10:34 29/01/2008

Thương hiệu cho xuất khẩu lao động

Lý Hà

Đã đến lục không thể xem nhẹ việc tạo thương hiệu cho đội ngũ lao động xuất khẩu của Việt Nam bằng uy tín và chất lượng

Hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm và năng lực cạnh tranh yếu.
Hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm và năng lực cạnh tranh yếu.
Điểm nhấn và là nhiệm trọng tâm của năm 2008 mà ngành lao động phấn đấu thực hiện, đó là phải nâng cao chất lượng nguồn lao động, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề.

Như vậy, muốn làm được điều này thì đã đến lúc lĩnh vực xuất khẩu lao động của Việt Nam phải tính đến chuyện xây dựng thương hiệu, tạo uy tín bằng việc nâng cao chất lượng, siết chặt quản lý.

Tham gia thị trường xuất khẩu lao động hơn 10 năm qua, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm và năng lực cạnh tranh yếu. xuất khẩu lao động đã tăng về quy mô nhưng lại chỉ tập trung ở những thị trường Đông Nam Á... vốn chỉ đem lại cho người lao động mức thu nhập xoá đói giảm nghèo, những thị trường có thu nhập cao và đang cần lao động nước ngoài thì lao động Việt Nam vẫn rất khó tiếp cận.

Vàng thau lẫn lộn

Đánh giá về tình hình xuất khẩu lao động năm 2007, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2007 cả nước đã đưa được 85.020 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 6,3% kế hoạch năm.

Trong đó, đứng đầu là thị trường Malaysia với 26.704 lao động; kế đến Đài Loan 23.640 lao động, Hàn Quốc 12.187 lao động... Nguồn thu ngoại tệ trong năm qua từ xuất khẩu lao động tính theo thu nhập thực tế do người lao động tích lũy chuyển về nước ước đạt 1,8 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Vui, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại hàng không (Airseco), dù đã hoàn thành chỉ tiêu nhưng nếu các doanh nghiệp không nâng cao thương hiệu của mình, đi vào chất lượng thì bức tranh xuất khẩu lao động của năm 2008 sẽ khó có sự thay đổi.

Tình trạng các doanh nghiệp khuyếch trương thanh thế, về địa phương lúc nào cũng tuyên bố mình là doanh nghiệp mạnh, là “số 1” để dễ tuyển lao động nhưng năng lực không có dẫn tới đổ vỡ hợp đồng rồi “đem con bỏ chợ” người lao động đã từng xảy ra.

Điển hình là Công ty Napaco Nghệ An, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An. Công ty này từng nhiều lần tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng là doanh nghiệp mạnh trong làng xuất khẩu lao động nhưng lại đầy rẫy sai phạm.

Theo kết quả đoàn thanh tra liên ngành mới công bố thì ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động và chuyên gia (Napaco), sau 4 năm nhậm chức đã có rất nhiều sai phạm. Trong đó, khai vốn điều lệ tăng nhiều lần (được Sở Tài chính Nghệ An xác nhận), lừa dối Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được cấp đổi giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động theo tinh thần của Nghị định 81/CP. Thành lập tới 21 đơn vị trực thuộc, rải khắp nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, 21 chi nhánh, cơ sở, trung tâm này đều có chức năng xuất khẩu lao động.

Ông Giản còn mua 7 chứng chỉ đào tạo nghề mộc cho 7 lao động xuất khẩu, khiến cho số lao động này mặc dù có chứng chỉ nghề, nhưng không có tay nghề phải trở về nước. Ngoài ra, cũng chính ông này ký khống 50 chứng chỉ cho một trung tâm của Napaco tại quận Long Biên Hà Nội, để Trung tâm tự do cấp cho lao động xuất khẩu, bị Công an Hà Nội phát hiện thu giữ 49 chứng chỉ.

Hiệp hội Xuất khẩu lao động sau một đợt khảo sát các địa phương cũng phải thừa nhận rằng có tình trạng “loạn, nhiễu” thông tin do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cạnh tranh không lành mạnh, mỗi doanh nghiệp một giá, một thông tin thị trường khiến cho địa phương và người lao động “tẩu hoả nhập ma”.

