Thủ tục cấp phép lao động của người nước ngoài đơn giản, dễ dàng hơn
Tính đến nay đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai phần mềm cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử
Thực hiện chủ trương, chính sách mở cửa, tăng cường quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, nhiều văn bản quản lý Nhà nước về người nước ngoài đã được ban hành.
Trong đó, có các văn bản quy định về thủ tục lao động của người nước ngoài đơn giản, dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để đầu tư, khảo sát thị trường, lao động.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là những công dân nước ngoài, phụ trách công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động nước ta chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Số lượng lao động nước ngoài có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Tính đến tháng 7/2019, cả nước có tổng số 92.100 lao động nước ngoài đang làm việc, đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 12.100 lao động so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, khoảng 96,2% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp giấy phép lao động.
Hiện cơ cấu lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang có sự chuyển dịch tích cực. Lao động kỹ thuật đang có xu hướng giảm do lao động nước ta hiện nay đã có thể thay thế và làm tốt các công việc đó. Lao động phụ trách công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia tăng lên do các hoạt động đầu tư ngày càng được tăng cường, đặc biệt là việc xuất hiện các lĩnh vực mới liên quan đến công nghệ thông tin và một số ngành cần đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với sự gia tăng của lao động nước ngoài, theo Cục việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), thì khó khăn lớn nhất trong quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là tuyên truyền phổ biến pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cũng như lao động nước ngoài làm việc tại nước ta.
Theo quy định tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3-2-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì người sử dụng lao động phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trước khi người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người sử dụng lao động phải có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài với sở Lao động - Thương binh và Xã hội…
Tuy nhiên, đến nay có một số trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam làm việc rồi mới làm các thủ tục để cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động không báo cáo tình hình sử dụng lao động, các cơ quan chưa có sự phối hợp trong việc quản lý lao động nước ngoài, dẫn đến việc theo dõi, quản lý lao động nước ngoài chưa chặt chẽ.
Chưa kể, các số liệu báo cáo của các sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ yếu nắm được bằng phương pháp thủ công thông qua công tác kiểm tra và thực hiện cấp giấy phép lao động từ sổ ghi chép ban đầu, do vậy việc quản lý, tổng hợp số liệu gặp khó khăn. Mặt khác, vẫn còn một số lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thông qua các kênh khác nhau mà cơ quản quản lý lao động chưa tổng hợp, thống kê được.
Để khắc phục những khó khăn đó, trong thời gian tới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại nước ta. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại nước ta với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực.
Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy phép lao động theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thực hiện cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử, đồng thời tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích giúp tăng thêm lựa chọn nhận kết quả cấp giấy phép lao động cho người sử dụng lao động.
Đồng thời, bộ cũng đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương áp dụng thống nhất cổng thông tin điện tử và tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài. Tính đến nay đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai phần mềm cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua mạng điện tử.
Hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động qua mạng cho người lao động nước ngoài Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử; Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/10/2017.