Thực tập sinh Google chia sẻ bí kíp "trụ vững" tại Big Tech sau ba mùa hè
Cô gái đến từ Columbia rút ra nhiều kinh nghiệm sau khi ứng tuyển và được nhận làm thực tập sinh tại Google, trong đó yếu tố quan trọng nhất chính là sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng…
Cô gái Gen Z Nancy Qi, một sinh viên 21 tuổi đến từ Columbia, đã dành trọn vẹn ba mùa hè liên tiếp tại một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới - Google.
Mùa hè năm nay, Nancy tiếp tục làm việc tại văn phòng New York của Google Photos, mảng phát triển hệ điều hành Android. Trước đó, cô sinh viên mới chỉ bước qua tuổi 20 đã chinh phục thành công vị trí thực tập sinh thuộc nhóm Core và Shopping của Google đặt trụ sở tại Sunnyvale và Mountain View.
Chia sẻ với Business Insider về bí kíp thành công, Nancy khẳng định các bạn trẻ nên nộp đơn xin thực tập vào Google càng sớm càng tốt vì cho rằng kinh nghiệm làm việc từ khi học đại học có thể tạo ra nhiều lợi thế lớn, điển hình như khả năng xử lý câu hỏi và tình huống mang tính chuyên môn trong hầu hết cuộc phỏng vấn tuyển dụng sau này.
Tuy nhiên, để sở hữu lời mời ở lại sau quãng thời gian thực tập, mọi hoạt động diễn ra sau khi nhận việc đóng vai trò quan trọng. Và Nancy đã ghi danh vào số ít thực tập sinh xuất sắc nhận được hai lời đề nghị ở lại và tiếp tục công việc tại Google cho đến nay. Tất nhiên, không có công thức nào là hoàn hảo, nhưng một số bí kíp sau đây có thể giúp ích cho những người trẻ trên con đường chinh phục nhà tuyển dụng Big Tech.
LÀM VIỆC TRỰC TIẾP VỚI NGƯỜI HƯỚNG DẪN
Mỗi thực tập sinh tại Google đều được chỉ định người hướng dẫn hoặc quản lý trực tiếp, mà Nancy nhận định là "người quan trọng nhất trong kỳ thực tập".
Vào cuối mỗi kỳ, người hướng dẫn sẽ hoàn thành bản đánh giá hiệu quả làm việc của thực tập sinh. Một số tiêu chí được tiết lộ có thể kể đến như tinh thần cầu thị, phối hợp nhóm và chất lượng công việc.
Trước đây, trong mùa hè thực tập đầu tiên, Nancy thường gặp gỡ người hướng dẫn khoảng hai tuần một lần. Tuy nhiên, hiện tại, cô chủ động làm việc với người hướng dẫn gần như hàng ngày và điều đó tạo ra sự khác biệt lớn. Ít nhất, người hướng dẫn hiện tại luôn đồng hành cùng cô để đảm bảo tiến độ công việc và cố gắng hỗ trợ giải quyết bất kỳ khó khăn xảy đến trong quá trình.
NẾU CẦN TÌM CẢM HỨNG, HÃY ĐẾN MỘT VĂN PHÒNG MỚI
Nancy tiết lộ một trong những đặc quyền khi làm việc tại Google là được sử dụng tất cả văn phòng ở công ty. Trong kỳ thực tập đầu tiên, cô thay đổi văn phòng mỗi tuần một lần. Chiến thuật này có vẻ rất hiệu quả, giúp cô "đổi gió" và thỏa niềm cảm hứng trong suốt mùa hè.
"Ngày nào tôi cũng đi qua tất cả văn phòng và cảm thấy choáng ngợp", Nancy hào hứng chia sẻ. "Tôi thực sự biết ơn vì có được trải nghiệm này".
Ngoài ra, cô gái trẻ khẳng định làm việc ở nhiều văn phòng khác nhau giúp duy trì động lực trong kỳ thực tập. "Thực sự là cảm giác 'Wow' sẽ không bao giờ biến mất, không thể tin là tôi đã trúng tuyển kỳ thực tập này".
TÍCH CỰC GIAO LƯU VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Theo văn hoá công ty, Google tổ chức rất nhiều sự kiện dành cho nhân viên, chẳng hạn như các buổi giao lưu nhóm hay ăn trưa miễn phí. Tất nhiên, Nancy đưa ra lời khuyên rằng nên tham gia tối đa những hoạt động này.
Cô cho rằng những sự kiện giúp nhóm hiểu hơn về tính cách của từng thành viên và "có xu hướng hỗ trợ bạn nhiều hơn trong sự nghiệp và mong muốn bạn thành công".
Hơn nữa, nhóm nhân sự chính thức toàn thời gian luôn có nhiều kinh nghiệm quý giá để chia sẻ và Nancy đã nhận được vô số lời khuyên chuyên môn giá trị từ người tiền bối thân thiết.
Bên cạnh khả năng kết nối và phát triển nghề nghiệp, bản đánh giá tổng kết cuối kỳ luôn có một phần thêm đánh giá tham khảo từ nhân viên chính thức khác, những người đồng nghiệp đã chứng kiến toàn bộ quá trình làm việc của thực tập sinh. Vì vậy, việc liệt kê một số đánh giá của đồng nghiệp có thể trở thành yếu tố then chốt quyết định vấn đề “đi hay ở” sau kỳ thực tập.
HOÀN THÀNH BIỂU MẪU ĐÁNH GIÁ
Toàn bộ thực tập sinh tại Google phải hoàn thành bản tự đánh giá vào cuối kỳ thực tập và Nancy đã dành rất nhiều thời gian cho việc này.
Vào cuối mỗi tuần, cô sinh viên luôn ghi chép lại những khó khăn và cả lượng công việc hoàn thành. Khi điền bản đánh giá cuối kỳ, cô không quên đính kèm ảnh chụp màn hình và liên kết đến các bản tóm tắt hàng tuần.
Nancy nghĩ rằng điều này đã góp phần giúp cô nhận được lời đề nghị ở lại bởi công ty đánh giá cao toàn bộ quá trình nỗ lực. Ngay cả khi cần nhiều thời gian hơn để giải quyết nhiệm vụ được giao, người đánh giá vẫn nhìn nhận tổng thể và đánh giá cao cách tiếp cận, giải quyết vấn đề của các thực tập sinh.