Thúc đẩy đầu tư công: Hai vấn đề lưu ý cho giai đoạn 2019-2022
Việt Nam cần cẩn trọng hơn trong giai đoạn 2019-2022 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bất lợi hơn và hơn 1/3 nợ công sẽ đáo hạn
Trong bối cảnh các quốc gia đang chuyển hướng và củng cố lại vai trò của chính sách tài khoá trong việc dẫn dắt tăng trưởng, Việt Nam cần cẩn trọng hơn trong giai đoạn 2019-2022 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bất lợi hơn và hơn 1/3 nợ công sẽ đáo hạn.
Số liệu thống kê mới đây cho thấy, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam giảm xuống 58,4%, thấp hơn mức cao nhất 63,7% trong năm 2016. Điều này được cho là bắt nguồn từ việc tái cơ cấu đầu tư công cũng như từ chính những vướng mắc trong giải ngân các dự án đầu tư công.
Đầu tư công hơn là chi tiêu công
Trong 7 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 31% kế hoạch, hơn 35.000 tỷ đồng chưa được phân bổ, chậm 3 tháng so với yêu cầu. Vì vậy, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhất là trong những dự án quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng ở thời điểm này được xem là mục tiêu cấp thiết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng loạt các quốc gia đang có sự dịch chuyển chính sách tài khoá cũng như tiền tệ, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng Việt Nam cần phải lưu tâm tới vấn đề này.
Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sau động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ LB Mỹ (Fed), một loạt các ngân hàng của Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand cũng tuyên bố hạ lãi suất cơ bản. Đồng thời, châu Âu cũng thông báo về một chương trình nới lỏng tiền tệ dự kiến sắp diễn ra.
Báo cáo nghiên cứu "Động lực tăng trưởng kinh tế tiếp theo của Việt Nam" vừa được Công ty chứng khoán Rồng Việt công bố cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Tăng trưởng GDP của Singapore – một trong những chỉ báo về hoạt động thương mại của khu vực và thế giới – sụt giảm không chỉ phản ánh hệ quả tất yếu của cuộc chiến thương mại mà còn vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu. Khu vực doanh nghiệp tỏ ra tương đối bi quan và cẩn trọng với kế hoạch mở rộng đầu tư sắp tới. Trong khi đó, hiệu quả của sự phối hợp của chính sách tài chính và tiền tệ đã dần tới hạn.
"Vì vậy, ở thời điểm hiện nay, việc chuyển hướng và củng cố lại vai trò của chính sách tài khóa trong việc dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu là cần thiết khi các chi phí vay của Chính phủ đã giảm và lãi suất ít hỗ trợ cho nền kinh tế hơn so với trước đây", báo cáo nhận định.
Theo đó, các chuyên gia của Rồng Việt cho rằng Chính phủ các nước tập trung vào các dự án đầu tư thay vì các khoản chi tiêu khác. Trong những trường hợp này, chính sách tài khóa và tiền tệ nên thực hiện theo cùng một định hướng để kích thích tăng trưởng.
Tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế
Hiện nay, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã giảm so với cách đây 2 năm. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới không sáng sủa, triển vọng tăng trưởng gặp nhiều thách thức, việc tìm kiếm động lực dẫn dắt nền kinh tế từ gia tăng đầu tư công, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, là khả thi.
Ông Lâm cho rằng để đầu tư công tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng, cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn nhanh chóng cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.
Mặc dù đầu tư công là khá hiệu quả khi khu vực doanh nghiệp cẩn trọng hơn với quyết định đầu tư, song các chuyên gia của Rồng Việt lại cho rằng đầu tư công cần thận trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam sẽ bất lợi hơn trong giai đoạn 2019-2022 do kinh tế thế giới bước vào giai đoạn "bất trắc hơn" và hơn 1/3 nợ công sẽ đáo hạn.
"Tuy vậy, có những lý do để tin rằng Việt Nam sẽ có thể vượt qua khó khăn. Đó là Chính phủ đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch thoái vốn ban đầu về mặt giá trị trong khi luật mới về đầu tư công sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020", báo cáo khẳng định.
Theo đó, Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng đầu tư công khi thực hiện cần lưu ý tới 2 vấn đề. Thứ nhất, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016-2020. Thứ hai, Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách lãi suất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại.
"Lãi suất thực vẫn dương trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ đã bắt đầu có xu hướng giảm lại", báo cáo nhấn mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hội tụ đủ những điều kiện để tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm tới.