15:15 07/06/2010

Thủ tướng: Đông Á cần vai trò lớn hơn

Anh Quân

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị WEF Đông Á

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại WEF Đông Á - Ảnh: Thiên Chương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại WEF Đông Á - Ảnh: Thiên Chương.
Ngày 6/6, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 19 với chủ đề “Nâng cao vai trò của Châu Á”, do Chính phủ Việt Nam và WEF đồng tổ chức đã trải qua các phiên thảo luận chính thức đầu tiên.

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới có nhiều bất ổn, một số nền kinh tế lớn vẫn chưa thực sự phục hồi vững chắc sau cuộc khủng hoảng tài chính, và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam được cho là điểm tổ chức lý tưởng cho WEF Đông Á lần này.

Sau 25 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bình quân 7-8%/năm trong nhiều năm, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, chính trị xã hội ổn định.

Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, Việt Nam đã đối phó có hiệu quả với các tác động tiêu cực của khủng hoảng ; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, năm 2009 đạt 5,32% và dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5% đến 7% trong năm 2010.

Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một địa điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 22,6 tỷ USD trong năm 2009 vừa qua. Cộng đồng quốc tế tiếp tục thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam khi cam kết 8 tỷ USD ODA cho Việt Nam trong năm tài khóa 2010.
 
Cũng vì lý do này, phần phát biểu của Việt Nam trong ngày đầu tiên của hội nghị nhận được sự chú ý của đại biểu tham dự.

Vai trò ngày càng lớn của Đông Á

Trong ngày thứ nhất của hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng, trong đó người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Đông Á cần phải có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu giai đoạn hậu khủng hoảng”.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, các nền kinh tế châu Á cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã đối phó khá hiệu quả với cuộc khủng hoảng, có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Sự phục hồi nhanh đã chứng tỏ sức sống và tính năng động của các nền kinh tế Đông Á...  Điều đó càng củng cố niềm tin rằng, trong những năm tới, Đông Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

“Với 4 thành viên và đại diện ASEAN tại G20, Đông Á có khả năng đóng góp tích cực và đáng kể cho việc kiến tạo một cấu trúc mới hiệu quả hơn, dân chủ hơn cho nền quản trị toàn cầu”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng để đóng một vai trò toàn cầu lớn hơn trong bối cảnh quốc tế giai đoạn hậu khủng hoảng, các nền kinh tế Đông Á phải nhìn nhận lại các mục tiêu và ưu tiên cho giai đoạn sắp tới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc.

Trong bài phát biểu của mình, ông cho rằng các nền kinh tế khu vực cần có những điều chỉnh về chiến lược; tăng cường hợp tác khu vực phải trên nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng” và cần phải xác định được những yêu cầu, hình thức, phạm vi mới cho hợp tác khu vực; phát huy được vai trò của mọi lực lượng từ chính phủ đến doanh nghiệp và toàn xã hội và mở rộng hợp tác với các đối tác ở khu vực khác như các diễn đàn hợp tác APEC, ASEM...

“Chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực”, Thủ tướng nói.

Đẩy mạnh hợp tác tiểu vùng Mê Kông

Phát biểu trong buổi làm việc về hợp tác tiểu vùng Mê Kông cùng ngày, Thủ tướng nhấn mạnh, với diện tích 2,6 triệu km2 và khoảng 325 triệu dân, tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) là khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, một điểm đến đầy tiềm năng và cơ hội đầu tư rộng mở với tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho sản xuất nông, lâm, thuỷ sản và thuỷ điện…

Với những nỗ lực to lớn gần đây của các nước trong vùng trong việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết và phát triển kinh tế thông qua các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa dạng, lưu vực Mê Kông đang nhanh chóng trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều đối tác phát triển, trong đó có các nền kinh tế lớn Đông Á như Nhật Bản và các đối tác quan trọng khác như Mỹ và châu Âu...

