thì cứ nghiễm nhiên thấy tài sản của mình phình to nhanh chóng hàng ngày, có khi đến 5%/ngày, chẳng kinh doanh gì cho bằng cả!
Người ta không ngần ngại tranh nhau mua ngày hôm nay, dù giá có cắt cổ đi chăng nữa, vì biết rằng ngày mai, ngày kia giá sẽ còn lên nữa, không mua nhanh chỉ có lỡ cơ hội. Và thế là nhà nhà, người người đua nhau huy động vốn đổ vào chứng khoán, đẩy giá chứng khoán ở Việt Nam lên nhanh với tốc độ... vô địch thế giới.
Thực ra không phải là thiên hạ không biết rằng giá cả của cái gì đó lên nhanh quá thì là điều bất thường, và trước sau gì cũng sẽ phải giảm mạnh. Giá chứng khoán hay chó cảnh cũng vậy, sau cơn sốt bong bóng là lúc “xì hơi”, bất kể bản thân chúng có hấp dẫn thế nào chăng nữa.
Nhưng lòng tham cố hữu của con người và cơn đầu cơ thiêu thân “liều mình như chẳng có”, bắt nguồn từ sự bất nhất giữa nhận thức và hành động, làm cho người ta tin, và luôn tìm cách/chứng cứ để tin rằng bong bóng giá cả sẽ còn tiếp tục phình to (và tồn tại) một thời gian nữa để họ yên tâm tiếp tục găm giữ, đầu cơ hàng hóa (là cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hoặc chó cảnh trong ví dụ trên) chờ đến lúc thị trường đạt đến đỉnh điểm cao nhất. Thoát ra khỏi thị trường ngay chỉ là những người non gan, dại dột.
Cần nói sâu thêm về sự bất nhất giữa nhận thức và hành động để giúp hiểu sâu thêm về cơn đầu cơ thiêu thân trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, tôi biết hút thuốc là có hại nhưng tôi vẫn tiếp tục hút thuốc. Để biện hộ và thêm dũng khí cho thói quen hút thuốc, tôi không thèm ghé mắt vào xem những nghiên cứu về tác hại của thuốc lá công bố trên các phương tiện đại chúng, hoặc tôi cố tình tin rằng những người vận động chống hút thuốc chỉ là bọn cuồng tín, rách việc!
Trong một thị trường chứng khoán đang lên cơn sốt như Việt Nam, nhiều nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với hai tình huống mâu thuẫn sau:
1. Tôi biết rằng giá cổ phiếu đã quá cao và vượt xa giá trị thực của nó, nhưng:
2. Tôi rất có thể sẽ đánh mất cơ hội kiếm lợi lớn nếu tôi không tiếp tục mua vào, hoặc cầm giữ cổ phiếu vì có quá nhiều nhà đầu tư khác đang tranh nhau mua trên thị trường, hứa hẹn giá cả còn tiếp tục tăng lên nữa.
Vì tôi chỉ là một con người tầm thường, bị chi phối bởi lòng tham cố hữu, tôi không muốn bỏ qua cơ hội kiếm lợi. Để tự thuyết phục và trấn an mình, tôi cố tình phớt lờ những thông tin nào cho thấy thị trường đang quá nóng, cổ phiếu đang bị định giá quá cao, và thay vào đó chỉ tìm kiếm những thông tin để củng cố khả năng xảy ra của tình huống thứ hai.
Vì đa phần mọi người cũng nghĩ như tôi nên kết cục thị trường tiếp tục bốc hỏa. Khi mọi người tự trấn an mình và trấn an nhau bằng liệu pháp tâm lý như vậy thì người ta trở nên gắn bó với cổ phiếu của mình về mặt tình cảm chứ không phải lý trí nữa.
Khi thị trường xì hơi, thái độ này làm cho nhà đầu cơ khó bán cổ phiếu đang găm giữ của mình kịp thời. Việc bán vào thời kỳ này đối với nhà đầu tư cũng có nghĩa là buộc anh ta phải ly khai cái tâm lý tham lam bám rễ sâu trong bản năng của mình, một việc không hề dễ dàng chút nào.
Anh ta sẽ phải đối mặt với hai tình huống mâu thuẫn mới, theo chiều ngược với hai tình huống nói trên, và xu hướng chung là anh ta sẽ hành động như tình huống thứ hai, và cố tình tìm kiếm những thông tin để trấn an mình rằng thị trường sẽ phục hồi và rằng giá cổ phiếu của mình sẽ đột nhiên tăng vọt trở lại.
Cho đến khi thị trường thực sự sụp đổ, lúc này nhà đầu tư mới hoảng sợ và tỉnh ra thì đã quá muộn. Việc “tháo chạy” muộn màng của anh ta và của những người khác chỉ góp phần làm cho thị trường tiếp tục rơi tự do.
Tất cả những lý luận trên vẫn có giá trị thực tế trong thời nay. Nhiều nhà đầu tư lạc quan tiên đoán vào năm 1999 rằng chỉ số Dow Jones sẽ đạt đỉnh điểm 36.000 vào năm 2002, gấp 3 lần giá trị hiện tại lúc đó, khi thấy thị trường có xu hướng tăng nhanh. Nhưng vào cuối năm 2000, chỉ số này đã sụt giảm tới mức gần 10.000, trong nỗi sửng sốt của những người lạc quan trước đó.
