Thủ tục hải quan: Cần tiếng nói chung để giải quyết “điểm nóng”
Cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần nghiên cứu cách tiếp cận chung phù hợp thực tiễn
Từ kết quả cuộc khảo sát do Deloitte Việt Nam thực hiện mới đây với trên 300 doanh nghiệp FDI cho thấy, vấn đề quản lý nhập xuất tồn nguyên vật liệu vẫn là điểm nóng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, phụ trách lĩnh vực Tư vấn Thuế xuất nhập khẩu và Hải quan đã có những chia sẻ về những thay đổi trong quản lý hải quan và xuất nhập khẩu.
Là công ty tư vấn tiên phong nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn về xuất nhập khẩu và hải quan, từ kinh nghiệm của Deloitte Việt Nam, xin ông cho biết những vướng mắc nổi cộm của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua?
Khảo sát gần đây của Deloitte Việt Nam với trên 300 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các khu công nghiệp thuộc địa bàn các tỉnh phía bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc cho thấy: có tới 47% các vướng mắc phát sinh về hải quan và thuế xuất nhập khẩu là liên quan đến quản lý nhập xuất tồn nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, 28% liên quan đến thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa, 15% về kiểm tra chuyên ngành và 10% về các vấn đề liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế như trị giá, thuế suất.
Như vậy có thể thấy quản lý nhập xuất tồn nguyên vật liệu vẫn là điểm nóng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Sau hơn một năm triển khai cơ chế báo cáo quyết toán nguyên vật liệu theo năm tài chính tại Thông tư 38/2015/TT-BTC đối với loại hình gia công và doanh nghiệp chế xuất, đến nay về cơ bản các doanh nghiệp đã làm quen với cách thức báo cáo mới.
Trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp vẫn còn gặp phải khó khăn đặc thù như khó tách biệt nguyên liệu nhập khẩu sử dụng cho hoạt động gia công (theo dõi ngoại bảng) và sản xuất xuất khẩu (theo dõi nội bảng), giữa nguyên liệu cùng loại, cùng phẩm cấp có nguồn gốc nhập khẩu và mua từ nội địa...
Đây sẽ là vấn đề mà cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ cần nghiên cứu thêm để có cách tiếp cận chung, phù hợp với thực tiễn.
Về phía cơ quan hải quan, việc quản lý theo cơ chế mới đã đem lại những ảnh hưởng trên thực tiễn như thế nào thưa ông?
Hiện nay quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán nguyên vật liệu cho năm tài chính 2015 cũng đã được thực hiện ở một số cục hải quan địa phương. Đây là nỗ lực rất đáng hoan nghênh của cơ quan hải quan trong giai đoạn chuyển giao hiện nay để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh từ cơ chế mới và có những chính sách điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Chúng tôi cho rằng trong giai đoạn này, cơ quan hải quan chưa nên đặt nặng vấn đề xử lý vi phạm nếu doanh nghiệp chưa hoàn chỉnh được báo cáo như yêu cầu, mà nên xem xét hướng dẫn doanh nghiệp về cách làm, giải quyết vướng mắc để nâng cao khả năng tuân thủ trong dài hạn.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan hải quan, trong quá trình kiểm tra, sẽ tìm hiểu kỹ hơn các chu trình kiểm soát, luân chuyển thông tin qua các công đoạn sản xuất, để nắm được và có cách kiểm tra chuẩn xác các số liệu trên báo cáo quyết toán nguyên vật liệu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp gia công xuất khẩu khi nguyên vật liệu không được theo dõi chính tắc trên sổ kế toán như đối với loại hình sản xuất xuất khẩu.
Một vấn đề nữa cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm là cơ chế kiểm tra của cơ quan hải quan liệu có trùng lặp về nội dung khi vừa kiểm tra báo cáo nhập - xuất - tồn, vừa tiến hành kiểm tra sau thông quan. Với quy định hiện hành tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP cũng như Thông tư 38/2015/TT-BTC thì đây là nội dung còn chưa được hướng dẫn cụ thể, do đó các doanh nghiệp đều rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm làm rõ trong các văn bản sửa đổi, bổ sung sắp tới về kiểm tra và giám sát hải quan.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, Deloitte Việt Nam đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào?
Bên cạnh các khách hàng đang được Deloitte tư vấn rất hiệu quả, theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc hội thảo do chúng tôi tổ chức tháng 8 vừa qua, Deloitte Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức một chuỗi các hội thảo chuyên biệt về các vấn đề thuế xuất nhập khẩu và hải quan tại một số địa phương có nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc về hải quan, cũng như có tỷ trọng hoạt động xuất nhập khẩu/gia công xuất khẩu cao.
Hội thảo chuyên biệt này dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 10/2016 nhằm giải đáp những thắc mắc, những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ xuất nhập khẩu giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn thực trạng áp dụng cũng như những vướng và làm thủ tục hải quan.