Theo người đứng đầu Chính phủ, để nhanh chóng biến các tiềm năng thành nguồn lực tăng trưởng thực tế, sao cho trong một thập kỷ tới, lưu vực Mê Công trở thành một động lực tăng trưởng mới bền vững cho Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung, cần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong khu vực và với các đối tác bên ngoài.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước trong lưu vực Mê Kông, bảo vệ môi trường sinh thái và tiến tới xây dựng một Mê Kông phát triển xanh; tạo điều kiện thuận lợi nhất về hành lang pháp lý và các khuyến khích tài chính để đẩy mạnh các dự án hợp tác trên cơ sở đối tác công - tư (PPP) trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển đô thị, đầu tư và thương mại;

Đồng thời cần phối hợp chính sách tốt hơn nữa, để cùng đưa ra những lĩnh vực ưu tiên thống nhất trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, trong đó đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm, giao thông vận tải, nhất là các hành lang kinh tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành dịch vụ then chốt như tài chính - ngân hàng, viễn thông, các nguồn năng lượng mới và tái tạo được.

“Vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển cân bằng, bền vững và đều khắp cả ở cấp quốc gia và khu vực phải là một ưu tiên hàng đầu”, Thủ tướng nói.

“Hãy đến với Việt Nam”

Tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo trẻ và nhóm doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu, Thủ tướng kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hãy đến với Việt Nam để “có thêm những câu chuyện kinh doanh thành công mới của mình trong thế kỷ 21”.

Thủ tướng chia sẻ, từ một quốc gia từng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực 20 năm trước, Việt Nam hiện là nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, giảm tỷ lệ nghèo từ gần 60% (năm 1993) xuống còn 11% hiện nay và đã hoàn thành sớm hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ Liên Hợp quốc đến năm 2015.

Cùng với việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO năm 2007 và tham gia hầu hết các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã thực sự hội nhập quốc tế một cách đầy đủ và sâu rộng.

“Song chúng tôi không có ý định dừng lại ở đó”, Thủ tướng nói. “Chúng tôi muốn thế giới biết đến Việt Nam là một quốc gia hội nhập, phát triển nhanh, cân bằng, bền vững và thịnh vượng”.

Những lợi thế của Việt Nam là rõ ràng về một dân số lao động vàng, một nền chính trị và xã hội ổn định, an toàn, một nền kinh tế thị trường liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, một nguồn tài nguyên phong phú, một thị trường nội địa tiềm năng của gần 90 triệu dân và một vị trí cửa ngõ vào thị trường khu vực rộng lớn với hơn 600 triệu người và thậm chí hơn 2 tỷ dân nhờ sự hình thành các khu vực tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc và ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc...
 
Về dài hạn, kinh tế Việt Nam sẽ không phụ thuộc vào nguồn lao động rẻ và tài nguyên dồi dào mà phải dựa vào năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để hoàn thành được mục tiêu này, Việt Nam sẽ tiếp tục đường lối đổi mới một cách nhất quán, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy và sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực, cả trong nước và ngoài nước để phát triển nhanh và bền vững.

“Các bạn là những người đi đầu trong đổi mới. Chúng tôi là những nhà lãnh đạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự đổi mới”, Thủ tướng nói. “Chúng tôi mong muốn các bạn sẽ là một phần trong sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn cơ hội của Việt Nam sẽ trở thành cơ hội của các bạn”.

* WEF Đông Á lần thứ 19 do Chính phủ Việt Nam và WEF đồng tổ chức diễn ra từ ngày 6-7/6/2010 tại Khách sạn InterContinental Asiana Saigon, Tp.HCM, quy tụ 450 đại biểu, gồm các lãnh đạo chính phủ cấp cao trong khu vực, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo giới quốc tế.

WEF Đông Á 2010 có chủ đề: “Vai trò đang lên của Châu Á trong phát triển toàn cầu“, xoay quanh bốn trục thảo luận chính: (i) Vai trò đang lên của Châu Á, (ii) Các rủi ro toàn cầu, (iii) Chương trình tăng trưởng xanh của Châu Á, (iv) Chương trình tăng trưởng trong tương lai của Châu Á.

Khoảng gần 20 lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam là đại biểu chính thức của hội nghị, trong đó có 12 doanh nghiệp thành viên WEF của Việt Nam. Lãnh đạo Saigon Invest, Bảo Việt Holding, Vietnam Airlines, VinaCapital và Tân Tạo sẽ làm diễn giả chính tại các phiên trong chương trình hội nghị.