11:28 23/02/2008

Thực tập cũng cần có luật điều chỉnh

Trên thực tế trong nhiều trường hợp, việc thực tập hoàn toàn chẳng mang lại một lợi ích cụ thể nào cho sinh viên

Làm sao tránh được cả hai tình trạng là lãng phí nhân lực hoặc lạm dụng việc thực tập để sử dụng lao động miễn phí?
Làm sao tránh được cả hai tình trạng là lãng phí nhân lực hoặc lạm dụng việc thực tập để sử dụng lao động miễn phí?
Hàng năm, khi gần đến thời điểm kết thúc khóa học là các sinh viên lại phải đổ xô đi kiếm chỗ thực tập, nhất là những ai không đạt điểm viết luận văn, bởi vì khi đó đi thực tập là bắt buộc chứ không còn là chọn lựa.

Về mặt nguyên tắc, thực tập là một khóa đào tạo thực hành nhằm mục đích hoàn thiện những kiến thức lý thuyết, là bước chuyển tiếp giữa thế giới học đường và môi trường làm việc thực sự, là cơ hội để sinh viên tiếp cận với thực tế và thực hành những gì mình đã học, qua việc được giao phụ trách một số nhiệm vụ, công việc nào đó như người nhân viên của công ty. Qua đó sinh viên sẽ học hỏi được rất nhiều và cũng cần phải được đảm bảo một số quyền lợi như của người lao động thực sự.

Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều trường hợp, việc thực tập hoàn toàn chẳng mang lại một lợi ích cụ thể nào cho sinh viên, ngoại trừ việc có được cái giấy chứng nhận để hoàn thành yêu cầu của nhà trường. Nhiều sinh viên đến nơi thực tập chỉ được phụ trách việc “bưng trà pha nước” chứ không được giao công việc hay thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, không có người hướng dẫn thực tập để giải thích hay theo dõi quá trình thực tập một cách thực sự có hiệu quả.

Đây là một sự lãng phí lớn, vì nếu được hướng dẫn tận tình thì những thực tập sinh này hoàn toàn có khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, như một lao động có khả năng làm ra sản phẩm thực sự. Và sau đó chính họ sẽ trở thành nguồn lao động tiềm năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác thì thực tập sinh lại phải làm việc thực thụ như một người lao động, chỉ khác là không được trả lương mà thôi. Nhưng vì cần có kinh nghiệm để dễ xin việc làm sau khi ra trường nên nhiều sinh viên chấp nhận làm việc không công một thời gian trong các doanh nghiệp.

Đây là trường hợp các cơ quan (công ty) lợi dụng quy chế thực tập để tiết kiệm khoản tiền thù lao phải trả cho nhân viên, do đó, mặc dù sinh viên có học hỏi được kinh nghiệm từ thực tiễn nhưng quyền lợi lại không được bảo vệ và tôn trọng, khiến cho việc thực tập cũng không đảm bảo được mục đích ban đầu.

Vấn đề đặt ra là làm sao tránh được cả hai tình trạng là lãng phí nhân lực hoặc lạm dụng việc thực tập để sử dụng lao động miễn phí. Xin giới thiệu một số kinh nghiệm của Pháp trong việc giải quyết vấn đề này.

Ở Pháp, trước đây tình trạng quản lý việc thực tập cũng rất lộn xộn nhưng từ khi luật ngày 1/7/2006 ra đời, tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Theo luật mới, không còn phân biệt việc thực tập bắt buộc và thực tập tùy nghi nữa, mà tất cả đều phải thông qua một thỏa thuận thực tập, ký giữa thực tập sinh, doanh nghiệp nhận thực tập và cơ sở đào tạo.

Các nhiệm vụ giao cho thực tập sinh phải được ghi nhận cụ thể trong bản thỏa thuận thực tập và doanh nghiệp không được giao công việc vượt quá điều đã được ghi nhận trong các điều khoản. Ngoài ra, trong bản thỏa thuận cũng phải có đầy đủ thông tin về ba bên (đại diện doanh nghiệp, nhà trường và bản thân thực tập sinh), về thời gian bắt đầu và kết thúc việc thực tập, thời gian thực tập hàng tuần (không được quá 35 giờ), thù lao, điều kiện thực tập, việc cấp giấy chứng nhận thực tập, các trường hợp treo hoặc chấm dứt việc thực tập...

Trong đó, cũng phải chỉ định người hướng dẫn thực tập, có trách nhiệm chỉ dẫn và theo dõi quá trình thực tập của sinh viên. Đặc biệt, không một thỏa thuận thực tập nào được ký kết để thay thế cho người lao động trong trường hợp vắng mặt, bị treo hợp đồng lao động hay thôi việc, để thực hiện một nhiệm vụ thường xuyên tương ứng với một công việc thường trực, hoặc để phụ trách một công việc thời vụ.

Do đó nếu rơi vào các trường hợp này, thực tập sinh cần kiện ra tòa lao động để đòi bồi thường thiệt hại và yêu cầu được trả khoản lương lẽ ra được hưởng nếu là nhân viên.

Về thời gian thực tập, trừ phi việc thực tập gắn liền với quá trình đào tạo trong một số ngành nghề, các trường hợp khác không được vượt quá sáu tháng, tính trên một năm học. Về thù lao, doanh nghiệp phải trả cho các thực tập sinh một khoản tối thiểu là 30% mức lương tối thiểu nếu thời gian thực tập nhiều hơn ba tháng, sau đó tùy bằng cấp và ngành nghề mà tỷ lệ này có thể tăng lên.

Ví dụ, đối với các văn phòng luật sư có hai người thì tỷ lệ này là 60%, từ ba đến năm người là 70%, từ tám người trở lên là 85%. Những người có bằng cấp càng cao thì tỷ lệ này càng tăng lên, ví dụ có bằng cao học thì tỷ lệ là 60%.

Ngoài ra các thực tập sinh được hưởng chế độ bảo hiểm cho tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên họ lại phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, để đề phòng cho các trường hợp làm hư hỏng, mất mát máy móc, trang thiết bị của doanh nghiệp thì sẽ có công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.

Phía doanh nghiệp sẽ được hưởng những ưu tiên như miễn đóng thuế học nghề hay trong một số trường hợp được trợ giúp một khoản quỹ từ phía sở thuế cho các chi phí đón nhận thực tập sinh.

Trong hoàn cảnh và điều kiện riêng của mình, Việt Nam không nên sao chép y nguyên các quy định trong luật của Pháp, nhưng có thể dựa vào đó để xây dựng các quy phạm điều chỉnh cho vấn đề thực tập, sao cho không bị lãng phí nguồn nhân lực hoặc không để nó bị lạm dụng gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của thực tập sinh.

Thế nhưng ngay khi luật được xây dựng, ban hành và có hiệu lực thì vẫn chưa đủ mà điều quan trọng nhất là nó phải được tôn trọng. Điều này phải xuất phát đầu tiên từ nhận thức và thiện chí các doanh nghiệp và sinh viên. Chính họ phải ý thức được tầm quan trọng của việc thực tập và làm cho nó trở nên thực sự có ích cho cả hai bên.