Đối với các doanh nghiệp chưa có điều kiện tham gia hội thảo trong tháng 8/2016, để giúp chúng tôi có điều kiện xem xét đánh giá sơ bộ hiện trạng cũng như nhu cầu về hỗ trợ dịch vụ, các doanh nghiệp có quan tâm có thể điền các thông tin khảo sát về vướng mắc thuế xuất nhập khẩu và hải quan theo liên kết: https://www.surveymonkey.com/r/DeloitteVN_Customs_VN (bản tiếng Việt) hoặc https://www.surveymonkey.com/r/DeloitteVN_Customs_Eng (bản tiếng Anh).
Đối với các doanh nghiệp chưa có điều kiện tham gia hội thảo trong tháng 8/2016, để giúp chúng tôi có điều kiện xem xét đánh giá sơ bộ hiện trạng cũng như nhu cầu về hỗ trợ dịch vụ, các doanh nghiệp có quan tâm có thể điền các thông tin khảo sát về vướng mắc thuế xuất nhập khẩu và hải quan theo liên kết: https://www.surveymonkey.com/r/DeloitteVN_Customs_VN (bản tiếng Việt) hoặc https://www.surveymonkey.com/r/DeloitteVN_Customs_Eng (bản tiếng Anh).
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các doanh nghiệp cũng như tham gia ý kiến trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật về thuế xuất nhập khẩu và hải quan, Deloitte Việt Nam tin tưởng rằng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực này qua nhiều hình thức khác nhau.
Luật thuế xuất nhập khẩu mới đã có hiệu lực từ 1/9/2016, vậy theo ông đâu là những thay đổi lớn mà doanh nghiệp cần lưu ý?
Luật Thuế xuất nhập khẩu vừa ban hành có nhiều điểm mới cả về chính sách thuế như thay đổi đối tượng chịu thuế, miễn thuế, hoàn thuế; đồng thời hoàn thiện khung chính sách đối với thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ; cũng như điều chỉnh một số nội dung phân cấp về quản lý giữa các cơ quan có thẩm quyền.
Đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, thay đổi đáng kể nhất là bỏ ân hạn thuế 275 ngày với loại hình sản xuất xuất khẩu và chuyển sang miễn thuế. Như vậy về cơ bản chính sách quản lý với doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu từ 1/9/2016 sẽ giống với loại hình gia công xuất khẩu và doanh nghiệp chế xuất. Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải lập báo cáo quyết toán một lần vào cuối năm tài chính thay vì hình thức làm thanh khoản, nộp hồ sơ hoàn thuế - không thu thuế như trước đây.
Quy định hoàn toàn mới này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nhanh chóng nắm bắt các quy định, hướng dẫn từ cơ quan hải quan và đánh giá được rủi ro thực tế từ quản lý nhập - xuất - tồn nguyên liệu để chuẩn bị cho kỳ báo cáo cuối năm 2016.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị báo cáo quyết toán nguyên vật liệu cho năm 2015, do thời điểm báo cáo trùng với kết thúc năm tài chính và quyết toán thuế, nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ dễ dẫn tới bị động, không đảm bảo về thời hạn cũng như chưa đánh giá hết những rủi ro liên quan.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị báo cáo quyết toán từ đầu quý 4/2016 và chỉ phải điều chỉnh một phần số liệu trước thời hạn nộp để hạn chế rủi ro và giảm tải cho giai đoạn cuối năm.
Thời gian qua tiếp tục có nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho rằng thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá phức tạp và mất nhiều thời gian, nguyên nhân là gì và hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?
Về mặt pháp lý, kiểm tra chuyên ngành xuất phát từ quy định của Chính phủ về chính sách mặt hàng theo Luật Thương mại và được quản lý cụ thể bởi rất nhiều bộ ngành khác nhau, trong đó cơ quan hải quan chỉ là đơn vị sử dụng kết quả kiểm tra này cho mục đích thông quan.
Thực tiễn những năm qua, việc chờ đợi kết quả kiểm tra chuyên ngành từ các cơ quan quản lý khiến thời gian thông quan bị kéo dài, nhiều trường hợp tới 1-2 tháng trong khi tỷ lệ vi phạm rất thấp, đã gây ra nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp và cả cơ quan hải quan. Đây là một thực tế mà các cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá kỹ mức độ rủi ro để xem xét loại bỏ hoặc giảm nhẹ một số danh mục quản lý chuyên ngành tùy theo đặc thù quản lý.
Bên cạnh đó, một số trường hợp đặc biệt như hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và khu phi thuế quan, thực chất là hàng hóa sản xuất trong nội địa hoặc hàng có nguồn gốc nhập khẩu đã trải qua một lần kiểm tra chuyên ngành khi đưa vào lãnh thổ Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành là chưa hợp lý.
Về vấn đề này, trong quá trình xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành về thủ tục hải quan cũng đã có nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên theo Deloitte, trong trường hợp cần thiết, Tổng cục Hải quan nên có hướng dẫn sớm bằng văn bản riêng với nội dung trên để kịp thời giảm nhẹ thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.