10:32 05/11/2007

Thuế chứng khoán có nắm được người không tóc?

Chưa phải đóng thuế, cây chứng khoán có động lực lớn nhanh, và khi thu, Nhà nước có thể thu ngay được nhiều

Nếu Nhà nước đánh thuế thu nhập chứng khoán 25% như đang dự thảo, thì hành nghề đầu tư cổ phiếu sẽ chẳng còn “dễ dàng”.
Nếu Nhà nước đánh thuế thu nhập chứng khoán 25% như đang dự thảo, thì hành nghề đầu tư cổ phiếu sẽ chẳng còn “dễ dàng”.
Có một người quen có suy nghĩ thật lạ. Anh ta bảo đầu tư chứng khoán bây giờ giống như sống gấp. Vì hai lý do.

Thứ nhất, thị trường Việt Nam là thị trường mới nổi, phát triển chưa ổn định, giá cổ phiếu biến động nhiều, nên cơ hội kiếm tiền rộng mở. Vài năm nữa thị trường dần ổn định, đi vào quỹ đạo của nó như ở các nước, thì cơ hội đầu tư sẽ trở nên eo hẹp.

Thứ hai là hiện nay mua bán chứng khoán chưa phải đóng thuế. Sang năm 2009, nếu Nhà nước đánh thuế thu nhập chứng khoán 25% như đang dự thảo, thì hành nghề đầu tư cổ phiếu sẽ chẳng còn “dễ dàng”.

Các công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết, đơn vị cổ phần hóa, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, Hiệp hội Chứng khoán… đều đã có công văn gửi Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo luật thuế thu nhập, bày tỏ chính kiến về thuế thu nhập chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân thì phát biểu rần rần trên mạng. Tựu trung hầu hết mọi người đồng ý kinh doanh chứng khoán phải nộp thuế, nhưng quan trọng là mức thuế nào, thời điểm thu từ bao giờ và cách thu ra sao để đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch.

Trước hết, 25% đối với thu nhập chứng khoán là mức thuế cao. Nhà đầu tư làm ra 10 đồng, Nhà nước thu 2,5 đồng. Mức thuế như vậy, theo nhận xét của chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán, là mang tính tận thu, không khuyến khích người dân tham gia đầu tư chứng khoán.

Khi người viết nói ý này với một quan chức ngành tài chính, ông bảo Nhà nước khuyến khích đã bảy năm rồi, kể từ khi có sàn giao dịch Tp.HCM, nhà đầu tư có phải đóng đồng thuế nào đâu; hơn nữa Nhà nước lại còn để thêm một năm 2008 cho nhà đầu tư chuẩn bị.

Thế nhưng ông dường như đã quên rằng trong bảy năm hoạt động vừa qua, năm năm đầu thị trường chứng khoán luôn vắng hoe vắng hoắt, cổ phiếu lèo tèo vài chục loại, Ủy ban Chứng khoán đi vận động lên sàn, ít công ty đáp lời. Còn tài khoản của nhà đầu tư cũng chỉ dừng ở mức hàng chục ngàn, không bằng tài khoản cá nhân mở tại một ngân hàng hạng nhỏ ở các nước khu vực.

Chỉ từ hai năm nay thị trường mới khởi sắc. Và cây chứng khoán bây giờ mới thực sự có đầy đủ không khí, ánh nắng mặt trời, nguồn nước tưới dồi dào để đâm cành sinh sôi. Nên chăng để cây trưởng thành lên, cành lá xum xuê, thu thuế cũng chưa vội?

Chưa phải đóng thuế, cây chứng khoán có động lực lớn nhanh, và khi thu, Nhà nước có thể thu ngay được nhiều. Chắc chắn số thu thuế thu nhập chứng khoán ở thời điểm mà số tài khoản nhà đầu tư là vài trăm ngàn như hiện tại và hàng triệu trong thời gian tới sẽ là khoảng cách lớn. Khoan sức dân để tích lũy, thu được nhiều và lâu dài trong tương lai hay tận thu để nguồn thu còi cọc là điều có lẽ cơ quan thuế cần cân nhắc hơn ai hết!