Trong thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu chững lại, trước khi trải qua những phiên điều chỉnh sâu vào cuối tháng 12, tôi tình cờ ghé đọc một diễn đàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam và thực sự ngạc nhiên vì sự hiện hữu rõ nét của thái độ nói trên.
Đọc các ý kiến trong diễn đàn đó, chỉ thấy toát lên tinh thần tự trấn an, lên giây cót cho nhau bằng những “phân tích” có rất nhiều gạch đầu dòng nhằm đưa ra bằng chứng để chứng tỏ rằng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng.
Vì đây là diễn đàn chứng khoán lớn nhất ở Việt Nam nên dễ dàng hình dung sức lây lan ảnh hưởng của nó đến tâm lý chung của cộng đồng đầu tư người Việt Nam (và có lẽ của không ít nhà đầu tư nước ngoài, mà tôi (đã) cho rằng thực ra cũng chẳng khác nhà đầu tư trong nước bao nhiêu về mặt bản năng và tâm lý), cũng như sự phục hồi nhanh chóng và bốc hỏa trở lại của thị trường trong tháng này.
Điều đáng nói là nhiều trong số những “phân tích” xem ra rất bài bản đó có thể dễ dàng bị bác bỏ. Chẳng hạn, có quan niệm cho rằng gia nhập WTO sẽ làm sẽ mang đến nhiều cơ hội cho thị trường phát triển (giá cả sẽ tăng), với sự xâm nhập ngày càng nhiều của vốn nước ngoài.
Nhưng nếu biết rằng gia nhập WTO cũng có thể dẫn đến sự phá sản của nhiều doanh nghiệp hoặc đặt các doanh nghiệp khác (trong đó có thể có nhiều doanh nghiệp đang và sẽ niêm yết), trước đây sống khỏe nhờ thị trường được bảo hộ, trước nhiều khó khăn mới v.v... thì có lẽ niềm lạc quan sẽ không còn ngùn ngụt như vậy nữa.
Rồi là sắp tới sẽ có thêm nhiều “đại gia” được niêm yết trên thị trường, thu hút mạnh mẽ thêm nhiều người, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài nặng túi, đến với chứng khoán, và do đó giá cả chung sẽ tăng vọt vì cầu tăng vọt. Nhưng suy nghĩ logic một chút thì thấy lý luận này thật chông chênh vì cung cũng tăng vọt, rất có khả năng xoa dịu, nếu không muốn nói là hóa giải cơn khát trên thị trường.
Lập luận khác thì cho rằng đa phần cổ phiếu của Việt Nam bị định giá thấp nên nhà đầu tư nước ngoài tích cực săn lùng, làm giá tăng lên, nhưng vẫn chưa thực sự phản ánh giá trị thật của cổ phiếu. Và rồi, tuy chỉ số P/E tuy có cao và rất cao đối với nhiều cổ phiếu nhưng chỉ số này thường phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng của cổ phiếu hơn là kết quả làm ăn đã qua, nên không cần phải lo ngại lắm khi nó đã lên quá cao so với mức chung.
Cả 2 luận điểm này cũng đều chông chênh vì nhà đầu tư nước ngoài thực ra không phải là ông thánh sống mà biết được tường tận thị trường Việt Nam như lòng bàn tay. Không ít trong số họ cũng chỉ là những người bình thường về trình độ và nhận thức, bị chi phối bởi tâm lý đám đông, dễ sa đà vào những đánh giá cảm tính, và chịu ảnh hưởng của sự thiếu hụt thông tin về Việt Nam (nhiều người trong số họ quyết định đầu tư dựa vào những báo cáo của những chuyên gia nước ngoài sau một vòng “cưỡi ngựa xem hoa” khảo sát thị trường Việt Nam trong mấy ngày, một điều mà tôi đã từng không ít lần chứng kiến).
Cứ nhìn diễn biến trồi sụt của bản thân thị trường chứng khoán ở nước ngoài cũng phần nào thấy được nhà đầu tư nước ngoài là ai.
Và cũng như đã nói ở một bài khác, các quỹ/nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dựa vào máy móc để lựa chọn cổ phiếu tốt, và do đó đẩy giá và P/E của chúng lên quá cao một cách bất thường, chứ chẳng liên quan gì mấy đến triển vọng phát triển tươi sáng của doanh nghiệp cả! P/E còn lên cao thêm bởi tâm lý “nghe hơi nồi chõ”, và tâm lý của đám đông đầu tư theo chân nhà đầu tư ngoại. Không phải ngẫu nhiên mà P/E vẫn là một chỉ số quan trọng để người ta phân tích và so sánh các thị trường và các cổ phiếu với nhau, bất chấp những lý luận kiểu trên.
Thay cho lời kết, tuy không thể khẳng định rằng sự bất nhất về nhận thức và hành động có thể giải thích hoàn toàn hành vi của các nhà đầu tư (cả lớn và nhỏ, trong nước và nước ngoài) trong cơn đầu tư thiêu thân, nhưng có thể nói nó là một yếu tố quan trọng của cơ chế bùng nổ và sụp đổ của thị trường chứng khoán và các thị trường hàng hóa nói chung khác.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo, tự mình phân tích và phản biện để tránh rơi vào các tình huống tâm lý nói trên và có hành động kịp thời đi trước thị trường dù chỉ là gang tấc, trước khi mọi việc trở nên quá muộn.