18:06 20/10/2020

Thủ tướng: Đến năm 2025 phấn đấu thu nhập 4.700 - 5.000 USD/người

Tuệ Linh

"Phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, từ 2021 – 2025 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD".

Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập.
Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập.

Mục tiêu trên được đặt ra trong Báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, sáng 20/10.

Theo Thủ tướng, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt. Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 - 1933.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Trong đó, cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện; Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực; Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả…

Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một số lĩnh vực còn chậm, hiệu quả chưa cao. Xã hội hoá dịch vụ công và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập.

Theo Thủ tướng, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta có 4 năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển KTXH, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 VÀ 5 NĂM 2021 và 5 năm 20121 - 2025, Chính phủ xin trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021; trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, từ 2021 – 2025 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD;

Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theochuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức với những biến động phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới có thể còn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề.

"Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát triển đất nước phồn vinh, chúng ta hãy đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chung tay hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua thử thách, với tinh thần quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội", Thủ tướng khép lại bài phát biểu.