11:05 19/08/2009

Thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản

Nhĩ Anh

Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh doanh

Tính đến nay, Nhật Bản có 1.113 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD, chiếm 10,67% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Tính đến nay, Nhật Bản có 1.113 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD, chiếm 10,67% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Trong khuôn khổ Lễ hội Nhật Bản năm 2009 được tổ chức tại Đà Nẵng và Hội An vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Hỗn hợp tổ chức Lễ hội Nhật-Việt, UBND Tp. Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO)... đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Hội thảo Kết nối cung - cầu công nghệ.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu, trao đổi và hợp tác kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tập trung thảo luận hai nội dung chính: môi trường đầu tư vào miền Trung và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản; khả năng của các doanh nghiệp Nhật Bản trong hợp tác, tiếp nhận sản phẩm phụ trợ từ các doanh nghiệp Việt Nam; hợp tác, kết nối cung - cầu công nghệ Việt Nam-Nhật Bản.

Doanh nghiệp Nhật mở rộng đầu tư vào khu vực

Với vị trí chiến lược quan trọng trong chuỗi đô thị khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã được Đà Nẵng đưa ra nhằm xây dựng thành phố thành một trung tâm kinh tế xã hội, công nghiệp, dịch vụ và kho học công nghệ của khu vực.

Theo kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ là thành phố môi trường với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 13,8%, tốc độ đổi mới công nghệ bình quân hàng năm đạt 25%.

Nằm trên "Con đường di sản thế giới", gần kề với 4 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới gồm: Phong Nha-Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Đà Nẵng còn được biết đến như một trong những điểm nhấn du lịch miền Trung.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng cho rằng, mối quan hệ giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã có truyền thống lâu đời. Đây cũng sẽ là những tiền đề của sự hợp tác và phát triển giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các doanh nghiệp của Đà Nẵng và Việt Nam.

Theo ông Mitsuo SAKABA, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, hiện nay các dự án ODA của Nhật Bản có liên quan mật thiết với sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Đặc biệt đã có nhiều dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông như: xây dựng cảng, cầu đường. .. Các dự án này đã góp phần vào thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế Đông- Tây... Tp.Đà Nẵng sẽ ngày càng phát huy được vai trò một thành phố trọng điểm của vùng Trung Bộ.

Tính đến cuối năm 2008, mặc dù chịu tác động mạnh mẽ của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam với 105 dự án và số vốn đăng ký đạt trên 7,2 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2009, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 35 dự án và tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 94 triệu USD. Tính đến nay, Nhật Bản có 1.113 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD, chiếm 10,67% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và những triển vọng phát triển, ông Mitsuo Sakaba nhận định, việc mở rộng của các doanh nghiệp Nhật Bản vào khu vực Đà Nẵng sẽ diễn ra rất nhanh. Đến nay, đã có gần 40 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại vùng Trung Bộ.

Tuy nhiên, nếu hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phát triển hơn nữa thì sức hấp dẫn của khu vực này sẽ còn cao hơn. Chính phủ Nhật Bản sẽ liên kết với các trường đại học trong khu vực để đào tạo nguồn nhân lực có khả năng nói tiếng Nhật Bản, đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực công nghệ

Theo ông Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ sau khi Hiệp định Chính phủ về hợp tác khoa học công nghệ Việt Nam và Nhật Bản được ký kết, hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước phát triển ngày càng đa dạng, hiệu quả và đi vào chiều sâu.

Mối quan hệ này đã được thể hiện qua hợp tác phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, năng lượng nguyên tử, công nghệ vũ trụ, cung cấp chuyên gia, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam...

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Công ty GLIN chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ của Nhật Bản, hai bên đã cùng tiến hành lựa chọn 150 doanh nghiệp sản xuất lớn nhất của Nhật Bản tại Việt Nam để điều tra hiện trạng và nhu cầu cung cấp các sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hai bên cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp điển hình của Việt Nam tại Hà Nội, Tp. HCM và Đà Nẵng để khảo sát nhu cầu công nghệ cũng như kế hoạch kinh doanh các sản phẩm được sản xuất với công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản.

Đã có 17 doanh nghiệp Việt Nam đã được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ khảo sát và đưa vào chương trình kết nối cung - cầu về hợp tác và chuyển giao công nghệ, 11 đối tác Nhật Bản có công nghệ phù hợp sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Trên cơ sở đó, một số thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các đối tác Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam đã được ký kết, trong đó điển hình là ký kết về thiết kế chế tạo ôtô và linh kiện ô tô giữa Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki, Hà Nội và Công ty Nagara, Nhật Bản...

Nhằm thúc đẩy tìm kiếm, đáp ứng cung cầu công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cùng hợp tác xác định nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng để tìm và kết nối với các nguồn cung công nghệ từ Nhật Bản.

Cục cũng sẽ phối hợp với Sở kết nối đào tạo giữa trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và Học viện Katayanagi - Nhật Bản để cung cấp nguồn nhân lực công nghệ đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp; đồng thời rà soát và thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, hình thành lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ, phát triển các loại hình dịch vụ, xúc tiến chuyển giao công nghệ phù hợp với điều kiện của Đà Nẵng...

Đà Nẵng đã có hàng loạt cơ chế chính sách để ưu tiên phát triển khoa học công nghệ đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố cho biết.