Chính vì thế các tổ chức và cá nhân đầu tư chứng khoán đều lên tiếng đề nghị hạ mức thuế, dãn thời điểm bắt đầu nộp thuế thêm một thời gian. Ngoài ra, trong hai phương pháp thu thuế liên quan đến chứng khoán mà dự thảo luật đưa ra, việc thu thuế 0,1% trên tổng giá trị giao dịch được ủng hộ ở mức áp đảo.

Thực ra, mức thu 0,1% giá trị giao dịch không phải nhỏ và mang tính cào bằng, bởi khoản đầu tư lỗ hay lời đều phải nộp và nhà đầu tư nộp cả khi mua lẫn bán một loại cổ phiếu. Cứ giao dịch chứng khoán là nộp 0,1% bất kể anh có lợi nhuận hay thua lỗ.

Tuy nhiên với phương pháp này, việc thu thuế trước mắt tỏ ra dễ thực hiện, công bằng và minh bạch hơn so với việc Nhà nước thu ngay 25%, sau đó cuối năm nhà đầu tư hạch toán lời lỗ và sẽ được hoàn thuế trong trường hợp kinh doanh không có lời.

Cuộc khảo sát “bỏ túi” của chúng tôi với 10 nhà đầu tư khác nhau về tuổi tác và giới tính ở sàn một công ty chứng khoán cho thấy phần lớn họ chọn cách thu thứ hai với lý lẽ “khi mua bán cổ phiếu chúng tôi chỉ việc cộng thêm 0,1% vào phí giao dịch, coi như phí giao dịch tăng thêm chừng đó”. Cách thu này xem ra đơn giản, xác suất thực hiện thành công cao cho cả bên thu thuế và người nộp thuế.

Song, dù có nhiều ưu điểm hơn thì phương pháp thu thứ hai cũng sẽ bộc lộ những nhược điểm của nó. Đó là thu thế nào đối với các giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) và người mua - kẻ bán giao dịch trực tiếp không qua tài khoản ở công ty chứng khoán.

Bộ Tài chính nói rằng điều này không đáng ngại, vì sang năm mọi giao dịch OTC sẽ vào khuôn phép, nghĩa là cũng thông qua công ty chứng khoán và được báo về Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Đấy là lý thuyết.

Trên thực tế độ trễ của việc thực hiện đề án giao dịch OTC đang ngày càng gia tăng. Chưa có gì đảm bảo từ 1-1-2008 giao dịch OTC sẽ vào khuôn phép khi mà cổ phiếu OTC có tới hàng ngàn loại và số lượng ngày càng gia tăng do tốc độ ra đời của các công ty mới và doanh nghiệp cổ phần hóa. Có những công ty chưa đăng ký hoặc chưa đủ điều kiện đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), nhưng cổ phiếu vẫn được giao dịch trao tay trên thị trường tự do.

Mặt khác các công ty chứng khoán, dù nỗ lực đến đâu, cũng không thể báo cáo với sàn Hà Nội về tất cả các giao dịch OTC trên thị trường vì họ không đủ khả năng bao quát toàn bộ sân chơi OTC. Cách đây không lâu, đại diện sàn Hà Nội cho biết sẽ thử nghiệm giao dịch 20 cổ phiếu của các ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm chưa niêm yết từ đầu tháng 10-2007.

Nhưng nay đã sang tháng 11, giao dịch thử nghiệm vẫn chưa tiến hành, thì bao giờ mới rút kinh nghiệm để triển khai đồng bộ? Vậy là thuế lại nắm người có tóc (nhà đầu tư có tài khoản, giao dịch chứng khoán niêm yết), còn thu thuế giao dịch OTC thì vẫn phải đợi.