10:03 06/07/2007

Thừa vốn, vẫn khó vay

Ngân hàng thừa vốn trong khi rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lại không đủ điều kiện vay vốn đang là tình trạng phổ biến

Ngân hàng thừa vốn trong khi rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lại không đủ điều kiện vay vốn đang là tình trạng phổ biến.

Doanh nghiệp nhà nước: Sản xuất, kinh doanh không hiệu quả

Những năm trước 2000, doanh nghiệp nhà nước là đối tượng khách hàng vay chính của ngân hàng. Cho vay doanh nghiệp nhà nước gần như chiếm 100% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Nhưng hiện nay, nhóm khách hàng này không được coi là đối tượng ưu tiên nữa (trừ doanh nghiệp trong các ngành điện lực, bưu chính viễn thông, dầu khí và trong một số thời điểm là các doanh nghiệp than, cao su, cà phê, xi măng, lương thực...).

Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình doanh nghiệp nhà nước hiện nay phổ biến là vốn chủ sở hữu thấp, tài sản hầu như không có, tài chính không lành mạnh, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, tài sản bảo đảm không đủ tính chất pháp lý...

Nhiều doanh nghiệp nhà nước do làm ăn yếu kém, quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến không có khả năng trả nợ và phát sinh nợ quá hạn. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản phổ biến tình trạng chậm vốn thanh quyết toán các công trình không trả nợ ngân hàng đúng hạn, dẫn đến nợ gia hạn và quá hạn phát sinh.

Vì vậy, trong hai năm gần đây, đối với nhiều doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng tập trung vào thu nợ mà không cho vay hoặc giảm dần hạn mức tín dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại nhà nước (khối có tỉ trọng cho vay doanh nghiệp nhà nước lớn nhất) chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong hệ thống.

Tại Hà Nội, đến cuối tháng 6/2007, dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ tăng 6% so mức tăng 23% của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Doanh nghiệp cổ phần hoá: Vướng thủ tục pháp lý

Theo phản ánh của chi nhánh Ngân hàng Công thương Thanh Xuân, việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp cổ phần hóa rất khó thực hiện vì các công ty nhà nước sau khi cổ phần hóa hầu hết chưa hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện các doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc công ty TNHH nhà nước một thành viên thì phải đổi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian rất lâu, từ 7 đến 10 tháng).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia đấu thầu quyền sử dụng đất khi trúng thầu muốn vay ngân hàng (ngân hàng nhận chính mảnh đất đó làm tài sản bảo đảm) để trả tiền nhưng tại thời điểm đó doanh nghiệp cũng chưa có sổ đỏ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá thường được đánh giá lại tài sản với giá trị rất thấp với vốn điều lệ ban đầu rất nhỏ. Nhiều doanh nghiệp còn tìm mọi cách để đưa vào chi phí những khoản chi bất hợp lý để giảm lãi (thậm chí hạch toán lỗ) trong sản xuất kinh doanh trước khi cổ phần hóa.

Hồ sơ pháp lý của tài sản, nhất là bất động sản phần lớn chưa đầy đủ, hầu như thuê của Nhà nước, giá trị tiền thuê hàng năm rất nhỏ nên khi nhận tài sản thế chấp, ngân hàng không định giá được.

Có những tài sản không đủ cơ sở pháp lý để xin xác nhận. Tài sản thế chấp là động sản thì khó xác định giá trị vì phần lớn là phương tiện vận tải, máy móc thiết bị đều đã qua sử dụng lâu năm giá trị còn lại rất thấp.

Doanh nghiệp tư nhân: Thiếu thông tin

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân đang là đối tượng khách hàng được chú ý nhất hiện nay vì nhóm khách hàng này năng động và sử dụng vốn có hiệu quả. Tuy nhiên, bản thân họ cũng còn rất nhiều hạn chế trong tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Theo báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Công thương Hai Bà Trưng, khu vực kinh tế tư nhân thường kinh doanh nhỏ, lẻ, nhu cầu vay vốn không lớn. Hầu hết khách hàng không đủ điều kiện vay như: tài sản bảo đảm không đủ giấy tờ hợp pháp, phương án kinh doanh không khả thi...

Còn theo chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nam Hà Nội, do điều kiện kinh tế và tập quán kinh doanh của Việt Nam thì vấn đề minh bạch thông tin, công khai trong quan hệ vay trả, các tiêu chí, các thông tin nhân thân của người vay không được chuẩn hoá, lượng hoá gây khó khăn rất nhiều cho việc thẩm định điều tra và xét duyệt cho vay của ngân hàng.

Chính các doanh nghiệp cũng tự làm khó cho mình trong quan hệ tín dụng với ngân hàng khi không công khai năng lực thực có, giấu doanh thu để trốn thuế.

Chi nhánh Ngân hàng Công thương Chương Dương phản ánh: “Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 28% lợi nhuận là chưa hợp lý nên rất nhiều doanh nghiệp trốn thuế. Vì vậy, báo cáo quyết toán gửi đến ngân hàng số liệu không chính xác, không có kiểm toán, còn báo cáo quyết toán thuế thì số liệu thường thấp hơn nhiều so thực tế”.

Khó mở rộng tín dụng trong 6 tháng cuối năm đang là mối lo ngại của nhiều ngân hàng, nhất là trong bối cảnh bị khống chế mức dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán và thị trường bất động sản tiếp tục “đóng băng”.

Nếu tăng trưởng tín dụng một cách nóng vội, không thận trọng với tình hình doanh nghiệp như hiện nay thì rủi ro cho ngân hàng là rất lớn. Nhưng không tăng tín dụng thì không đảm bảo thu nhập, vì hơn 90% thu của các ngân hàng Việt Nam vẫn là thu lãi từ cho vay.