07:15 17/04/2007

Thuê tổng giám đốc vẫn vướng

Nguyễn Hoài

Tại một doanh nghiệp nhà nước thực hiện đề án thuê tổng giám đốc, ứng viên duy nhất chính là ông tổng giám đốc hiện tại

Vấn đề khiến nhiều người quan tâm là tại sao nhiều ứng viên không muốn dự tuyển vào vị trí tổng giám đốc của VEC.
Vấn đề khiến nhiều người quan tâm là tại sao nhiều ứng viên không muốn dự tuyển vào vị trí tổng giám đốc của VEC.
Theo Quyết định 127/2006/QĐ - TTg ngày 31/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện (VEC) sẽ là doanh nghiệp đầu tiên trực thuộc Bộ Công nghiệp thực hiện đề án thuê tổng giám đốc.

Để tuyển dụng vào các vị trí trong các doanh nghiệp tư nhân hay FDI, ban tổ chức phải làm việc cật lực để rà soát, loại bỏ bớt các ứng viên; thậm chí, có ứng viên khiến bộ phận tuyển dụng phải đau đầu vì “kẻ tám lạng, người nửa cân” và bỏ ai cũng thấy tiếc. Trong khi đó, câu chuyện tuyển tổng giám đốc ở VEC gần như ngược hoàn toàn với những gì đang xảy ra trên thị trường tuyển dụng hiện nay. Mặc dù đề án được chuẩn bị từ mấy năm trước và thông báo tuyển ứng viên cả tháng qua, nhưng chỉ có một bộ hồ sơ dự tuyển của chính quyền tổng giám đốc đương nhiệm.

Ứng viên không có đối thủ!

Tại cuộc họp gần đây giữa VEC và Bộ Công nghiệp, ông Nguyễn Kiến Thiết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết: “VEC bắt đầu đăng thông báo tuyển chọn tổng giám đốc từ ngày 13/3/2007 nhưng đến nay chỉ có một hồ sơ dự tuyển”.

Và điều bất ngờ nhất, ứng viên duy nhất này lại là ông Lưu Văn ảnh, đương chức quyền tổng giám đốc của VEC!

Để không bị “hớ” khi trao hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước vào những ứng viên không đủ khả năng, đề án tuyển chọn tổng giám đốc tại VEC được chuẩn bị rất công phu từ 2004, được sửa đi sửa lại không dưới 7 lần và có tới 3 văn bản hướng dẫn. Về phía VEC, công tác chuẩn bị cũng rất chu đáo: đã gửi đăng thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 13/3/2007; lựa chọn đề án, lên lịch tiếp xúc với ứng viên...

Tuy nhiên theo ông Thiết, số ứng viên đến tìm hiểu rất ít và số nộp hồ sơ dự tuyển không có ai, ngoại trừ một bộ hồ sơ của ông Lưu Văn ảnh!

Cho rằng, sẽ thiếu khách quan khi chỉ có một ứng viên dự tuyển, lại là người đang giữ vị trí cao nhất trong bộ máy quản lý, hiện tại VEC đang vận động một ứng viên khác cùng dự tuyển nhưng phải một tuần sau đó, mới có kết quả chính thức rằng ông này có đồng ý dự tuyển hay không.

Tại cuộc họp nói trên, đã thống nhất: nếu không có thêm một ứng viên, Hội đồng Quản trị VEC vẫn tổ chức tuyển chọn. Điều này được hiểu, ông Lưu Văn Ảnh sẽ chỉ cạnh tranh với... chính mình và kiểu gì cũng... đỗ!

Vì sao ứng viên không mặn mà?

Rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh câu chuyện tuyển chọn tổng giám đốc của VEC nhưng vấn đề khiến nhiều người quan tâm nhất là tại sao họ không muốn dự tuyển vào vị trí này.

Theo giải thích của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công nghiệp) và ông Thiết, đa số các ứng viên đều băn khoăn trước thông tin vào 2008, VEC sẽ tiến hành cổ phần hóa toàn bộ Tổng công ty và khi bộ máy mới sẽ được thiết lập, vị trí lãnh đạo của họ sẽ bị thay đổi.

Dù vây, điều này cũng không dễ thuyết phục bởi thực tế, nếu một ứng viên có năng lực tốt, đem lại tăng trưởng cao cho VEC thì đương nhiên, khi cổ phần hóa, Hội đồng Quản trị và các cổ đông sẽ muốn người đó tiếp tục giữ vị trí tổng giám đốc. Vậy thì mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

Tiếp xúc với một ứng viên đã từng đến tìm hiểu thông tin dự tuyển, ông này cho biết, lý do để ông không mặn mà với chức danh tổng giám đốc của VEC là áp lực quá cao. Theo đánh giá của ông, mức tăng trưởng của VEC trong vài năm gần đây rất cao, thậm chí có thể đã kịch trần. Trong khi đó, chấp nhận tổng giám đốc, phải đạt kết quả tăng trưởng năm sau phải cao hơn năm trước. Điều này rất khó thực hiện bởi thị phần của VEC ngày càng bị thu hẹp do hàng loạt yếu tố bất lợi.

Một là, sản phẩm của VEC bao gồm cầu chì, công tơ điện, khí cụ, biến thế, dây cáp điện... không phải sản phẩm đặc thù như điện hay than. Trước kia, thị phần của VEC chiếm khá lớn do thị trường này chưa có sự bùng nổ. Nhưng hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực này với những thương hiệu tên tuổi như LiOa, Hanaka... Với cơ chế thoáng, họ luôn có được những hợp đồng lớn. Mặt khác, đầu ra trước kia của VEC gần như được mặc định bởi ngành điện, nhưng gần đây, tất cả đều phải đấu thầu và VEC không còn giữ vị trí độc tôn như trước.

Hai là, mô hình tổ chức của VEC bề ngoài là một tổng công ty lớn, có số vốn hàng trăm tỷ nhưng thực chất, chỉ là một “bao khoai tây”, trong đó gom các công ty lại với nhau. Gần đây, các công ty con này đã cổ phần hóa và cơ chế điều hành tương đối độc lập, không phụ thuộc nhiều vào “người mẹ hờ” là công ty mẹ. Chưa kể, công ty mẹ cũng không thể đủ năng lực tài chính để giữ tỷ lệ vốn góp chi phối vào gần 10 công ty con.

Vì vậy, việc điều hành các công ty con là do Hội đồng Quản trị VEC và các cổ đông của công ty ấy đảm trách, việc chỉ đạo “xen ngang” của một ông tổng giám đốc phía trên là vô cùng khó, chưa nói tới việc lập bộ máy, ê kíp để thực thi nhiệm vụ chung.

“Tiếng là tổng giám đốc nhưng chỉ là quyền rơm, dù là mức lương hấp dẫn đến mấy cũng khó!”. Ông này “chốt” lại như vậy.