13:45 04/06/2008

Thu phí ATM: “Gậy ông đập lưng ông”?

Vũ Quang Đông

Việc các ngân hàng muốn thu phí ATM có thể gây hại đến lợi ích của chính ngân hàng nhiều hơn số lợi thu được. Vì sao?

Về khía cạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ATM mang lại lợi ích cho cả hai phía và ở vị thế cân bằng - Ảnh: Việt Tuấn.
Về khía cạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ATM mang lại lợi ích cho cả hai phía và ở vị thế cân bằng - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc các ngân hàng muốn thu phí ATM có thể gây hại đến lợi ích của chính ngân hàng nhiều hơn số lợi thu được. Vì sao?

>>Giao dịch bằng ATM phải trả phí

Lợi bất cập hại

Về khía cạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ATM mang lại lợi ích cho cả hai phía và ở vị thế cân bằng.

Lợi ích mà thẻ ATM đem đến cho khách hàng là: sự tiện dụng của thẻ trong thanh toán, an toàn trong việc giữ tiền mặt và thuận tiện về thời gian giao dịch.

Trong khi đó, lợi ích mà thẻ ATM đem đến cho ngân hàng là: giảm thiểu chi phí giao dịch tại quầy và tăng năng lực xử lý nghiệp vụ ngân hàng, tận dụng vốn gửi không kỳ hạn của dân cư cũng như của tổ chức kinh tế tại ngân hàng thông qua giao dịch ATM và tiền gửi không kỳ hạn, thu hút khách hàng tiềm năng bằng dịch vụ tiện ích.

Người viết cho rằng việc các ngân hàng dự kiến áp dụng phí ATM từ 1/7/2008 sẽ phát sinh những rắc rối sau cho chính các ngân hàng:

Thứ nhất, các ngân hàng sẽ phải gia tăng chi phí cho người rút tiền tại ngân hàng trong giờ làm việc. Việc này gia tăng cho chi phí của ngân hàng ở mặt chi phí ngân công và các chi phí đầu vào khác. Chẳng hạn, ngân hàng sẽ thu được 1.000 VND phí từ rút 100 nghìn VND, nhưng có thể ngân hàng sẽ mất 5 phút lao động để thực hiện giao dịch 100 nghìn VND tại ngân hàng và chi phí cho 5 phút lao động đó sẽ lớn hơn 1.000 đồng nhiều lần.

Thứ hai, sẽ gia tăng các nguồn tiền mặt dùng trong dân cư hơn là tiền mặt trong hệ thống ngân hàng. Nếu mỗi tài khoản duy trì số dư bình quân giảm một nửa từ đầu kỳ tới cuối kỳ (chẳng hạn từ 1 triệu đồng xuống còn 500 nghìn đồng), thì số vốn gửi không kỳ hạn mà ngân hàng tận dụng được sẽ rất lớn.

Thứ ba, khả năng kiểm soát tiền trong lưu thông giảm do lượng tiền mặt cầm tay sẽ tăng lên. Việc thực thi các chính sách tiền tệ sẽ giảm sự chính xác, đồng thời chi phí lưu hành tiền mặt (in tiền cũ thay tiền mới) gia tăng trong tương lai.

Thứ tư, làm gia tăng rủi ro thanh khoản trong tương lai. Việc các ngân hàng gia tăng chi phí tiền mặt tại quỹ để đáp ứng nhu cầu tiền mặt lớn hơn là hoàn toàn có thể. Do vậy chi phí quản lý thanh khoản sẽ phải gia tăng.

Chưa kể, việc thực hiện phí với các thẻ ATM do chính ngân hàng phát hành có thể sẽ không thu được nhiều lợi ích, khi khách hàng sẽ giảm sử dụng dịch vụ với chính thẻ ATM và gia tăng dịch vụ trực tiếp với chính ngân hàng. Trong trường hợp đó, lợi ích của ngân hàng từ thu phí ATM sẽ nhỏ mà chi phí gia tăng sẽ lớn.

Liên minh độc quyền?

Trong hầu hết các trường hợp, phí ATM có thể phát sinh và chấp nhận được nếu như dùng thẻ ghi có (debit) với máy ATM của các ngân hàng khác hoặc các nhà cung cấp ATM khác không phải của ngân hàng mở tài khoản (mặc dù các ngân hàng có thể ở trong một liên minh và dạng phí chéo này xảy ra ở tất cả các nước, do chi phí quản lý ngân hàng có thể gia tăng và rủi ro trong quản lý tài khoản thực có tại ngân hàng mở tài khoản).

Phí quản lý tài khoản cũng có thể chấp nhận được với từng ngân hàng khi việc quản lý tài khoản có thể thực hiện trực tuyến do khách hàng giảm chi phí thời gian tới ngân hàng.

Tuy nhiên, phí rút tiền ATM như dự tính lại không phải như vậy. Phí được tính trên mỗi lần rút tiền. Liên minh thẻ xét về bản chất sở hữu thực tế là các ngân hàng. Việc các ngân hàng tự đứng ra quy định mức phí ATM vô hình chung là một hình thức phản cạnh tranh và làm thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.

Đó cũng là hàng hoá độc quyền, nếu xét theo khía cạnh liên minh để mang lại lợi ích gia tăng cho các ngân hàng, và vô hình chung, là một hình thức vi phạm luật chống độc quyền của chính Việt Nam. Bởi có thể thấy, loại phí này nếu không có sự “đồng thuận” từ liên minh thẻ (mà cụ thể là từ chính các ngân hàng) sẽ khó mà tồn tại.

Nói tóm lại, về mặt dài hạn, khi công nghệ ngân hàng và thanh toán thực hiện rộng khắp thì việc dùng thẻ sẽ tăng tiện ích lớn cho cả hai phía và trên thực tế mang lại lợi ích cho các ngân hàng nhiều hơn là cho khách hàng. Việc gia tăng số lượng khách hàng dùng tài khoản thanh toán sẽ gia tăng lợi ích to lớn cho chính ngân hàng. Và, việc gia tăng chất lượng của máy ATM cũng chỉ là một hình thức cạnh tranh của các ngân hàng qua việc thu hút khách hàng, chứ không phải là hình thức mà khách hàng phải đền bù bằng phí.

Với cách nhìn như trên, phí ATM về bản chất không làm lợi cho ngân hàng và cho khách hàng. Trong thị trường cạnh tranh thì mức phí này khó mà tồn tại được, và xét theo lợi ích cụ thể từng ngân hàng, việc áp dụng phí ATM với chính khách hàng của mình có lẽ sẽ lợi bất cập hại.

* Tác giả bài viết là nghiên cứu sinh chuyên ngành tài chính - tiền tệ, Đại học Georgetown (Mỹ).