Ngay thị trường Qatar, mới vào được một năm nhiều doanh nghiệp trả giá cho việc “ăn xổi ở thì” do đưa lao động không có chất lượng sang Qatar. Nước bạn đã dừng không cấp visa cho lao động Việt Nam cho đến mới đây hai Chính phủ ký hiệp định.

Các doanh nghiệp phải biết tạo dựng thương hiệu

Để cạnh tranh, tăng quy mô đưa lao động xuất khẩu lên con số hàng trăm ngàn lao động mỗi năm như kỳ vọng của Chính phủ, theo các chuyên gia, chúng ta cần có chiến lược đầu tư phát triển ngành công nghiệp “xuất khẩu nhân lực” một cách bài bản hơn, hiệu quả hơn. Trong xu thế hội nhập, chúng ta không thể xem nhẹ việc tạo thương hiệu cho đội ngũ lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc bằng uy tín và chất lượng.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với việc nỗ lực thực hiện chỉ tiêu năm 2008 phấn đấu đưa từ 85.000 lao động trở lên đi xuất khẩu lao động, tạo nguồn thu ngoại tệ khoảng 2 tỉ USD, thì xuất khẩu lao động của Việt Nam cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng lao động thông qua chú trọng đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, giáo dục định hướng nhận thức cho người lao động; quản lý và bảo vệ tốt quyền lợi, hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động.

Theo ông Nguyễn Xuân Vui, xuất khẩu lao động là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến con người, cần những doanh nghiệp có thương hiệu. Việc xếp hạng doanh nghiệp là điều nên làm một cách thực sự bởi ngay từ năm 2001 Thủ tướng Chính phủ cũng từng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đề án đổi mới, chấn chỉnh, sắp xếp doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động trong đó đã đề cập đến việc xếp hạng doanh nghiệp mạnh. Ông Vui cho rằng, việc xếp hạng doanh nghiệp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh với nhau bởi bảng xếp hạng cũng là “tấm gương” để doanh nghiệp “soi mình”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc AIC, số lượng đưa lao động đi xuất khẩu lao động là một tiêu chí quan trọng khẳng định năng lực của doanh nghiệp nhưng những yếu tố khác cũng quan trọng không kém như tỷ lệ lao động phải về nước trước hạn, tỷ lệ lao động gặp rủi ro, việc xử lý các sự cố phát sinh liên quan đến người lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Vui khẳng định, nếu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo quyết liệt, giám sát quyết liệt, các doanh nghiệp giám đầu tư bài bản và mạnh mẽ vào dạy nghề thì năm 2008 là năm chúng ta bước sẽ đưa xuất khẩu lao động sang một đặc thù mới - xuất khẩu lao động kỹ thuật có nhu cầu cao. Khi tiếp cận với những thị trường mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên thí điểm 5-10 doanh nghiệp làm thật tốt để gây tiếng vang chiếm thị phần trước, sau đó mới mở rộng các doanh nghiệp tiếp theo.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thanh Hòa, đề án đưa người lao động đi làm việc nước ngoài đến năm 2015 của Chính phủ đang được thực hiện, theo đó cùng với việc nâng tỷ lệ đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài tăng, mở rộng thị trường lao động, nâng cao chất lượng, thì siết chặt quản lý, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng được đặt ra cấp thiết. Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng văn phòng đại diện tại các thị trường có số lượng lao động trên 100 người.

Với những doanh nghiệp nhỏ, số lượng lao động ít, dưới 100, có thể kết hợp với doanh nghiệp khác thành lập chung văn phòng đại diện, có trách nhiệm quan tâm, quản lý lao động của doanh nghiệp mình, không được để xảy ra tệ nạn, làm ảnh hưởng đến thị trường lao động chung. Chiến lược lâu dài mà Bộ đề ra là ở đâu có lao động Việt Nam, ở đó sẽ có ban quản lý.