08:00 30/05/2007

Thực hiện dự án nhà máy thép lớn nhất tại Việt Nam

An Thơ - Đức Thọ

Hai "đại gia" ngành thép trong và ngoài nước sẽ hợp tác thực hiện dự án Nhà máy Thép liên hợp Hà Tĩnh

Sản xuất thép tại Nhà máy Thép Phú Mỹ (Công ty Thép miền Nam) thuộc Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: TT.
Sản xuất thép tại Nhà máy Thép Phú Mỹ (Công ty Thép miền Nam) thuộc Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: TT.
Sáng 29/5/2007, tại Hà Nội, Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) đã chính thức ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn thép TATA của Ấn Độ để thực hiện dự án Nhà máy Thép liên hợp Hà Tĩnh, với công suất dự kiến lên tới 4,5 triệu tấn thép cao cấp mỗi năm.

Đây là dự án lớn nhất từ trước tới nay của ngành thép, nhằm cân đối cơ cấu giữa thượng nguồn và hạ nguồn, giữa thép xây dựng và thép cao cấp tấm lá.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những thị trường hàng đầu cung cấp các sản phẩm phôi, thép thành phẩm (trừ thép xây dựng) vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc luôn dẫn đầu. Cụ thể, nếu như năm 2003, Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 7 cung cấp thép vào Việt Nam, chiếm 20 - 25% tổng kim ngạch nhập khẩu thì nay, con số này đã vọt lên 30 - 40%.

Trong số các sản phẩm thép phải nhập khẩu như phôi và gần đây là thép cuộn thì phổ biến vẫn là mặt hàng thép tấm, lá cán nóng và cán nguội. Nhu cầu thép tấm, lá của Việt Nam hiện được xác định khoảng 4,0 - 4,2 triệu tấn/năm và nhu cầu con số này đến 2010 lên tới 7 triệu tấn/năm.

Mặc dù thị trường tiêu thụ thép tấm lá rất lớn nhưng lâu nay, mảnh đất này hoàn toàn bỏ ngỏ vì khả năng sản xuất trong nước từ các nhà máy Thái Nguyên và Phú Mỹ chỉ đáp ứng khoảng 300 nghìn tấn cán nguội (hoàn toàn chưa sản xuất được cán nóng), tương đương 7,1%. Và có tới 93% tổng lượng thép tấm, lá phải nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Philippines.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết: "Năm 2006, Việt Nam nhập khẩu 2.658 nghìn tấn thép tấm lá, cuộn cán nóng, cán nguội, giá trị 1,264 tỷ USD. Tính riêng quý I/2007, nhập khẩu tới 1.124 tấn, tương đương 572 triệu USD".

Ông Cường cho biết thêm, trên thị trường thép hiện nay, thay vì đa dạng hóa thành phẩm thì quy cách, chủng loại sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước hết sức nghèo nàn, chủ yếu là thép CT3, tròn trơn, đường kính từ 8 - 60mm; thép CT5 vằn, đường kính từ 10 - 32 mm; thép vằn A3, đường kính 13 - 32mm; thép góc đều 25 x 25, 30 x 30, 40 x 40 "thép chữ U, chữ nhật".

Cùng với đó, thép tấm lá cán nóng, cán nguội là đầu vào của hàng loạt dòng sản phẩm thép sau cán như thép ống, thép hình, thép cho đóng tàu, xây dựng cao tầng, giao thông và nhiều công trình trọng điểm quốc gia. Chính vì phụ thuộc vào nhập khẩu nên mỗi khi Trung Quốc hay các nước thay đổi chính sách giá, thuế và phân phối thép tấm lá, lập tức làm chao đảo các ngành sản xuất trong nước sử dụng sản phẩm này. Trong khi Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở để xây dựng một khu liên hợp có công suất lớn, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Do thị trường thép Việt Nam trong hàng chục năm liền mất cân đối giữa phôi và thép thành phẩm, giữa thép xây dựng và thép cao cấp khác như tấm lá cán nóng, cán nguội nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công nghiệp và VSC khẩn trương xây dựng Khu liên hợp thép Hà Tĩnh, sử dụng đầu vào là mỏ quặng sắt Thạch Khê.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng nhà máy liên hợp với sản phẩm tấm lá cán nguội, cán nóng chính là bước đột phá, tạo nên sự cân đối trên thị trường thép thành phẩm trong nước và hạn chế đến mức thấp nhất sự lãng phí nguồn ngoại tệ.Như vậy, cùng với việc vừa ra mắt Công ty Cổ phần Quặng sắt Thạch Khê, triển khai dự án khai thác mỏ sắt, việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa VSC và TATA, đã tạo nên sự đồng bộ của hai dự án này.

Ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc VSC nói: "Dự án nhằm mục tiêu sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên quặng sắt của mỏ Thạch Khê tại Hà Tĩnh để sản xuất các sản phẩm thép phục vụ nhu cầu nền kinh tế".

Theo tinh thần chung, sau khi ký kết ghi nhớ, VSC và TATA sẽ phối hợp triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi và hoàn tất việc thu xếp vốn. TATA sẽ giữ tối thiểu 65% và VSC giữ tối đa 35% cổ phần trong dự án thép liên hợp. Ngoài ra, theo thỏa thuận từ trước, TATA cũng được tham gia 30% cổ phần trong Công ty Cổ phần Quặng sắt Thạch Khê vừa ra mắt ngày 17/5 vừa qua, trong khi cổ phần của VSC tại dự án này là 20%.

Như vậy, tổng cổ phần của hai "đại gia" VSC và TATA trong Công ty Cổ phần Quặng sắt Thạch Khê sẽ là 50%.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là đến bao giờ, dự án liên hợp khởi công. Ông B Muthuraman, Tổng giám đốc Tập đoàn TATA Steel và ông Đậu Văn Hùng đều khẳng định sau 16 tháng, kể từ ngày ký biên bản ghi nhớ sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và khi thực hiện đầu tư thì sau 10 năm sẽ đạt công suất 4,5 triệu tấn/năm.

Mặc dù các chỉ số IRR, NPV, tổng mức đầu tư phải chờ trả lời từ báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà Tập đoàn Acerlo của Pháp đã xây dựng và được Chính phủ vừa thông qua thì tổng mức đầu tư của dự án ước 3,5 tỷ USD. Và nếu VSC nắm giữ tối đa 35% cổ phần thì VSC phải đảm bảo nguồn vốn cho dự án này hơn 1 tỷ USD.

Giải quyết nguồn vốn này, theo nhận định chung, VSC sẽ tiếp tục phát hành đợt trái phiếu doanh nghiệp sau thành công của đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp 400 tỷ đồng mới đây.

* Nhà máy Thép liên hợp Hà Tĩnh là dự án trọng điểm trong quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên quặng sắt của mỏ Thạch Khê tại Hà Tĩnh có trữ lượng 500 triệu tấn để sản xuất các sản phẩm thép phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế. Đồng thời, đây là dự án đã được Chính phủ đã cho phép VSC lựa chọn đối tác nước ngoài là TATA cùng với VSC tiến hành nghiên cứu khả thi và triển khai thực hiện dự án.

TATA hiện là nhà sản xuất thép đứng thứ 6 trên thế giới, với công suất 25 triệu tấn thép/năm, hoạt động trên 45 nước. Tại Việt Nam, TATA đã có hai liên doanh với VSC trong các nhà máy cán thép tại Việt Nam.